Doanh nghiệp Anh: Việt Nam vẫn còn “một số át chủ bài” để tăng trưởng

0
74

Công ty HS Markit có trụ sở ở London (Anh) mới đây đăng bài phân tích về câu chuyện phát triển của Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp trở thành cường quốc xuất khẩu.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 đã nêu bật điều các quan chức thương mại và các hãng tàu biển biết về Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là: một quốc gia 97 triệu dân từng bị chiến tranh tàn phá nhưng nay trở thành cường quốc xuất khẩu mới nhất của thế giới.

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng hơn 6%/năm và có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Trong những năm 1980, các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách mang tên “Đổi mới”, theo đó xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sáng kiến của chính phủ bao gồm giảm bao cấp, mời gọi đầu tư nước ngoài và tham gia thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế giàu có hơn trên thế giới.

Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kết quả là Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng hơn 6%/năm và có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm các hạn chế về sở hữu nước ngoài, sức ép đòi liên kết từ Trung Quốc và nguy cơ lạm phát nếu tăng trưởng quá nhanh. Việt Nam cũng có nền kinh tế phi chính thức lớn, phần nhiều không được kiểm soát, thất thu thuế. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm số lượng công ty quốc doanh. Các công ty tư nhân hiện chiếm gần 1/2 nền kinh tế đất nước.

Việt Nam đang phải đối mặt với câu hỏi về cách thức điều khiển nền kinh tế. Liệu Việt Nam có giống Trung Quốc – chọn cách xây dựng các khu sản xuất và trở thành một trong những “công xưởng” của thế giới, hay sẽ xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ, ngân hàng và các dịch vụ khác?

Mặc dù quan hệ Việt Nam –  Trung Quốc đôi khi gặp khó khăn, song không nên nghi ngờ về tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều nhằm xây dựng năng lực sản xuất ở Việt Nam, một phần nhằm tận dụng nhân công giá rẻ, mặt khác để tránh thuế quan của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Vậy, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đều là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Các công ty như Samsung và Intel đều có nhà máy tại Việt Nam. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tranh giành mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump hồi tháng 2 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã đồng ý thương vụ mua các bộ phận và dịch vụ máy bay từ hãng Boeing và General Electric, trị giá hơn 20 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê và tôm.

Sau khi bị lạm phát quá mức vào những năm 1980, Việt Nam theo đuổi chính sách kinh tế tăng trưởng vừa phải. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế đất nước, kích thích đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, công nghiệp da và sản xuất nhựa. Trong khi xây dựng sự thịnh vượng và vạch ra một con đường kinh tế mới, song song với khẳng định sự độc lập trước Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn “một số át chủ bài”.

Thứ nhất, chính phủ có hàng trăm công ty nhà nước đang tìm cách tư nhân hóa. Khi điều này xảy ra, Việt Nam sẽ khai thông hơn nữa giá trị và tăng trưởng kinh tế nhờ có một thị trường chứng khoán mạnh mẽ.

Thứ hai, Việt Nam có tỷ lệ lạm phát thấp,  tiền tệ ổn định và nhân công thấp hơn Trung Quốc.

Thứ ba, Việt Nam có dân số trẻ, với 2/3 dân số dưới 35 tuổi.

Hằng Thu (theo Ihsmarkit.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here