Mạng lưới chợ vọng ở vùng biên giới Việt – Trung (phần 1)

0
132
“Ảnh minh họa”

Tóm tắt: Ở vùng biên giới Việt – Trung, chợ là địa điểm diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán của các cư dân trong vùng và giữa cư dân trong vùng, liên vùng với cư dân bên kia biên giới. Sự hoạt động của hệ thống chợ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã góp phần mở rộng giao lưu hàng hoá, phát triển thị trường, phục vụ tốt  cho nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận,… Đồng thời, thông qua chợ, các mối quan hệ về văn hoá, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người ở từng tộc người được gìn giữ. Chợ là yếu tố kinh tế, văn hoá không thể thiếu trong đời sống của cư dân vùng biên. 

Vùng biên giới Việt – Trung có mạng lưới chợ biên giới dày đặc. Hệ thống chợ biên giới này họp theo phiên, đảm bảo cho sự vận hành và lưu thông hàng hoá giữa các địa phương trong vùng với các vùng lân cận và với cả các địa phương bên kia biên giới. Đây không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá thuần tuý mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hoá của các tộc người ở vùng biên giới Việt – Trung.

Các sản phẩm trao đổi ở chợ do chính các tộc người tại địa phương sản xuất (gọi là hàng tự sản tự tiêu) như gà, vịt, lợn, chó, trâu, ngựa, các loại rau củ, măng, ớt đến váy áo, nông cụ sản xuất… Hiện nay hàng hoá đa dạng và phong phú hơn với sự tham gia của các nguồn hàng từ khắp mọi miền trong nước và hàng hoá Trung Quốc. Chợ vùng biên trở thành thị trường rất sôi động dưới góc nhìn kinh tế và đa màu sắc dưới góc nhìn văn hoá.

Từ năm 1991 đến nay, hoạt động buôn bán trao đổi ở chợ vùng biên giới Việt – Trung trở nên sôi động hơn và ngày càng được tăng cường. Bài viết này sẽ phác hoạ bước đầu về hệ thống chợ ở vùng biên giới Việt – Trung với sự luân chuyển của dòng hàng hoá, qua trao đổi của cư dân trong vùng và bên kia biên giới.

1. Đặc điểm kỉnh tế – xã hội.

Vùng biên giói Việt – Trung bao gồm 7 tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) vói 31 huyện, 2 thành phố, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Ở vùng thấp các tỉnh trên, cư dân chủ yếu sinh sống bằng canh tác ruộng nước.

Ở rẻo giữa và rẻo cao, cư dân sinh sống bằng canh tác nương rẫy. Do năng suất nương rẫy thấp, các tộc người đã giảm diện tích nương rẫy, khai khẩn ruộng nước, chuyển hướng vào nghề trồng rừng, chăn nuôi và trồng cây công nghiệp. Ở các tỉnh vùng biên giới Việt – Trung, nghề chăn nuôi chưa phát triển. Các tộc người chủ yếu nuôi gia súc để lấy sức kéo, thồ hàng, làm phương tiện chuyên chở và lấy thịt, số gia súc, gia cầm được mang trao đổi ở chợ, chỉ mang tính nhỏ lẻ, ở phạm vi địa phương. Rừng không chỉ là kho cung cấp nguyên liệu xây dựng nhà cửa, chế tạo dụng cụ lao động mà còn là nguồn thức ăn của cư dân ở đây. Nhiều sản vật từ rừng được cư dân khai thác để phục vụ cuộc sống và trao đổi ở chợ. Cư dân ở đây có một số nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm mật, làm đường, dệt chiếu,… Ngoài phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, các sản phẩm trên còn được mang ra trao đổi ở chợ trong vùng và chợ ở bên kia biên giới. Cư dân ở vùng biên này đang hướng sản phẩm theo hướng hàng hoá và đa dạng về chủng loại.

Ở vùng biên giới Việt – Trung có 20 tộc người sinh sống (người Việt và 19 tộc người thiểu số: Tày, Nùng, Hmông, Dao, Thái, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Giáy, Hà Nhì, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn, Ngái, Lô Lô, Pu Péo, Cơ Lao, Bố Y, Lào). Địa bàn cư trú của các tộc người thường ở các thung lũng, cạnh các sông suối hẹp, hoặc chênh vênh trên các sườn núi. Đơn vị cư trú của các tộc người là thôn, bản. Mỗi bản làng là một đơn vị quần cư mang tính cộng đồng, tính tự quản cao kết hợp với quan hệ láng giềng và quan hệ huyết thống. Sự tiếp xúc giữa các làng bản tuy có diễn ra song không thường xuyên, chỉ có chợ là môi trường mở, môi trường giao tiếp thuận lợi nhất. Chợ là nơi tập trung đông người ở các thôn bản, dòng họ trong vùng. Mỗi phiên chợ, gia đình nào, dòng họ nào, thôn bản bản nào cũng có người đi chợ. Chợ trở thành trung tâm trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá của cả cộng đồng.

2. Số lượng và phân bố mạng lưới chợ ở vùng biên giới Việt – Trung.

Ở vùng biên giới Việt – Trung có khoảng 200 chợ lớn nhỏ. Hệ thống chợ này nằm ở các đầu mối giao thông, trung tâm huyện, cụm xã và xã, giáp các cột mốc hoặc mốc giới hoặc đối diện với các cửa khẩu ở bên kia Trung Quốc. Do đặc thù ở vùng biên giới, các chợ phân bố ở ven trục quốc lộ hoặc trung tâm của khu vực cư trú. Vị trí này rất thuận tiện cho việc trao đổi hàng hoá, tiếp thu và tiếp nhận các yếu tố mới.

Căn cứ vào Điều 3, chương I, Nghị định của Chính phủ số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2003 về phát triển và quản lý chợ, hệ thống chợ ở vùng biên giới Việt – Trung gồm có 2 chợ: Loại I là chợ Cốc Lêu (thành phố Lào Cai), chợ Trung tâm thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Các chợ này nằm ngay trong khu kinh tế cửa khẩu và có truyền thống buôn bán từ lâu đời giữa cư dân ở hai bên đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Loại II là các chợ Đồng Đăng, chợ Tân Thanh, chợ Đình Lập, chợ Cao Lộc, chợ Na sầm, chợ Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn); chợ Đông Khê, chợ Phục Hoà, chợ Trùng Khánh, chợ Trà Lĩnh, Chợ Sóc Hà, chợ Bảo Lạc, chợ Pắc Mi Lầu (tỉnh Cao Bằng); chợ Đồng Văn, chợ Yên Minh, chợ Quản Bạ, chợ Hoàng Su Phì, chợ Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang); chợ Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Các chợ này là chợ ở trung tâm thị trấn, có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện. Các chợ như chợ Cán Cấu (huyện Simacai), chợ Đồng Văn, chợ Lục Hồn, chợ Vô Ngại, chợ Húc Động (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh),… là chợ loại III.

3. Địa điểm và thời gian họp chợ.

Hầu hết các chợ ở vùng biên giới Việt – Trung được tụ họp ở những nơi là trung tâm huyện, trung tâm của xã, gần đường giao thông, nơi tập trung dân cư đông đúc và nơi sát đường biên giới với Trung Quốc. Các chợ ở trung tâm huyện như chợ Lộc Bình (ở thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), chợ Hải Hà (thị trấn Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), chợ Trùng Khánh (thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), chợ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang),… Một số chợ ở trung tâm xã như chợ Cán Cấu, chợ Sín Chéng (huyện Simacai, tỉnh Lào Cao), chợ Cốc Pài (huyện Xin Mần, tỉnh Hà Giang), chợ Đồng Văn (thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh),… Ngoài ra, có một số chợ nằm ngay sát đường biên và trong khu kinh tế cửa khẩu như chợ Trung tâm và chợ I, chợ II, chợ III, chợ IV (thành phố Móng Cái), chợ Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), chợ Cốc Lếu (thành phố Lào Cai),… Một số chợ họp ở trung tâm xã như chợ Lục Hồn, Húc Động, Vô Ngại (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), chợ Bản Ngà (xã Bản Ngà, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), chợ Tà Lùng (xã Tà Lùng, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng),… Chính vì thế, chợ ở các xã thường gắn với tên xã, chợ ở thị trấn huyện gắn với tên thị trấn ví dụ như chợ ở thị trấn Lộc Bình, lấy tên chợ thị trấn, chợ ở thị trấn Bình Liêu,…

Về thời gian họp chợ, các chợ thường họp theo phiên. Một phiên 6 ngày. Các chợ trong vùng thường họp luân phiên, đảm bảo ngày nào trong vùng cũng có phiên chợ. Chợ thường họp theo lịch âm (phổ biến ở các địa phương), lịch con giáp (lịch của người Hmông), chợ lùi họp vào ngày Chủ Nhật. Ở vùng biên giới rất nhiều chợ họp vào ngày thứ 7 như chợ Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), chợ Sủng Trà (xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang)…. Có rất nhiều chợ họp vào chủ nhật như chợ Mèo Vạc (thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), chợ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang),….

(Theo Tạ Thị Tâm, tư liệu thực địa tháng 4/2018 tại tỉnh Lào Cai).

(Còn tiếp)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here