Tổ chức Thương mại Thế giới đang đối diện với 3 cuộc khủng hoảng

0
232
ảnh minh hoạ

Ngày 16/11, tại Paris đã diễn ra hội nghị thảo luận về tương lai của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chủ nghĩa thương mại đa phương, theo sáng kiến của Bộ Kinh tế – Tài chính và Bộ Ngoại giao Pháp. Hội thảo được tổ chức chưa đầy 1 tháng sau hội nghị ở Ottawa (Canada) về cùng các chủ đề. Hội nghị Paris quy tụ các nhà kinh tế, luật sư, giảng viên đại học và đại diện giới doanh nghiệp, nhưng không có sự tham dự của đại biểu Mỹ. Thương mại là một trong những nội dung ưu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 mà Pháp là nước chủ nhà vào năm 2019 tới.

Tổng thống Pháp E. Macron đã nhiều lần nhắc lại rằng chủ nghĩa đa phương là phương cách tốt nhất để giải quyết các căng thẳng thương mại hiện nay xuất phát từ chính sách mới của Mỹ. Bộ Kinh tế – Tài chính Pháp chỉ rõ : “Ngày nay WTO đang phải đối diện với 3 cuộc khủng hoảng”: (1) Khủng hoảng thứ nhất liên quan tới sự bất lực từ 30 năm nay của WTO trong việc xây dựng các quy định mới; (2) Khủng hoảng thứ hai liên quan đến sự vận hành của WTO: việc các thẩm phán của Cơ quan giải quyết tranh chấp (ORD) không được bổ nhiệm thay thế làm đình trệ việc xét xử tranh chấp thương mại giữa các nước. Thời điểm tồi tệ đã đến sát gần: đến cuối năm 2019, ORD sẽ chỉ còn duy nhất 1 thẩm phán; (3) Khủng hoảng thứ ba liên quan đến sự tồn tại của chính Tổ chức: WTO có thể làm được gì trước những quyết định đơn phương của Mỹ cũng như trước những hành xử đáng nghi ngờ của Trung Quốc ?

Những chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị lần này ở Paris, như: đem lại tính chính đáng cho WTO, cải tổ phương thức hoạt động của tổ chức này, đưa hay không đưa vấn đề phát triển bền vững và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào chính sách thương mại…. Các sáng kiến được đưa ra khá nhiều.

Giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra các đề nghị cải tổ làm cơ sở cho việc thảo luận lần này. Đầu tháng 11, EU, Mỹ, Nhật Bản, Argentina và Costa Rica đã đề nghị hiện đại hóa hệ thống thông tin liên quan tới các chính sách trợ cấp với việc đưa ra các hình phạt đối với các quốc gia không thông báo về những trợ cấp của họ. Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 30/11 và 1/12 tới, EU sẽ đưa ra một đề nghị về cải cách Cơ quan giải quyết tranh chấp. Tổng thống Pháp E. Macron đã đề nghị Hội nghị thượng đỉnh G20 tới thiết lập lộ trình về cải cách WTO. Nhưng điều này không dễ bởi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã từ chối ký văn kiện chung cuộc của Hội nghị Bộ trưởng OECD trong đó nói đến cải cách WTO, cũng như sự thay đổi thái độ vào phút chót của Tổng thống Mỹ D. Trump không chịu ký tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Charlevoix (Canada) tháng 6 vừa qua.

WTO như vậy sẽ chỉ còn cố gắng tồn tại, và ít ra là hỗ trợ việc ký kết các thỏa thuận thương mại đa phương giữa một vài nước. Đây là điều đã xảy ra đối với Thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại khi chỉ được 110 nước trong tổng số 164 thành viên của WTO chấp nhận. Đây cũng là những vấn đề đang nổi lên trong lĩnh vực thương mại điện tử và tự do hóa lĩnh vực dịch vụ.

Trả lời phỏng vấn Les Echos về khả năng Mỹ rút khỏi WTO, Giáo sư Jean-Marc Siroën thuộc Trường Đại học Paris-Dauphine cho rằng: “Mỹ chẳng được lợi gì khi rút khỏi WTO. Hơn nữa, quyết định rút hay không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội Mỹ không phải thẩm quyền Tổng thống. Mặt khác, nếu Mỹ không còn là thành viên WTO thì bất cứ nước nào cũng có thể áp đặt thuế hải quan lên hàng xuất khẩu của Mỹ nếu họ muốn. Mỹ chắc chắn muốn tránh mối nguy hiểm trả đũa thương mại. Chiến lược của ông Trump là ở lại WTO và tìm cách làm cho tổ chức này không hiệu quả”. Giáo sư Jean-Marc Siroën cũng nhận định : “Tương lai của thương mại thế giới không chỉ phụ thuộc duy nhất vào quan hệ Mỹ-Trung. Xung đột thương mại Mỹ – Trung mở rộng hơn sẽ ảnh hưởng tới thương mại thế giới nhưng tác động cũng chỉ hạn chế. Chỉ nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính với quy mô rộng lớn như năm 2008 thì mới có thể khiến thương mại thế giới rơi vào khủng hoảng thực sự”.

Tin từ ĐSQVN tại Pháp (Báo Lachos ngày 16/11/2018).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here