Động lực và kỳ vọng mới cho kinh tế Việt Nam, nhìn từ các tháng đầu năm 2019

0
98

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 và trong thời gian tới, cùng với tiếp tục thực hiện ba đột phá về thể chế, hạ tầng và đào tạo nhân lực, Chính phủ cũng triển khai hai động lực mới là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân…!

Hai tháng đầu năm 2019 đang ghi nhận một loạt những tín hiệu tích cực mới tạo động lực và kỳ vọng mới cho tăng trưởng kinh tế.
Thực tế cho thấy, hai tháng đầu năm 2019 đang ghi nhận một loạt những tín hiệu tích cực mới tạo động lực và kỳ vọng mới cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong cải cách môi trường đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, tạo lập các chuỗi cung ứng liên kết, cũng như trong kinh tế đối ngoại.

1. Một số động lực và kết quả tích cực trong hai tháng đầu năm

   Động lực thể chế mạnh mẽ mới đang được gia tăng từ nỗ lực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, với phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” mà Chính phủ đề ra. Các cấp, các ngành và địa phương đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể, hướng tới mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trước mắt, tập trung cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ một cách thực chất hơn những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đảm bảo sự tự do hoá ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực tu nhân tham gia; phát huy tinh thần vừa hợp tác liên kết chặt chẽ, vừa cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ; tuân thủ các nguyên tắc, thông lệ và cam kết hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác công đồng, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.

Những cải cách môi trường đầu tư nêu trên và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tạo động lực tăng trưởng tích cực trong các ngành, khu vực kinh tế trên cả nước, nổi bật là sản xuất công nghiệp của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ghi nhận các mức tăng trong 2 tháng đầu năm 2019, so cùng kỳ năm trước.  Nông nghiệp năm 2019 có nhiều kỳ vọng mới: Thời tiết nắng ấm cùng với tình hình sâu bệnh được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho lúa và hoa màu vụ Đông xuân phát triển tốt. Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa cả nước năm 2019 dự kiến đạt 43,8 triệu tấn với tỷ trọng giống gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu. Chăn nuôi ổn định; Các địa phương đang tích cực và chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi và dịch lở mồm long móng. Đặc biệt, Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông – Trung Quốc (FVC) sẽ được thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2019. Tin vui lớn năm 2019 cho gnanhf nông n ghiệp và công nghiệp chế biến là sự nở rộ hàng loạt dự án chế biến và phân phối nông sản, nhất là rau quả trị giá hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp Việt và hàng tỷ USD của doanh nghiệp nước ngoài. Với các dây chuyền công nghệ cao và tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối chuyên nghiệp, đồng bộ  và bài bản, những dự án này sẽ trực tiếp góp phần nâng cao giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho người nông dân, tạo động lực tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, hình thành diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới… (Aeon vừa cam kết coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn này tại Đông Nam Á, với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, dự kiến tạo ra 50.000 việc làm cho lao động Việt Nam và đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương về tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài, dự kiến nâng giá trị xuất khẩu trong năm 2019 lên 500 triệu USD; đồng thời mở rộng hoạt động đầu tư dịch vụ tài chính tại Việt Nam).

Hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước hai tháng đầu năm 2019 có 3 điểm tích cực mới nổi bật so với cùng kỳ năm trước, đó là: Sự gia tăng số doanh nghiệp quay lại hoạt động (lên tới 10.191 doanh nghiệp, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước); Số việc làm mới do các doanh nghiệp mới đăng ký tạo ra (164 nghìn người, tăng 4,8%-đây là mức tăng hiếm hoi ghi nhận được trong nhiều năm gần đây) và sự gọi vốn thành công, cũng như đoạt nhiều phần thưởng quốc tế của các dự án khởi nghiệp sáng tạo.  Hơn nữa, ngay từ đầu năm 2019 đã có hàng chục  triệu USD rót vào các startup (dự án khởi nghiệp sáng tạo) Việt và nhiều dự án đặt mục tiêu tăng trưởng, mở rộng thị trường, tiêu biểu như: Dự án Logivan – startup Việt chuyên về lĩnh vực vận tải huy động thành công 5,5 triệu USD; Luxstay – ứng dụng đặt phòng nhận thêm 3 triệu USD; WeFit – startup Việt kết nối các phòng tập fitness nhận vốn một triệu USD; Finhay – một startup về công nghệ tài chính (fintech) nhận gần triệu một USD

Điều đáng mừng là nhiều dự án khởi nghiệp của Việt Nam đang có sự khẳng định vị trí cao trong so sánh quốc tế, nổi bật là sản phẩm chatbot Việt Nam lọt vào top 80 và hiện chạy đua cho top 24 chung cuộc trong trong cuộc thi GIST Tech-I (Mỹ). Dự án Startup giám sát chất lượng không khí Việt Nam ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) đạt chức vô địch vòng châu Á – Thái Bình Dương và được IBM lựa chọn tham gia thuyết trình tranh giải IBM Watson Build ở quy mô toàn cầ, vượt qua hơn 250 giải pháp công nghệ và nhiều vòng thi từ khu vực Đông Nam Á đến châu Á trong 400 dự án tranh giải IBM Watson Build toàn cầu. Cuộc thi này được tổ chức lần đầu vào tháng 2/2017, nhằm khuyến khích các công ty phát triển giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo IBM Watson và điện toán đám mây IBM Cloud. Đến nay, IBM Watson Build thu hút khoảng 1.700 đối tác tới từ 80 quốc gia, chia sẻ hơn 800 giải pháp công nghệ…

Tuy nhiên, cũng trong 2 tháng đầu năm, cả nước vẫn có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 13.519 doanh nghiệp, tăng 20,8% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.156 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn và sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong cạnh tranh thị trường và khai thác cơ hội kinh doanh từ kết quả cải thiện môi trường đầu tư.

Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 793,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,28% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,25%), cho thấy thị trường trong nước tiếp tục là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, nhất là cho khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tổng khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.089,9 nghìn lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng và triển vọng sáng sủa năm 2019 của ngành du lịch Việt. Động lực mới cho ngành du lịch và cả hàng không Việt Nam là Việt Nam vừa đạt được phê chuẩn giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của Mỹ. Điều này tạo khả năng thực hiện các chuyến bay thẳng tới Hoa Kỳ với hàng chục máy bay Boeing Max 737 mà  Vietnam Airlines (VNA) dự kiến mua của Mỹ, qua đó sẽ góp phần tăng trưởng du lịch và cải thiện cơ cấu nhập siêu dịch vụ quốc tế nói chung và từ Mỹ nói riêng đã kéo dài liên tục suốt thời gian.

Đặc biệt, Việt Nam nhận được nhiều xung lực tích cực từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên tại Hà Nội ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2018.  Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Việt Nam ngày 27/02/2018, các doanh nghiệp 2 nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế thương mại-đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD về lĩnh vực thương mại và dịch vụ hàng không. Sự kiện quốc tế quan trọng và chưa có tiền lệ này không chỉ là cơ hội quảng bá đất nước, hình ảnh và con người Việt Nam, khẳng định lòng tin và biểu tượng về  một Việt Nam đối tác hòa bình, có trách nhiệm và tin cậy, mà còn là cơ hội mang lại động lực mới, mở ra triển vọng và  kỳ vọng mới tích cực cho ổn định và phát triển của Việt Nam, khu vực và thế giới…

Sự bùng nổ FDI và dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam từ các nước khu vực đang gia tăng trong hai tháng đầu năm 2019, với kết quả cả nước thu hút được 514 dự án FDI cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 2.444,9 triệu USD, tăng 25,1% về số dự án và tăng 75,7% về vốn đăng ký; 176 lượt dự án có vốn tăng thêm đạt 854,8 triệu USD, tăng 22,1%. FDI thực hiện ước đạt 2.580 triệu USD, tăng 9,8%; Ngoài ra, có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,17 tỷ USD, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 76,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; và nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung chiếm 80,3% tổng vốn đăng ký. Bắc Ninh đứng đầu 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI được cấp phép mới, chiếm 17,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong hai tháng đầu năm, chiếm 24,1% tổng vốn FDI đăng ký mới; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) chiếm 16,3%; Đài Loan chiếm 5,1%, tức tổng cộng ba nước và khu vực lãnh thổ này chiếm tới 45,5%, tức gần một nửa tổng FDI cả nước. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để “né” hàng rào thuế quan từ Mỹ đối với Trung quốc đang dần đậm nét trong năm 2019…

Cả nước nhập siêu 84 triệu USD do nhu cầu nhập khẩu hàng thường tăng trong dịp tết: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Điều tích cực là dòng xuất khẩu sang Trung Quốc có cải thiện hơn và Tổng Thống Mỹ đã đánh giá cao và  đề nghị Việt Nam nỗ lực cải thiện các thể chế hỗ trợ quan hệ thương mại Việt- Mỹ.

CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 và Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2018; Tất cả cho thấy áp lực lạm phát năm 2019 có thể sẽ cao hơn năm 2018, nhất là áp lực từ điều chỉnh giá điện và chi phí dịch vụ y tế, giáo dục và một số dịch vụ công khác theo lộ trình thị trường hóa…

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được quan tâm: Cả nước có 26,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 98,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 34%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 1,7 nghìn tấn gạo. Tổng kinh phí hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết của cả nước khoảng 2.347 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội chữ thập đỏ các cấp đã vận động được 1.052 tỷ đồng với 3.297 nghìn suất quà trao cho các hộ nghèo ăn Tết.

Nhìn chung, công tác tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019 đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn vui Xuân, đón Tết. Thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào, chất lượng bảo đảm. Giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Việt Nam lọt vào top 12 địa điểm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 thú vị nhất hành tinh do Đài truyền hình Mỹ CNN bình chọn…

Tuy nhiên, tình hình an toàn giao thông và lạm dụng rượu bia còn nhiều bức xúc: Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết 2019, cả nước đã xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, làm chết 135 người, bị thương 189 người. Theo Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 45.622 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông và 3.281 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá. Cả nước có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, tỷ lệ cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình toàn cầu. Rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%); trực tiếp và gián tiếp gây ra 200 loại bệnh cho người sử dụng, kéo theo những hệ lụy không thể tính bằng tiền; Vấn nạn sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải và lực lượng Cảnh sát khác đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; các hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích thần kinh và kiểm tra nồng độ cồn, chất ma tuý đối với tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại đơn vị.

  1. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước rất nặng nề; bỏi vậy, “Chúng ta không được chủ quan với các thành tích đạt được mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay sau Tết, phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2019 đạt kết quả tốt hơn”.

Để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, đồng thời gây mất niềm tin trong nhân dân, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… ; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công tới lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, không để xảy ra các hoạt động phản cảm tại các lễ hội, nhất là tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách.

Thứ hai, xây dựng và chủ động điều hành các kịch bản tăng trưởng theo quý cho từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt những ngành công nghiệp chủ lực. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; theo dõi, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp; đẩy mạnh xử lý tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường phòng chống dịch bệnh, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, lễ hội. nắm tình hình lao động sau Tết, nhất là các khu công nghiệp, không để tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Minh Phong

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here