Công nghệ Blockchain và những khiếm khuyết tạm thời

0
110
Công nghệ Blockchain được ứng dụng để chứng thực dữ liệu thông tin cá nhân, sinh trắc học; (Nguồn: Coder.awas).

Đang là một trong những chủ đề vô cùng nóng trên toàn cầu hiện nay, Blockchain (tên ban đầu block chain – chuỗi khối) hiểu nôm na là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian, được thiết kế để chống lại việc thay đổi dữ liệu. Blockchain đầu tiên được Satoshi Nakamoto phát minh và thiết kế vào năm 2008 và được hiện thực hóa một năm sau đó như là một phần cốt lõi của Bitcoin, khi công nghệ blockchain đóng vai trò như một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch.

Công nghệ Blockchain được ứng dụng để chứng thực dữ liệu thông tin cá nhân, sinh trắc học; (Nguồn: Coder.awas).

Blockchain công nghệ “chìa khóa”

Công nghệ Blockchain là sự kết hợp của 3 loại công nghệ: mật mã học, mạng ngang hàng, và lý thuyết trò chơi. Đặc điểm chính của Blockchain là không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi Blockchain; dữ liệu trong Blockchain không thể sửa (có thể sửa nhưng sẽ để lại dấu vết) và sẽ lưu trữ mãi mãi; các thông tin, dữ liệu trong Blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối; ai cũng có thể theo dõi dữ liệu Blockchain đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó; là hợp đồng kỹ thuật số, cho phép tự thực thi mà không cần bên thứ ba.

Thông tin trong Blockchain hầu như không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống và mở rộng theo thời gian, vì vậy, đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng dữ liệu bị đánh cắp. Ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và các nút khác sẽ tiếp tục bảo vệ thông tin và giữ cho mạng lưới tiếp tục hoạt động. Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc…, giúp tránh các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Blockchain được xem là một công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực và bảo mật cao, các chuyên gia cho rằng, công nghệ blockchain là một trong những công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, như tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán, bán lẻ, vận chuyển và sản xuất hàng hóa… với tiềm năng không giới hạn. Không chỉ thế, Blockchain còn là nòng cốt của Internet vạn vật (IoT).

Một giải pháp nhận diện kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain đã được Canada và Hà Lan (cùng Liên đoàn Cảnh sát quốc tế INTERPOL, Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh NCA, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ DHS, và các doanh nghiệp như Google, Marriott International, Hilton Worldwide…) ứng dụng để chứng thực dữ liệu thông tin cá nhân, sinh trắc học của hành khách với rủi ro thấp. Hợp tác giữa Canada và Hà Lan trong việc xây dựng giải pháp nhận diện trên nền tảng blockchain được xem như nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn căn cước công dân toàn cầu.

Khi áp dụng vào chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, công nghệ blockchain sẽ làm minh bạch, giúp người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc sản phẩm, tuy nó không phải là công cụ quyết định để tạo ra thực phẩm an toàn. Tất cả quá trình từ khi gieo hạt, ươm cây giống, cho đến cây phát triển 5 – 10 lá, ra hoa, quả… đã sử dụng loại phân gì, thuốc gì, hàm lượng bao nhiêu, cách thức chăm sóc như thế nào, lượng nước tưới bao nhiêu, ánh sáng ra sao đều được ghi lại. Sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn sẽ cho ra kết quả sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và ngược lai.

Trong khi bitcoin nhận được nhiều đánh giá tiêu cực, thì blockchain – công nghệ đứng đằng sau nó, đã trở thành thuật ngữ quan trọng thường được nhắc tới trong các cuộc bàn luận về công nghệ. Các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hầu như không quan tâm tới bitcoin, nhưng họ bắt đầu chú ý tới công nghệ blockchain. Những người ủng hộ công nghệ blockchain vẫn không ngừng ca tụng về các lợi ích mang tính đột phá mà công nghệ này mang lại, thậm chí còn cho rằng những đột phá này có thể là bước ngoặt công nghệ sẽ thay đổi nhiều ngành công nghiệp…

Một số điểm bất ổn

Tuy vậy, mới đây, Mark Gates – tác giả một cuốn sách (tạm dịch: Blockchain – Giới thiệu về công nghệ blockchain, bitcoin, tiền mật mã, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ) đã đề cập tới một số điểm bất ổn của công nghệ này. Xuất phát từ tính phi tập trung, blockchain là một mạng lưới trong đó tất cả các giao dịch trong mạng lưới đó đều có thể được truy xuất ngược bởi bất kỳ thành viên nào, ảnh hưởng đến tính riêng tư. Nếu khách thanh toán tại một cửa hàng mà mạng thanh toán sử dụng công nghệ blockchain, cửa hàng có thể thấy giao dịch đó trên blockchain và dễ dàng truy xuất xem khoản tiền đó được gửi từ đâu. Họ còn có thể kiểm tra số dư, cũng như toàn bộ các giao dịch gửi, rút tiền hoặc thanh toán khác từ tài khoản của khách.

Ý tưởng về một blockchain phi tập trung cung cấp rõ ràng, công khai từng giao dịch đơn lẻ trong mạng lưới đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều người. Điều này cũng nguy hiểm do nhiều máy tính hoạt động trên mạng lưới blockchain quy mô lớn tại các quốc gia có tội phạm công nghệ cao, thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để gây hại cho cư dân và khách du lịch tới các quốc gia đó. Mặc dù có nhiều blockchain phi tập trung cung cấp mức độ bảo mật giao dịch cao hơn hoặc giới hạn người có thể truy cập để theo dõi thông tin, nhưng Bitcoin, Ethereum và nhiều đồng tiền khác không vận hành theo cách đó, và hiện tại chưa có kế hoạch tăng cường tính riêng tư cho giao dịch hay tài khoản.

Trong các hệ thống bảo mật thông qua trung gian, chẳng hạn như ngân hàng, nếu khách hàng quên mất mật khẩu, họ có thể nhờ ngân hàng cấp lại. Tuy nhiên, trong mạng lưới blockchain không có bên trung gian, khách hàng quên mất khóa cá nhân sẽ không có cách nào truy cập vào khoản tiền của mình; giao dịch một khi được thực hiện sẽ không thể đảo ngược, hay làm lại. Tính bảo mật quá cao này có thể gây rắc rối cho người sử dụng; một số người thậm chí còn lưu mã cá nhân bằng tin nhắn, email hoặc chép ra giấy – điều có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật, và biến sự an toàn thành không an toàn.

Một giao dịch trong mạng lưới blockchain sẽ được ghi lại nếu trên 50% số máy trong mạng lưới xác nhận là đúng. Sau khi đã được ghi lại, giao dịch đó gần như sẽ không thể bị thay đổi, trừ khi có ít nhất trên 50% số máy trong mạng lưới cùng xác nhận giao dịch đó. Về mặt thực tế, việc này rất khó xảy ra, tuy nhiên, trên lý thuyết, nếu một người (hoặc nhóm người) có khả năng kiểm soát trên 50% số máy trong mạng lưới blockchain, họ có thể kiểm soát được các giao dịch trên mạng lưới này. Một cuộc tấn công quá bán trên mạng lưới blockchain thường được coi là bất khả thi trong thực tế vì để kiểm soát một số lớn trên mạng lưới lưới là rất khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều trang trại khai thác khổng lồ đặt tại Trung Quốc, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới nắm quyền kiểm soát phần lớn công suất tính toán trong mạng lưới blockchain. Nếu những trang trại khai thác khổng lồ này liên kết lại với nhau, họ có khả năng chiếm dụng và thao túng mạng blockchain vì mục đích riêng.

Vì mỗi blockchain đã sao chép chính mình đến mọi nút trên blockchain nên đã tạo ra một số lượng lớn những sự dư thừa; mỗi lần giao dịch Bitcoin được xác nhận nhiều lần và quá trình này sử dụng rất nhiều điện. Người ta đã tính, cứ nửa giờ, mạng Bitcoin sử dụng một lượng điện năng gần tương đương với lượng điện các hộ gia đình bình thường tại Mỹ tiêu thụ trong một năm. Nếu phải xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi phút trên toàn cầu, thì đây sẽ là vấn đề lớn. Hơn nữa, độ khó của các khối mới của mạng blockchain ngày càng tăng, nên lượng tiêu thụ điện năng cũng sẽ tăng, điều này khiến chi phí càng cao và đòi hỏi càng nhiều nguồn lực để vận hành blockchain.

Để vận hành một nút trên blockchain, bitcoin phải tải xuống 60GB dữ liệu. Nếu thị trường bitcoin phát triển mạnh, sẽ có nhiều blockchain với dung lượng hàng Terabyte xuất hiện. Khi đó, sẽ cần nhiều không gian lưu trữ, và chỉ có các trang trại máy chủ và những người thực sự quan tâm đến việc thương mại hóa tiền kỹ thuật số quy mô lớn mới có thể hoạt động. Vì kích thước khối hạn chế nên mạng lưới bitcoin chỉ có khả năng xử lý tối đa 7 giao dịch/giây. Đây là con số quá nhỏ so với số lượng giao dịch mỗi giây mà các định chế tài chính lớn đang xử lý. Chẳng hạn, VISA sử dụng mạng lưới IBM có khả năng thực hiện trên 20.000 giao dịch/giây.

Một vấn đề khác hạn chế khả năng mở rộng ứng dụng của blockchain là sự vụ phát hiện ra bằng tiến sĩ từ Mỹ của Tang Jun – cựu chủ tịch Microsoft Trung Quốc là giả. Sẽ rất tốt nếu như blockchain có thể giải quyết được đại dịch làm giả bằng cấp đang hoành hành ở nhiều quốc gia. Vấn đề này thu hút rất nhiều giấy mực của báo chí vào năm 2010 khi người ta phát hiện ra bằng tiến sĩ từ Mỹ của Tang Jun – cựu chủ tịch Microsoft Trung Quốc là giả. Có thể hi vọng rằng một ngày nào đó, tất cả các cơ sở trao các giấy chứng nhận có thể liên kết với nhau trên một hệ thống blockchain để ngăn chặn lừa đảo, nhưng đó là một hi vọng xa vời.

Các nhà công nghệ dự đoán, trong những năm tới, công nghệ blockchain sẽ được áp dụng nhiều hơn, nhắc đến viễn cảnh công nghệ này sẽ biến đổi hoàn toàn thế giới. Hiện có rất nhiều công ty và tập đoàn lớn như Microsoft và sắp tới Oracle, Facebook… xây dựng mạng lưới blockchain cho riêng mình, tuy vậy, một số quốc gia đang có những quan ngại nhất định trước xu thế blockchain. Theo South China Morning Post, một chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã thừa nhận các khía cạnh sáng tạo của blockchain, song lại cảnh báo rằng không nên “thần thoại hóa” công nghệ đứng sau tiền mã hóa – điều cho thấy quan điểm lẫn lộn của các chuyên gia về một lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ.

Blockchain không phải là một phép màu hay toàn là những điều quyến rũ, nó cũng có những khiếm khuyết tạm thời nhất định mà trong tương lai cần được khắc phục. Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, công nghệ này chưa thể là giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới. Những nhận xét của giới kinh tế hàng đầu Trung Quốc phản ánh khá rõ quan điểm chào đón nhưng thận trọng của chính phủ nước này đối với blockchain. Vì thế một chuyên gia đã đưa ra lời khuyên những người quan sát, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này cần phải khách quan khi đánh giá tiềm năng của blockchain, đặc biệt là tỉnh táo trước cơn sốt đầu cơ tiền số.

Hương Giang 

 Tài liệu tham khảo:

https://blog.iqoption.com/is-blockchain-the-next-revolution-after-the-internet/

https://medium.com/@micheledaliessi/how-does-the-blockchain-work-98c8cd01d2ae

https://blockgeeks.com/guides/what-is-blockchain-technology/

https://cafebitcoin.info/huong-dan/cong-nghe-blockchain-la-gi/

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here