Kinh tế Việt Nam đang ngày càng cải thiện

0
98

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong những năm gần đây và hiện đã có khả năng ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu, khu vực ASEAN và các biến động chính trị trong khu vực. Việt Nam đang ngày càng quan trọng và chúng ta cần đánh giá cao hơn con đường mà Việt Nam sẽ đi trong những năm tới. Triển vọng của Việt Nam hết sức khả quan nhờ yếu tố thuận lợi từ xu hướng mang tính chu kỳ và cấu trúc. Với những cải cách chính trị đầy đủ để giải quyết nạn tham nhũng và giải phóng lực lượng doanh nghiệp, Việt Nam có thể trở thành một động lực kinh tế với sức mạnh chính trị tương ứng và có thể sẽ tạo ra xu hướng toàn cầu trong thời gian tới.

Có nhiều điềm báo tốt cho Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện qua:

Thứ nhất, sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện nhờ gia tăng nhu cầu nội địa cũng như cải thiện về phía nguồn cung. Bất chấp tình trạng giảm tốc của kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2018, các chỉ số nhà quản trị mua sắm (PMI) cho thấy tình hình sản xuất và số đơn đặt hàng ở Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt hơn nhiều so với các đối tác trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Có nhiều nguyên nhân như sau:

– Nhu cầu trong nước đang được thúc đẩy bởi thu nhập tăng cùng với cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ dân thành thị cao, dần trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng.

– Việt Nam thu được nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa. Việt Nam đã đàm phán 17 FTA, hội nhập sâu hơn với các đối tác thương mại quan trọng trên toàn thế giới, mang lại nhiều lợi ích, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cũng như góp phần thúc đẩy cải cách trong nước, từ đó tăng sức cạnh tranh.

– Môi trường kinh doanh được cải thiện, giúp nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư chất lượng cao. Cụ thể, các rào cản thuế quan dần được cắt giảm, đồng thời Việt Nam cũng đã làm rõ các quy tắc về đầu tư nước ngoài cũng như rút ngắn quy trình đăng ký đầu tư…

– Việt Nam hưởng lợi từ việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chi phí sản xuất ở Trung Quốc gia tăng đặt ra yêu cầu các nhà sản xuất phải cấu hình lại chuỗi cung ứng cũng như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung giúp Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng nhờ hội tụ các lợi thế gần như không thể đánh bại về lực lượng lao động cũng như vị trí chiến lược.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng chú trọng đến các khiếm khuyết của nền kinh tế cũng như cải thiện tính bền vững của các hoạt động kinh tế. Sự cải thiện được thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Lạm phát giảm mạnh: dù tăng trưởng cao, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính được cải thiện. Chính phủ hiện đang tập trung vào củng cố tài khóa – thâm hụt ngân sách đã giảm xuống 4,5% GDP trong năm 2017 và tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm, lần đầu tiên sau 5 năm, từ 63,6% năm 2016 xuống còn 61,4% trong năm 2017.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn duy trì mức tăng trưởng cao. Nhiều yếu kém về cấu trúc tiếp tục hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, cụ thể:

– Củng cố hệ thống tài chính vẫn còn chưa đủ: Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vẫn đối mặt với gánh nặng nợ xấu, cản trở cung cấp nguồn vốn phục vụ nhu cầu của nền kinh tế. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,4% năm 2016 xuống còn 1,89% năm 2018. Tuy nhiên, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ của toàn bộ các khoản nợ xấu trên tổng số nợ tồn đọng đạt xấp xỉ 7% năm 2017, đã thấp hơn rất nhiều so với mức 12% năm 2015. Nói cách khác, việc đưa hệ thống ngân hàng phát triển tốt hơn đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn.

– Tương tự, tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm: Quốc hội đã thông qua 3 mục tiêu cải cách chính trong giai đoạn 2016-2020, tập trung vào cải cách đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các thể chế tài chính. Ban đầu, tiến độ rất đáng khích lệ nhưng tốc độ tư nhân hóa đã chậm lại vào năm 2018. Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước từ 583 trong năm tài khóa 2016 xuống còn 103 vào năm 2020, nhưng đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp nhà nước vẫn trên 500. Cải cách nửa vời kìm hãm khu vực tư nhân phát huy khả năng của mình.

– Liên kết giữa khu vực trong nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn kém: Năng lực sản xuất của Việt Nam chủ yếu được duy trì bởi các công ty nước ngoài, chiếm tới 90% lượng hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như điện thoại di động, điện tử và xe cộ. Điều này cho thấy vẫn chưa có sự lan tỏa đến khu vực trong nước dưới dạng chuyển giao công nghệ và sự phát triển của ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ.

Tóm lại, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần khá lạc quan. Tăng trưởng kinh tế có thể bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới chững lại nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh về nhu cầu nội địa và đầu tư. Tỷ giá hối đoái cũng có thể duy trì ổn định với lạm phát ở trong tầm kiểm soát. Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ các xu hướng cấu trúc như nhân khẩu học, đô thị hóa và di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực để chống tham nhũng, cải thiện lĩnh vực tài chính và mở rộng không gian phát triển cho lực lượng doanh nhân tư nhân trong nền kinh tế hoạt động tốt hơn.

Khánh Linh (Theo The Edge Malaysia Weekly, 11-17 tháng 2 năm 2019)

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here