Kinh tế Nga đang kiệt sức?

0
104
Người dân không nổi giận, nhưng mất lòng tin và nếu kéo dài họ hẳn sẽ lâm vào tình cảnh kiệt sức như những năm 1980. (Nguồn: Reuters)

Chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Tổng thống Putin đã không thể thực hiện lời hứa tạo dựng một nền kinh tế hiện đại. Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (RPORS), chỉ có 33% người Nga cho biết họ tin tưởng vào Tổng thống.

Các cuộc thăm dò có thể không đáng tin, còn công chúng thay đổi quan điểm liên tục, nhưng cuộc khảo sát như vậy ở một đất nước như Nga có thể sẽ là một chỉ dấu cho thấy mức độ giảm lòng tin đối với Chính phủ, nảy sinh từ những vấn đề kinh tế, xã hội.

Khi hy vọng nhạt phai

Gần 30 năm trước đây, Liên Xô sụp đổ bởi lẽ mọi thứ ngừng vận hành. Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong xã hội và quản lý nền kinh tế. Sau khi Josef Stalin qua đời, xuất hiện niềm hy vọng trong xã hội Nga về nền kinh tế và niềm tin đó giúp chính quyền trụ vững dù rằng, nó có thể không đáp ứng được mong đợi của người dân.

Nhưng đến những năm 1980, niềm tin từng phổ biến ở người Nga rằng, họ có thể chu cấp cho gia đình và sẽ không có hố sâu ngăn cách giữa dân thường với giới tinh hoa cầm quyền đã nhạt phai. Điều khiến họ thay đổi quan điểm không phải là sự tức giận hay ghen tị mà là sự thiếu hy vọng. Họ không có kỳ vọng và không nỗ lực để đạt được nhiều hơn. Tệ hơn, họ thiếu cả hy vọng về tương lai.

Tình cảnh này là hệ quả của bốn yếu tố. Một là, tính chất kém hiệu quả của thể chế khiến một chính quyền không có khả năng xây dựng một nền kinh tế hiện đại. Hai là sự phân phối hàng hóa sẵn có, không chỉ đối với giới tinh hoa mà cả thị trường chợ đen, đang bùng nổ và chủ yếu dựa trên ngoại tệ – thứ mà đa phần người Nga đều thiếu. Ba là, đà suy giảm của giá dầu khiến ngân sách nhà nước kiệt quệ. Cuối cùng là, việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm chứng minh rằng Nga có thể sánh ngang với Mỹ về mức độ chi tiêu và thuyết phục người dân rằng dù nghèo, họ vẫn đang sống ở một quốc gia hùng cường và một nước từng đánh bại cuộc xâm lược của Đức không thể ở dạng tầm thường.
Đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, không có bất kỳ một cuộc cách mạng nào nữa. Đơn giản là chỉ còn lại sự kiệt quệ. Giới tinh hoa kiệt sức, không thể thúc đẩy nền tảng kinh tế và xã hội lên ngưỡng mới. Người dân không còn đủ sức xếp hàng dài, chờ đợi hàng giờ chỉ để mua được những hàng hóa thiết yếu. Tâm lý thất bại phổ biến là điều có thể cảm nhận được không chỉ ở những thủ đô xa xôi, mà hiện diện trong chính cuộc sống của người Nga.

“Mở cửa” và “tái cấu trúc” là hai từ đã được nhắc đến nhiều trong suốt một giai đoạn sau đó. Tuy nhiên, không mang lại hiệu quả, nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục mò mẫm trong tình trạng trì trệ. người Nga khao khát một lãnh đạo mạnh mẽ hơn và họ hài lòng khi thấy Vladimir Putin trở thành Tổng thống của nước Nga mới sau Yeltsin. Họ chấp nhận những liên hệ của ông với giới tài phiệt Nga lúc đó vì xem đó là phần đơn giản trong một thế giới đang vận hành.

Lời hứa chưa thành của Tổng thống
Putin hứa hẹn sẽ biến Nga thành một nước thịnh vượng và được tôn trọng trên thế giới. Để làm được điều đó, Tổng thống Putin phải xây dựng được một nền kinh tế hiện đại.

Tuy nhiên, Nga đã lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Putin không thể kiểm soát giá của những mặt hàng này, vì thế Nga luôn ở thế dễ bị tổn thương trước những biến động lên xuống thất thường trong cung-cầu toàn cầu. Putin có một lựa chọn: để nền kinh tế suy thoái và đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn, hoặc một lần nữa quay lại chế độ trung ương tập quyền. Ông chọn cách tái trung ương hóa quyền lực, tập trung quyền lực ở Moscow và phân bổ chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước cho các khu vực.

Khi giá dầu vọt lên ngưỡng hơn 100 USD/thùng, Tổng thống có cơ hội bung ra các khoản đầu tư quy mô ở nhiều ngành công nghiệp mới. Nhưng ông vẫn là người chịu ơn giới tài phiệt và ngược lại, giới tài phiệt cũng biết ơn Putin. Bất kỳ cải cách kinh tế nào cũng có thể hủy hoại mối liên hệ này. Không phải Putin bỏ lỡ cơ hội hiện đại hóa nền kinh tế, mà chính con đường lên nắm quyền của Putin đã ngăn cản ông thực hiện điều đó.

Đến năm 2014, giá dầu lao dốc. Và dù đã phục hồi được một chút từ ngưỡng thấp nhất, dầu mỏ hiện vẫn ở mức giá thấp. Cấm vận của phương Tây cũng có tác động. Từ năm 2018 trở về trước, Nga luôn duy trì hai nguồn quỹ dự trữ, được làm đầy bằng lợi nhuận từ bùng nổ giá dầu. Nhưng sau khi giá nhiên liệu sụp đổ, một quỹ đã bị xóa sổ và kể từ tháng 1/2018, Nga chỉ còn duy nhất Quỹ tài sản quốc gia (NWF). Để bù đắp cho ngân sách nhà nước, Tổng thống quyết định cải cách hệ thống lương hưu gây bất ngờ. Tháng 10/2018, tức 7 tháng sau khi tái đắc cử tổng thống, Putin ký ban hành một dự luật rất hiếm gặp, tăng độ tuổi về hưu từ 55 lên 60 đối với nữ và từ 60 lên 65 đối với nam.

Và đó là lý do dẫn đến tỉ lệ tín nhiệm 33%. Mức tín nhiệm này phản ánh tâm lý xã hội tại Nga rõ ràng hơn bất kỳ một quốc gia nào. Putin từng hứa hẹn biến Nga thành một nước hiện đại và hùng mạnh. Ông đã không thể thực hiện được cam kết ngay ở điểm đầu tiên, còn sự can dự của Putin vào Syria và một số nước khác không thể bù đắp cho tình cảnh kinh tế èo uột. Với những người Nga lớn tuổi, nó nhắc nhở họ về những gì đã qua và những gì đã mất; còn những người trẻ tuổi thì đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự như những gì ông bà họ hay kể.

Nếu giá dầu tiếp tục đứng ở mức thấp, các lệnh cấm vận đối với Nga không được dỡ bỏ, nguồn dự trữ tiếp tục cạn kiệt và FSB mải mê kinh doanh thay vì phấn đấu hy sinh cho nhà nước Nga, thì sẽ rất khó tìm ra một kịch bản thay thế.

Không một thế lực bên ngoài nào có thể dang tay trợ giúp Nga. Mỗi thế lực đều đòi hỏi quá nhiều, nhưng chìa cho Nga chẳng được bao nhiêu. Có một ảo mộng tại Nga về liên minh với Trung Quốc, nhưng Moscow ở quá xa Bắc Kinh trong khi Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với nhiều thách thức căng thẳng. Điện Kremlin có thể tìm cách can dự chiến tranh để thúc đẩy nhuệ khí, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ Nga gặp thất bại, hoặc là xung đột kéo dài hơn so với dự tính của giới lãnh đạo.
Nga đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự như những gì gặp phải trong những năm 1980: Giá dầu thấp, chi phí quốc phòng cao. Người dân không nổi giận, nhưng mất lòng tin và nếu kéo dài họ hẳn sẽ lâm vào tình cảnh kiệt sức như những năm 1980.

Tấn Kiệt (theo Geopolitical Futures)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here