Hai học giả Veleria Niquet và Christophe Paget thuộc Qũy Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng mô hình song phương để thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, vì trước các đối tác yếu hơn, mô hình này giúp Trung Quốc dễ nắm lợi thế. Theo đó, Trung Quốc đang dùng các khoản đầu tư tài chính lớn, các điều khoản quản lý vốn vay dễ dãi, thậm chí sử dụng vốn thiếu minh bạch để đưa hợp tác với các đối tác vào khuôn khổ cấu trúc song phương, giúp Trung Quốc dễ điều khiển.
Thực tế, nghị định thư về thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa mới”, cùng các hợp đồng kinh tế có trị giá tới 20 tỷ EURO do Trung Quốc vừa ký kết với Italia thực chất cũng nằm trong mô hình song phương này.
Trong khi đó, nhà bình luận của Mạng Phượng Hoàng Nhiếp Thư Dực cho rằng, việc nước thành viên G7 đầu tiên là Italia tham gia ký kết Bản Ghi nhớ Hợp tác Thúc đẩy “Vành đai và Con đường” có cả giá trị biểu tượng và thực chất rất lớn. Theo đó, việc kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và kế hoạch “xây dựng cảng khẩu phương Bắc” cùng “Kế hoạch đầu tư Italia” cho thấy sáng kiến của Trung Quốc đã đạt được đột phá khẩu lớn tại châu Âu. Qua đó, tái hiện sự kết nối của con đường tơ lụa cổ đã có từ hơn 2000 năm trước của nhà Hán với thành La Mã của châu Âu.
(ĐSQVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc).