Tại Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang trong thời gian trình Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn. Từ ngày 2/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Chất lượng cao, toàn diện và mức độ cam kết sâu nhất
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP, cùng các văn kiện liên quan. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định.
Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây và sau này là CPTPP là một quá trình dài, với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và bám sát vào những định hướng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền. Kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi Hiệp định hiệu quả, có lợi cho đất nước.
Đánh giá tác động của CPTPP và các văn bản liên quan tới Việt Nam, về thuận lợi và cơ hội về kinh tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.
Băn khoăn về chênh lệch trình độ
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra Hiệp định CPTPP tại Quốc hội chỉ ra rằng, có ý kiến còn băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế Việt Nam với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng cuối bảng, thấp hơn nước đứng đầu danh sách tới 25 lần.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người năm 2017 của các nước thành viên CPTPP là: Australia 56.135 USD, Singapore 53.880 USD, Canada 44.773 USD, New Zealand 41.629 USD, Nhật Bản 38.550 USD, Brunei 27.893 USD, Chile 14.314 USD, Malaysia 9.659 USD, Mexico 9.249 USD, Peru 6.598 USD và Việt Nam 2.306 USD.
Theo đó, dù CPTPP mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Một số ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu dự họp cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, có một số nội dung chưa được quy định tại một số đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của Việt Nam. Theo báo cáo thuyết minh, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Cơ hội cho Việt Nam trong CPTPP
CPTPP với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được cho là đã “hồi sinh” một thỏa thuận thương mại từng được coi là tham vọng nhất thế giới sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017. CPTPP là một “điểm sáng” hiếm hoi của thương mại thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang gia tăng và được đánh giá là “câu trả lời” cho “bài toán” chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang trên thế giới.
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030; New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP.
Tính đến thời điểm này, đã có 6 nước tham gia phê chuẩn CPTPP, đủ để hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày theo quy định. Theo đó, các nước thành viên CPTPP sẽ tiến hành đợt cắt giảm thuế đầu tiên vào ngày 30/12/2018 và đợt thứ hai vào ngày 1/1/2019.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin BBC mới đây, Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam Matthew Lourey – doanh nhân có 14 năm kinh nghiệm về tư vấn đầu tư tại Việt Nam, nhận định rằng, Việt Nam đã và đang chuyển dịch dần từ sản xuất và chế tạo dựa vào lao động rẻ sang các ngành tập trung vào công nghệ nhiều hơn. Do Việt Nam đang có những thay đổi về chuỗi giá trị cung ứng nên các công ty có thể bổ sung giá trị vào dây chuyền sản xuất có thể coi Việt Nam là điểm đến. Việt Nam là thành viên của CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và đó là thế mạnh so với các nước khác trong ASEAN.
Theo phân tích của Chủ tịch Phòng thương mại Australia, trước đây Việt Nam chỉ nhập nguyên liệu thô, chế biến và sản xuất rồi xuất khẩu, nay đã và đang có thay đổi trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như trong ngành dệt may, có sự thay đổi trong quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” và đã có nhiều đầu tư trong khu vực này tại Việt Nam làm đa dạng hóa các sản phẩm có thể được làm tại Việt Nam. Có những công ty sản xuất giầy dép sử dụng công nghệ tiên tiến tập trung tại khu vực phía Nam Việt Nam mà trước đây họ có cơ sở tại miền Nam Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội và doanh nghiệp trong nước thấy có lợi. Mọi thứ đều hướng tới cái gọi là “giá trị gia tăng”.
Nhận xét về tính cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam, ông Lourey cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã và đang có những cải thiện tiến bộ hơn. “Mọi thứ vẫn còn mất khá nhiều thời gian nhưng người ta nhìn thấy được lộ trình. Chẳng hạn Việt Nam không yêu cầu công ty phải có giám đốc là người Việt trong 85% các lĩnh vực. Về thủ tục để thành lập công ty 100% vốn chẳng hạn thì có thể mất từ 6-8 tuần để đăng ký thành lập trong khi tại Singapore chỉ mất có một ngày. Thế nhưng, các nhà đầu tư hiểu đó là bức tranh của Việt Nam. Tức là không dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó và đang có những thay đổi tích cực.”, Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam Matthew Lourey phân tích.
Ngô Toàn