Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt từ xuất khẩu trực tuyến

0
122

Tập đoàn Thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Gold Supplier – Giải pháp xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam”. Chương trình đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích về việc khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh cho hơn 120 doanh nghiệp tại Hà Nội và khu vực lân cận.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2016 là thời điểm xuất khẩu Việt Nam được đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh sau khi một số hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực và nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức được ký kết ngay những ngày đầu tháng 2. Tuy vậy, những dấu hiệu về một năm 2016 khó khăn đã xuất hiện, xuất khẩu Việt Nam giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước trong một tháng rưỡi đầu năm.

Sự giảm sút này là do ảnh hưởng của nền kinh tế và tài chính thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ. Đây cũng là lý do khiến các nhà nhập khẩu quốc tế đang có xu hướng dần dịch chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động. Việc tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), sự phát triển mạnh mẽ của Internet và thương mại điện tử toàn cầu đã kích thích sự phát triển của xuất nhập khẩu trực tuyến, đem nhà cung cấp và nhà nhập khẩu xích lại gần nhau hơn. Việc sử dụng xuất khẩu trực tuyến đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Khảo sát của Cục này trên 4.000 doanh nghiệp cho thấy, có đến 99% doanh nghiệp kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có tỷ lệ sử dụng internet rất cao.

Kết quả khảo sát trên 800 doanh nghiệp xuất khẩu của Cục Thương mại điện tử cũng cho thấy có đến 70% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, 30% là doanh nghiệp lớn; số doanh nghiệp lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52%, trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 36%. Tuy nhiên, chỉ có 11% doanh nghiệp tham gia và 9% doanh nghiệp cho biết sẽ tham gia sàn thương mại điện tử nước ngoài. Tỷ lệ tham gia sàn thương mại điện tử trong nước có lớn hơn đôi chút khi có 20% doanh nghiệp  đã tham gia và 10% doanh nghiệp cho biết sẽ tham gia.

Tuy tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả các doanh nghiệp thu được không hề nhỏ khi có đến 42% doanh nghiệp cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%, 21% doanh nghiệp tỷ lệ này từ 21- 50%.

“Đây là thuận lợi rất lớn nhưng vấn đề là doanh nghiệp khai thác như thế nào?”- bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT đặt vấn đề.

Bà Lại Việt Anh cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 có chậm lại song năm 2015 là năm mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khi rất nhiều FTA được ký kết. Đặc biệt, so với các hiệp định được ký trước đó, tất cả các FTA được ký trong năm 2015 đều có một chương về thương mại điện tử, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp giao thương với các đối tác nước ngoài, gia nhập thị trường thế giới…

Chia sẻ về bí quyết hoạt động thành công trên Alibaba, bà Phạm Hoài Thư – Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng, Công ty OSB cho rằng doanh nghiệp cần hoạt động chăm chỉ hơn trên môi trường trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với kinh nghiệm hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến từ năm 2009, bà Thư nhấn mạnh kinh doanh trực tuyến cần được đầu tư thời gian và nhân sự xứng đáng sẽ có hiệu quả tốt.

Thanh Huyền

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here