Kể từ năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam tăng trong bảng xếp hạng các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, và mở rộng về phạm vi địa lý và lĩnh vực đầu tư. Từ năm 2015 đến nay, nhất là kể từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Trung Quốc thường đứng trong top 10 nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, vì họ đang tìm cách có được chỗ đứng trên thị trường CPTPP rộng lớn thông qua Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến tháng 4/2017, các dự án đầu tư của Trung Quốc đã có mặt ở 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận thu hút nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc nhất, 2,03 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc ở Việt Nam) cho 7 dự án. Tỉnh Tây Ninh đứng ở vị trí thứ 2 với 46 dự án và vốn đầu tư là 1,65 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc ở Việt Nam). Tỉnh Bắc Giang xếp thứ 3 với 61 dự án và vốn đầu tư là 957,56 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc ở Việt Nam). Các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng những dự án này tập trung chủ yếu ở các thành phố đông dân có kết nối cơ sở hạ tầng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, chú trọng vào xuất-nhập khẩu hàng hóa và nguồn lao động sẵn có.
Lý do Trung Quốc tăng FDI vào Việt Nam
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã coi nguồn lao động tương đối rẻ là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư từ Trung Quốc. Điều này đặc biệt có liên quan tại thời điểm giá lao động ở Trung Quốc đang tăng lên. Hiện tại, giá lao động bình quân một tháng ở Việt Nam nằm trong khoảng từ 300-350 USD, bằng một nửa giá lao động ở Trung Quốc.
Việt Nam cũng khuyến khích các công ty nước ngoài đến đây để giới thiệu các công nghệ mới và tiên tiến hơn cũng như các mô hình quản lý mới nhất. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp địa phương học hỏi và nâng cao kỹ năng quản lý và năng suất của mình. Các doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng tạo ra sức ép tích cực buộc các cơ quan, bộ ngành khác nhau thuộc Chính phủ Việt Nam phải cải thiện môi trường pháp lý và hành chính để trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Hơn nữa, với một thị trường tiềm năng hơn 100 triệu người có nhu cầu tiêu dùng cao, thương mại điện tử ở Việt Nam là ngành thu hút nhiều FDI. Trong những năm 2016-2018, 2 trang thương mại điện tử phát triển nhất ở Việt Nam, Lazada và Tiki, đều nhận được các khoản đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2016 và 2017, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã đầu tư 2 tỷ USD vào Lazada. Đầu năm 2018, Tập đoàn Alibaba nói rằng họ sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Lazada để tài trợ cho việc mở rộng khu vực của họ ở Đông Nam Á. Tháng 1/2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 ở Trung Quốc, JD.com, đã xác nhận khoản đầu tư 44 triệu USD vào trang bán lẻ trên mạng của Việt Nam là Tiki.vn để cạnh tranh với Lazada. Những hoạt động đầu tư này phần nào được thúc đẩy nhờ triển vọng thu hút dân số đang tăng trưởng và tương đối trẻ của Việt Nam và tiềm năng hầu như vẫn chưa được khai thác để phát triển hoạt động bán lẻ trên mạng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư của họ như một phần trong chiến lược dài hạn của Chính phủ Trung Quốc là theo đuổi sự hội nhập kinh tế với thế giới và các nước láng giềng. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tích cực theo đuổi mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau khi nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã ký hơn 100 thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương hoặc đa phương với các nước khác. Trong những năm đầu, những thỏa thuận như vậy đã tạo cơ sở để Trung Quốc thu hút FDI. Giờ đây, những thỏa thuận này mở đường cho Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới.
Về mặt này, Việt Nam là một điểm đến khả thi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nhờ những lợi thế vốn có dưới đây. Thứ nhất, Trung Quốc hiện là một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Thứ hai, trong những năm gần đây, năng suất và năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Thứ ba, các doanh nghiệp Trung Quốc mạo hiểm đầu tư ra nước ngoài để đạt được mục tiêu mở rộng thị trường bên ngoài, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và khai thác các nguồn lực bên ngoài. Hơn nữa, việc tăng trưởng trong nước giảm tốc đang thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng phù hợp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Trong số các dự án nằm trong khuôn khổ BRI ở Việt Nam có cả dự án xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Nam Trung Quốc với Hà Nội và các cảng phía Bắc Việt Nam và dự án nâng cấp hoặc xây dựng các cảng mới trong khu vực này.
Các tác động của FDI Trung Quốc nhìn ở mặt tích cực
FDI từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm, tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam cho thấy số lượng việc làm trực tiếp trong lĩnh vực đầu nước ngoài đã tăng từ 330.000 năm 1995 lên 3,6 triệu năm 2017, đồng thời cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5-6 triệu lao động. Mặc dù không có số liệu chi tiết về số lượng việc làm do đầu tư của Trung Quốc tạo ra, nhưng vai trò to lớn của FDI Trung Quốc cho thấy nó đã làm tăng đáng kể cơ hội việc làm.
Hơn nữa, việc Trung Quốc ngày càng đóng vai trò là nguồn FDI then chốt vào Việt Nam đặc biệt giúp Việt Nam nâng cấp và công nghiệp hóa nền kinh tế của mình. Đặc biệt trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam rất cần vốn để khôi phục sau cuộc khủng hoảng và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Trong dài hạn, mặc dù vốn trong nước đóng vai trò quyết định, nhưng vốn nước ngoài (bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức – ODA, vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp) vẫn là một nguồn rất quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, vốn nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác trong việc thu hút đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam.
Trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã chuyển từ ngành công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng sang xây dựng và chế tạo. Ngoài các thành phố và địa phương then chốt được đề cập ở trên, FDI Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu vào một số tỉnh biên giới Việt Nam thường bị các nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua do cơ sở hạ tầng nghèo nàn và trình độ phát triển kinh tế còn thấp. Những tỉnh này bao gồm Lào Cai (27 dự án), Lạng Sơn (20 dự án), Cao Bằng (7 dự án) và Lai Châu (2 dự án). Dòng vốn chảy vào những khu vực này đã giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa vùng sâu vùng xa, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh kém phát triển ở phía Bắc và các khu vực khác của Việt Nam.
Bản chất định hướng xuất khẩu của FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng thúc đẩy ngành xuất khẩu của Việt Nam bằng việc cung cấp một lộ trình thuận tiện để các sản phẩm Made in Vietnam đến được các thị trường nước ngoài. Nhìn chung, hàng hóa Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở châu Á và trên thế giới, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu sức cạnh tranh so với các đối tác nước ngoài có uy tín hơn ở những nước có nền tảng kinh tế vững chắc. Vì vậy, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực xuất khẩu của Việt Nam giúp tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam đến được các thị trường khác nhau, trong đó có Trung Quốc và các nước châu Á khác. Điều này cũng mở đường cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường quốc tế. Đồng thời, các hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI cũng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của các khu vực khác có liên quan ở Việt Nam như khách sạn, du lịch, trao đổi ngoại tệ và tư vấn.
Tác động tiêu cực từ FDI của Trung Quốc
Một trở ngại lớn đối với Việt Nam là xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài (hơn 70%), khiến Việt Nam phải chịu những rủi ro không cần thiết. Nhìn chung, khi sản xuất phụ thuộc vào các dây chuyền cung ứng xuyên quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam thường can dự sâu vào cả hai tiến trình xuất-nhập khẩu, khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước tình hình kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nói: “Sự phụ thuộc quá mức này là một điểm bất lợi và thiếu bền vững đối với lĩnh vực xuất khẩu của nước ta, vì sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nên khá nhạy cảm với các biến động thương mại trên thị trường thế giới”.
Một trở ngại khác liên quan đến loại hình và chất lượng ngành công nghiệp và công nghệ được đưa vào Việt Nam. Dòng FDI Trung Quốc thường chảy vào các ngành như dệt, giày dép, sợi, năng lượng, nhiệt năng và khai thác mỏ, vốn là các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm. Vụ ô nhiễm nghiêm trọng liên quan đến Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã làm dấy lên những quan ngại về hậu quả của các dự án FDI Trung Quốc đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều dự án FDI Trung Quốc hoặc có hàm lượng công nghệ thấp hoặc sử dụng công nghệ đã lỗi thời. Vì vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc do bất cẩn trong việc lựa chọn các dự án FDI Trung Quốc. Ngoài ra, trong một số trường hợp, máy móc và thiết bị được các công ty Trung Quốc mang sang Việt Nam là các loại mà Việt Nam có thể sản xuất được ở trong nước. Việc nhập khẩu hàng loạt hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc cũng khiến một số ngành công nghiệp trong nước của Việt Nam khó tồn tại.
Trở ngại thứ ba là tình trạng chuyển giá. Chi phí đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc thường cao hơn 2-3 lần so với chi phí đầu tư vào những dự án tương tự trong nước phụ thuộc vào công nghệ Nhật Bản và châu Âu. Sự chênh lệch này dẫn đến những đánh giá sai lệch về hiệu quả của FDI, do đó bóp méo những chỉ số về hiệu quả kinh tế nói chung. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc báo lỗ không chỉ có ở một ngành nào đó mà đặc biệt phổ biến ở nhiều ngành như sản xuất đồ may mặc và giày dép, bán lẻ và nước giải khát. Chẳng hạn, theo báo cáo của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh đều báo lỗ, tuy nhiên phần lớn các công ty trong nước hoạt động trong ngành này đều có lãi. Hiện tượng này dường như khó giải thích vì các công ty trong nước thường được cho là có năng suất thấp hơn và ít lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối tác nước ngoài. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (trực thuộc Bộ Tài chính Việt Nam), khoảng 44%-51% các doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ hàng năm. Năm 2015, 51% các doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ; năm 2016, con số này là 50%. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ trong một khoảng thời gian dài 10 năm hay thậm chí là 20 năm, nhưng vẫn tiếp tục tăng vốn và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy tình trạng chuyển giá trong khu vực đầu tư nước ngoài đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2014 để tìm hiểu hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và phát hiện ra rằng 20% số doanh nghiệp này thừa nhận có thực hiện hành vi chuyển giá.
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển giá liên quan đến việc các doanh nghiệp nước ngoài khai khống giá trị đầu tư ban đầu của họ, dẫn đến tình trạng thất thu thuế, giảm lợi nhuận và cạnh tranh thiếu công bằng, tác động tiêu cực đến nước sở tại. Các doanh nghiệp nước ngoài thường được xem là các tập đoàn lớn có công nghệ và trang thiết bị hiện đại, và do đó được cho là sẽ góp vốn đầu tư. Do đối tác Việt Nam thường không có khả năng định giá công nghệ và trang thiết bị hiện đại, nên các đối tác nước ngoài có xu hướng đánh giá cao đóng góp của họ, dẫn đến việc thổi phồng số vốn đóng góp vào bất kỳ liên doanh nào. Tiếp đó, trong quá trình sản xuất và kinh doanh, các doanh nghiệp nước ngoài thường tuyên bố giá nguyên liệu đầu vào cao, và tìm cách tăng các khoản chi phí khác như chi phí quảng cáo nhằm giảm bớt hoặc xóa bỏ lợi nhuận. Các công ty này cũng sẽ lợi dụng việc thanh toán lãi vay để thực hiện chuyển giá. Vì vậy, ngay cả khi chi nhánh của một công ty ở Việt Nam có lợi nhuận trên danh nghĩa, thì khoản lợi nhuận đó cũng sẽ được dùng vào việc thanh toán lãi vay và được tính như một khoản chi phí, do đó xóa bỏ được lợi nhuận. Điều này dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất và tăng dòng doanh thu của mình cho dù liên tục báo lỗ. Hiện tại, phần lớn các trường hợp chuyển giá ở Việt Nam đều chưa bị đưa ra tòa do sự yếu kém của khung pháp lý Việt Nam về xử lý hành vi chuyển giá và sự tinh vi của các doanh nghiệp FDI trong việc che đậy hành vi này.
Ngoài các tác động tiêu cực kể trên, một số dự án của Trung Quốc ở Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết, do đó ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án này cũng như hình ảnh của các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan. Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Tối đa hóa lợi ích từ FDI Trung Quốc thế nào?
Để tối đa hóa lợi ích từ FDI Trung Quốc và hạn chế tác động tiêu cực của những khoản đầu tư này, Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định và thủ tục của mình để tạo ra một môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Về mặt này, Việt Nam có thể tích lũy những bài học hữu ích từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh vì đó là điểm đến được yêu thích nhất của FDI vào Việt Nam. Trong hai năm 2016 và 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh lên tới mức gây sửng sốt là 10,06 tỷ USD. Điều này trái ngược với tình hình đầu tư của 5 năm trước (từ năm 2011 đến năm 2015) khi thành phố này chỉ thu hút được tổng cộng 10,36 tỷ USD.
Thành công của Thành phố Hồ Chí Minh một phần nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, danh tiếng là thành phố năng động nhất về kinh tế ở Việt Nam và môi trường kinh tế-xã hội ổn định. Đồng thời, thành phố này có cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, nhất là sự kết nối thông qua cảng biển và đường hàng không và năng lực logistic. Quan trọng hơn, Thành phố Hồ Chí Minh có những chính sách và thủ tục có lợi cho các nhà đầu tư. Thành phố này có thể nhanh chóng cấp phép cho các dự án đầu tư vì quyền đưa ra những quyết định như vậy đã được chuyển giao cho chính quyền và các ban ngành địa phương. Trước kia, các dự án đầu tư phải do Bộ Kế hoạch và đầu tư ở Hà Nội cấp phép. Kể từ năm 2015, vai trò này đã được chuyển giao cho các sở kế hoạch và đầu tư tương ứng cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, thành phố này đã tăng cường các hoạt động thúc đẩy đầu tư và hợp lý hóa các thủ tục hành chính. Thành phố tập trung hơn nữa vào việc phát triển dịch vụ cửa hàng một điểm đến, cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về hoạt động xuất-nhập khẩu tại các khu vực chế biến và công nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn gặp phải trong việc thực hiện dự án.
Song song với những nỗ lực cải thiện toàn bộ môi trường để thu hút FDI, Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp để xử lý các vấn đề còn tồn đọng hiện nay liên quan đến các dự án FDI của Trung Quốc. Trước mắt, Việt Nam cần ban hành luật chống chuyển giá và hoàn thiện khung pháp lý nhằm chống lại hành vi chuyển giá giữa các công ty. Việt Nam cũng cần thu hẹp ở mức độ nào đó khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tạo ra một môi trường cạnh tranh nói chung công bằng hơn cho cả hai nhóm doanh nghiệp này. Việt Nam cần hành động hướng tới việc ủy quyền điều tra vốn thuộc Tổng cục Thuế ở Hà Nội cho các cơ quan thuế địa phương cấp tỉnh, thành phố để họ giám sát tốt hơn hoạt động của các doanh nghiệp FDI và kịp thời ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp. Việt Nam cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân và doanh nghiệp đóng thuế để giám sát chặt chẽ hơn những thay đổi về dòng thu nhập và doanh thu của họ. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài coi thường các quy định về kinh doanh của Việt Nam, Hà Nội cần đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp như giảm thời gian áp dụng mức thuế ưu đãi hay thậm chí là tăng mức thuế áp đặt. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, Việt Nam cần điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế như một phần trong việc cải thiện toàn bộ môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp.
Là một phần trong kế hoạch nâng cấp công nghiệp, Việt Nam sẽ cần phải tìm ra các cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao, tiên tiến, các hoạt động thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và có thể tái tạo, thiết bị y tế tiên tiến, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhất là các ngành công nghiệp mới dựa vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng cần phải tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng lực lượng lao động trong nước.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các dòng FDI Trung Quốc chảy vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp rủi ro cao như nhiệt điện, thép, hóa chất và xi măng. Cần kiểm tra các dự án đầu tư này vì chúng đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, tiêu thụ rất nhiều năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra chặt chẽ hơn cũng có thể giúp tránh chuyển giao các trang thiết bị và công nghệ cũ, lạc hậu, tốn năng lượng vào Việt Nam.
Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế cân bằng và bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là các nước láng giềng là điều quan trọng. Việt Nam đánh giá cao vai trò của FDI Trung Quốc trong việc góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của mình. Tuy nhiên, các hoạt động FDI của Trung Quốc ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng lợi dụng lao động giá rẻ của Việt Nam, khai thác tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng và làm gia tăng thâm hụt thương mại. Hai nước có thể hợp tác hơn nữa để cải thiện chất lượng các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam. Việc này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cả hai bên, điều sẽ tạo ra ảnh hưởng chính trị tích cực đối với cả hai nước.
Việt Hà (theo Iseas.edu.sg)