Vĩnh Long đã rộng mở cánh cửa hội nhập?

0
144
Năm 2015 khép lại với việc mở cửa Cộng đồng ASEAN, mà 1 trong 3 trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Trong năm qua, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được đàm phán thành công, dự kiến từ tháng 1- 6/2018, TPP sẽ chính thức có hiệu lực. Cánh cửa hội nhập đã thật sự rộng mở và đi vào chiều sâu.
Từ WTO đến AEC và TPP
Cách đây 9 năm, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Báo cáo kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO cho thấy Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, mở rộng từ ASEAN sang các nước khác ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và bước đầu phát triển sang thị trường Châu Phi.
Một số nước, vùng lãnh thổ là thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam, gồm ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu. Đây cũng là những thị trường mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết các FTA.
Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động, quy trình công nghệ… của các đối tác.
Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức vì đa số DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, vốn, kinh nghiệm, quản trị và quy trình sản xuất chưa hiện đại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Việt Nam là thành viên WTO có tác dụng tích cực trong việc đàm phán ký kết các FTA khu vực và song phương, tham gia vào các khu vực thương mại tự do khu vực và thế giới tăng lên rõ rệt cả về số lượng và chiều sâu. Việt Nam có một thế chủ động hơn, đã có những điều chỉnh phù hợp trong đàm phán thương mại sau này.
Cộng đồng ASEAN được hình thành có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình hội nhập của ASEAN và khu vực nói chung, thúc đẩy ASEAN hướng tới một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
TPP cũng được đàm phán thành công, sau quá trình phê duyệt kéo dài 18- 24 tháng, dự kiến trong khoảng thời gian từ tháng 1- 6/2018, TPP sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương- Trần Quốc Khánh, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Chung tay… mở cửa
Không ảo tưởng hội nhập chỉ có mang lại lợi ích, chia sẻ với cộng đồng DN Vĩnh Long, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cảnh báo: Hiện nhiều DN vẫn thờ ơ với các vấn đề hội nhập quốc tế.
Nếu tình hình trên không thay đổi thì khó có thể vượt qua sức ép cạnh tranh từ các nước. Bởi khi tham gia vào bất cứ hiệp định thương mại nào cũng sẽ có những cơ hội và thách thức nhất định. Do đó, chúng ta không nên quá tô hồng mà quên đi những thách thức cần phải giải quyết.
Đánh giá khả năng DN trẻ Vĩnh Long tạo đột phá để hội nhập, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, trong điều kiện hiện nay, DN rất khó để tạo ra sức bật riêng lẻ mà cách tốt nhất là chung tay để cùng nhau phát triển.
Trước sức ép hội nhập, con đường duy nhất là liên kết và đoàn kết thật sự để tạo sức mạnh, khai thác tối đa những phân khúc thị trường tiềm năng mà DN tỉnh nhà có thế mạnh để phát triển chứ không thể đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh một cách dàn trải, đơn lẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV chia sẻ, là một DN chế biến gạo, khó khăn của DN lâu nay vẫn là xuất khẩu.
Để trụ vững, DN quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo trên cơ sở thay đổi công nghệ chế biến hiện đại. Nhờ đó, chất lượng hạt gạo được nâng cao rõ rệt, góp phần khẳng định vị thế thương hiệu gạo của DN trên thị trường.
Để đồng hành hội nhập, bên cạnh vấn đề thương hiệu, DN cũng đã xây dựng kế hoạch tìm hiểu thị trường bột mì, bột gạo, bột khoai lang ở một số nước, tiến tới thành lập nhà máy chuyên sản xuất bột gạo, bột khoai lang xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương, nâng cao lợi thế cạnh tranh khi hội nhập.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang mong muốn các DN, doanh nhân đóng vai trò chủ lực trong mặt trận kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các DN phải thường xuyên nâng cao trình độ quản lý và cạnh tranh, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, xây dựng củng cố và không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu, tăng cường hợp tác phát triển.
Bên cạnh đó, mỗi DN cần tìm hiểu sâu, nắm vững các vấn đề hội nhập, luật pháp và công nghệ quốc tế, phát huy mặt mạnh, nêu cao tinh thần vượt khó.
Cần phải làm gì để có thể tận dụng được tốt hơn những cơ hội từ hội nhập? Bà Phạm Chi Lan cho rằng trước hết là bài toán cải tiến công nghệ- yếu tố vô cùng quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề thuộc về tầm quốc gia và phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm chứ không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của DN.
Vấn đề cấp thiết thứ hai là phải cải cách thể chế thật quyết liệt, vì đây đang là lực cản với sự phát triển của DN. Việc cải cách thể chế này phải được triển khai ở từng vị trí trong bộ máy Nhà nước và cần phải đặt ra yêu cầu huấn luyện lại cán bộ. Nếu không mọi thứ sẽ giậm chân tại chỗ vì người này chờ người kia và không ai chịu trách nhiệm.
(Nguồn: PNV Vĩnh Long)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here