FTA EU – Nhật Bản: Thông điệp về thương mại mở và công bằng

0
123
JEFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là FTA bao gồm 635 triệu dân, chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 16% thương mại và 1/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của toàn cầu.
JEFTA chính thức có hiệu lực. Đây là FTA bao gồm 635 triệu dân, chiếm 1/3 GDP, 16% thương mại và 1/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của toàn cầu.

Ngày 1/2/2019, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Nhật Bản (JEFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là FTA bao gồm 635 triệu dân, chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 16% thương mại và 1/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của toàn cầu.

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã kết thúc các cuộc đàm phán về JEFTA vào tháng 12/2017 chỉ sau 4 năm đàm phán. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 6 của EU trên thế giới. Đối với Nhật Bản, EU chiếm vị trí thứ ba. Kim ngạch thương mại giữa hai bên lên tới khoảng 130 tỷ euro vào năm 2017.

Với JEFTA, hai bên sẽ giảm thuế và hàng rào phi thuế quan để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư. Hơn nữa, đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng hợp tác và hội nhập kinh tế vẫn có thể diễn ra trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump và Brexit (Anh rời khỏi EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đã đánh giá Hiệp định này mất nhiều năm để đạt thỏa thuận và chứa đựng đầy đủ các giá trị và nguyên tắc. Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo rằng Anh có thể mất lợi ích nếu rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit.

Nhà vô địch về thương mại tự do

Sữa và các sản phẩm thực phẩm khác là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của EU sang Nhật Bản và tiến tới giảm gần 1 tỷ euro thuế quan – gần 40% đối với thịt bò, 30% đối với sô-cô-la, 15% đối với rượu vang và đến 40% đối với pho mát – dẫn tới có thể thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm. Ở chiều ngược lại, EU sẽ giảm thuế 10% đối với xe nhập khẩu xuống mức 0% vào năm 2027. Chính phủ Nhật Bản ước tính điều này có thể giúp tăng GDP thêm 1%.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng mang lại quyền truy cập tốt hơn cho các công ty dịch vụ, cho phép họ đấu thầu các hợp đồng công khai hơn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ châu Âu sang Nhật Bản hiện có trị giá khoảng 28 tỷ euro mỗi năm. EU cho biết các công ty bán dịch vụ kinh doanh, tài chính, viễn thông, vận tải và phân phối sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong lịch sử, Nhật Bản không tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại tự do quốc tế, song điều này giờ đã thay đổi. Nó dẫn đến các cuộc đàm phán để cứu vãn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và sau đó được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

CPTTP có hiệu lực vào đầu năm 2019 và cắt giảm thuế giữa 11 nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam, với 500 triệu dân. Kết hợp 2 thỏa thuận, năm 2019 chứng kiến Nhật Bản bước vào lĩnh vực thương mại tự do của 1 tỷ người. Đại sứ Nhật Bản tại Singapore đã nhận xét: “Đất nước chúng tôi không sản xuất tài nguyên thiên nhiên. Sức mạnh của Nhật Bản là có người dân – một dân số được giáo dục khá tốt, và khá siêng năng trong lao động. Và để sử dụng tài sản đó, chúng tôi phải có sự tương tác với thế giới bên ngoài, điều đó chắc chắn có nghĩa là thương mại tự do và một môi trường đầu tư tự do hơn”.

Triển vọng cho các nhà xuất khẩu Anh là bấp bênh hơn nhiều. Nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng Ba tới, nước này sẽ không còn trong khu vực thương mại tự do mới. Nếu EU và Anh đạt được thỏa thuận, nước này sẽ được duy trì quyền lợi trong JEFTA ở thời kỳ chuyển tiếp Brexit. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ đàm phán một FTA mới đầy tham vọng với London – nhưng chỉ khi nào mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU được khẳng định.

Bộ Thương mại Quốc tế của Anh cho biết JEFTA sẽ làm tăng GDP của Anh lên tới 3,98 tỷ USD trong dài hạn. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết ông muốn sử dụng JEFTA làm cơ sở cho một “quan hệ đối tác mới, thậm chí mạnh mẽ hơn sau khi rời khỏi EU”.

Tín hiệu thương mại tự do và công bằng

Trong khi Nhật Bản, châu Âu và các quốc gia Thái Bình Dương dỡ bỏ thuế quan, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang tích cực gia tăng áp thuế lẫn nhau.

Mỹ đã áp thêm thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tăng phần lớn trong số đó từ 10% lên 25%, trong khi Trung Quốc đã áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng các công ty từ hai nước này cũng có thể bị mất các thị trường khác. Thịt bò Mỹ có thể kém hấp dẫn hơn ở Nhật Bản vì thịt bò châu Âu rẻ hơn, trong khi ô tô Mỹ có thể trở nên kém cạnh tranh hơn ở các nước CPTPP do ô tô Nhật Bản trở nên rẻ hơn. Trong khi đó, Trung Quốc có thể nhận thấy sản xuất ở một số khu vực như may mặc sẽ chuyển sang các nước CPTPP để hưởng lợi từ thuế suất thấp hơn.

Nhật Bản sắp bắt đầu đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại song phương. Các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ đã bị đình trệ trong khi các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc về một thỏa thuận thương mại vẫn chưa đi đến kết quả.

Đức đánh giá, EU và Nhật Bản gửi tín hiệu mạnh mẽ cho thương mại tự do và công bằng. Thỏa thuận với đối tác Nhật Bản cho thấy việc loại bỏ các rào cản thương mại với các tiêu chuẩn bền vững cao có thể song hành với nhau. Nhật Bản và EU cùng đảm bảo các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế về an toàn và sức khỏe lao động. Bảo đảm mạnh mẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền dữ liệu, thương mại kỹ thuật số và trao đổi dịch vụ. Ngoài những cải tiến sâu rộng cho nền kinh tế và người tiêu dùng, thỏa thuận này tăng cường thương mại dựa trên quy tắc, công bằng và tự do nói chung. Ngoài ra, thỏa thuận không chỉ tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa Nhật Bản và EU. Nó cũng đặt ra các quy tắc để cạnh tranh công bằng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.

Trong bản tin của Truyền hình Tagesshau.de ngày 1/2, Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) ca ngợi thỏa thuận này là cột mốc quan trọng. Nhật Bản và châu Âu đang chống lại viễn cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn với sự mở cửa thị trường mẫu mực, tiêu chuẩn cao và các quy tắc giao dịch đáng tin cậy. Tiếp theo, các thỏa thuận với Singapore và Việt Nam phải được quyết định.

Ngoài ra, Brussels cũng đề cập JEFTA như một tín hiệu chính trị. Một lý do cho việc ký kết nhanh chóng thỏa thuận này là chính sách bảo hộ kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn chống lại việc thành lập một khu vực thương mại tự do khổng lồ. Chủ tịch EC – Juncker bình luận: “Châu Âu và Nhật Bản gửi một thông điệp tới thế giới về tương lai của thương mại mở và công bằng”.

Không phải ai cũng nhiệt tình với FTA

Nhưng không phải ai cũng nhiệt tình với FTA mới. Ví dụ, tờ Zeit-Online mới đây chỉ ra rằng Tổ chức Môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) chỉ trích thực tế rằng thỏa thuận này chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty có tiêu chuẩn sản xuất thấp vì có rất nhiều tiêu chuẩn giảm đi sự bảo vệ đối với người tiêu dùng và môi trường. Một báo cáo của Mạng lưới thương mại công bằng (thuộc Greenpeace) cũng nghi ngờ về cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cam kết bổ sung với môi trường đáng hoan nghênh nhưng hoàn toàn mang tính biểu tượng: JEFTA không có cơ chế thực thi – không chỉ rõ những hậu quả với những vi phạm đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các nhà phê bình cũng lo ngại ngành công nghiệp nước ở các quốc gia có thể được tư nhân hóa. Tuy nhiên, ngay trước khi ký vào tháng Bảy, Ủy ban châu Âu đã nói rằng JEFTA sẽ không dẫn đến tư nhân hóa quản lý nước.

Ngoài ra, Tagesshau.de thông tin, các nhà bảo vệ môi trường và người ủng hộ người tiêu dùng tin rằng các thỏa thuận chủ yếu hướng đến lợi ích của các tập đoàn lớn và khiến việc đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, Ủy ban chịu trách nhiệm về chính sách thương mại của EU bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định, thỏa thuận với Nhật Bản là một cam kết đối với các giá trị được chia sẻ và các tiêu chuẩn cao nhất về công việc, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

Thanh Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here