Azerbaijan là đất nước giàu có nhất khu vực Nam Caucasus. Mặc dù cách xa Việt Nam về mặt địa lý xong có nhiều nét tương đồng và gắn bó với kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong ngành dầu khí.
Nền kinh tế Azerbaijan cũng như những giải pháp trong hợp tác kinh tế Azerbaijan là một nội dung thảo luận quan trọng giữa các nhà ngoại giao, chuyên gia và học giả trong hội thảo quốc tế với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam và Azerbaijan: Sự tương đồng, phát triển và vai trò trong xây dựng đất nước” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội đồng tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Thế mạnh kinh tế
Azerbaijan là đất nước giàu có nhất khu vực Nam Caucasus. Trong giai đoạn từ năm 2005 – 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 24,1%, là mức tăng trưởng cao nhất suốt thời gian sau khi Liên Xô tan rã. Để có được điều này, Azerbaijan sử dụng tiềm năng thiên nhiên hiệu quả, tăng sản lượng khai thác năng lượng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng các đường ống dẫn dầu – khí đốt, gia tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển nền kinh tế phi tài nguyên; cải thiện đời sống xã hội, cũng như thiết lập được chiến lược dự trữ ngoại hối vượt tổng GDP…
Azerbaijan là một nước công-nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm 6%, công nghiệp chiếm 59%, dịch vụ chiếm 35% . Ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp nặng nói riêng là thế mạnh và cũng là lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Azerbaijan. Ngành dầu khí chiếm 42,0% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng chỉ chiếm 0,9% tổng số việc làm. Đó là lý do tại sao, những năm gần đây, việc khuyến khích các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực phi dầu mỏ và thúc đẩy phát triển kinh tế là một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ Azerbaijan. Tổng thống Ilham Aliyev cũng đã khẳng định “đa dạng hóa nền kinh tế là ưu tiên trong chính sách kinh tế”.
Về khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển đất nước, có thể nói, sức mạnh chủ yếu của Azerbaijan là nguồn năng lượng dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Đất nước này nằm trong số 20 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất khi tính sản lượng dầu trên đầu người.
Nút kết nối
Azerbaijan đang cố gắng hưởng lợi từ các sáng kiến kết nối khu vực để thúc đẩy quá cảnh và thương mại. Đặc biệt, Azerbaijan là một trong những nhà tài trợ hành lang vận tải Đông-Tây và Bắc- Nam. Việc xây dựng tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars kết nối khu vực Caspian với Thổ Nhĩ Kỳ, Đường ống dẫn khí tự nhiên Trans-Anatolan (TANAP) và Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) để vận chuyển khí đốt từ mỏ khí đốt Shah Deniz của Azerbaijan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu hứa hẹn sẽ tạo nhiều động lực cho quá trình phát triển kinh tế của nước này.
Azerbaijan là một liên kết quan trọng trong Con đường tơ lụa kinh tế, là điểm then chốt của hành lang kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á. Con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với Tây Á là đi qua Baku, thủ đô của Azerbaijan. Trung Quốc và Azerbaijan đều có sự liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng các tuyến đường sắt để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt. Tóm lại, Azerbaijan đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, biết tận dụng vị trí địa chiến lược của mình để tăng vai trò kết nối khu vực và phát triển đất nước, trở thành đối tác tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
“Thổi lửa” cho ngành dầu khí Việt
Hình ảnh ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Azerbaijan bên những giàn khoan dầu khí ở Baku năm 1959 đã thể hiện tiềm năng hợp tác phát triển công nghiệp dầu khí của Azerbaijan và Việt Nam. Tại khu công nghiệp dầu khí Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan rằng: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Azerbaijan sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku” (23/7/1959).
Chưa đầy 2 năm sau, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam ra đời (ngày 27/11/1961). Những năm sau đó, Azerbaijan đã nhận sinh viên Việt Nam sang Baku học nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dầu khí. Được sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của nhân dân Azerbaijan, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tháng 4/1981, Việt Nam đã khai thác được những mét khối khí và những tấn dầu thô đầu tiên, được ghi tên vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.
Kinh tế thương mại giữa hai nước giai đoạn 2013-2014 đạt hơn 400 triệu USD nhưng năm 2017 con số này chỉ còn hơn 200 triệu USD. Rõ ràng, cho thấy quan hệ kinh tế song phương tương đối không ổn định, phụ thuộc vào việc Việt Nam có mua nhiều dầu của Azerbaijan hay không. Thời gian tới, hai nước vẫn nên chú trọng tới hợp tác dầu khí, hướng tới Việt Nam không chỉ mua dầu thô của Azerbaijan mà hai nước có thể phối hợp khai thác dầu khí tại Biển Đông Việt Nam.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, hai nước cần phải quan tâm tới việc cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu từ phía hai nước. Bên cạnh đó, chính phủ hai nước cần phải tạo ra những ưu tiên, cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường của nhau, tìm ra điểm chung mà các doanh nghiệp cùng quan tâm. Đặc biệt, hai phía nên chú ý tới việc cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến với Azerbaijan thông qua đường bộ và đường biển.
Một điểm quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới là việc Azerbaijan đã có những ưu tiên chính sách hướng tới Việt Nam. Với vị thế và vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, đối với Azerbaijan, phát triển quan hệ song phương và đa phương với các nước lớn, nhỏ trên thế giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Azerbaijan coi trọng mối quan hệ với các nước ở Đông Nam, cho rằng, khu vực này đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đối với các trung tâm hội nhập khác trên thế giới. Tổng thống Azerbaijan từng nhận định: “Khu vực này là một trong những khu vực phát triển năng động và nhanh chóng trên thế giới, và Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao” . Việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước Đông Nam Á là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Azerbaijan, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác chính của Azerbaijan tại khu vực này.
Hà Phương