Kinh nghiệm quản lý, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nước và giá trị tham khảo (phần 1)

0
71
  1. Khái quát về nông nghiệp công nghệ cao

1.1. Khái niệm về công nghệ nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm truyền thống. Bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Lựa chọn công nghệ tiến bộ về giống cây, giống con, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch – bảo quản, chế biến, từng bước ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng của sản phẩm cùng loại trên thị trường, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất khi có nhu cầu.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất một loại nông sản hàng hóa.

Khu nông nghiệp công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng, phòng trị bệnh cây trồng, vật nuôi; tạo ra vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Theo Luật Công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 05 chức năng cơ bản: Nghiên cứu ứng dụng; Thử nghiệm; Trình diễn công nghệ cao; Đào tạo nguồn nhân lực; Sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Trong đó chức năng thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao là chức năng phổ biến, 02 chức năng còn lại tùy theo đặc điểm từng khu nông nghiệp.

1.2. Phân loại nông nghiệp công nghệ cao

Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp dẫn đến sự ra đời của nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp mới như hình thức canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trạm NNCNC, khu NNCNC, vùng NNCNC.

1.2.1. Hình thức canh tác nông nghiệp công nghệ cao

Hình thức canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong nông nghiệp nhưng chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất. Ở mô hình này thường ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại như:

Kỹ thuật trồng cây không cần đất là phương pháp nhân tạo cung cấp giá đỡ cho cây, thay thế vai trò của đất, chủ động cung cấp thức ăn cho cây trồng thông qua dung dịch dinh dưỡng.

Kỹ thuật trồng cây không cần đất có các ưu điểm bệnh hại cây trồng ít phát triển, không phải khử trùng đất, ít phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí; đảm bảo sản phẩm sạch do không nhiễm dư lượng chất hóa học và kim loại nặng. Cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời các chất dinh dưỡng cho cây; chủ động điều chỉnh pH của môi trường, tiết kiệm được phân bón và nước. Chủ động được thời vụ, chủ động được công tác phòng trừ dịch bệnh; công tác chăm sóc và thu hái dễ dàng. Sử dụng được các loại đất cằn cỗi làm giá thể cây trồng như cát, sỏi. Trồng cây không cần đất là một trong những cách để tiến hành sản xuất nông sản sạch. Kỹ thuật trồng cây không cần đất gồm có các phương pháp chủ yếu sau đây:

Phương pháp thủy canh là một trong những kỹ thuật trồng cây không cần đất; trong đó, cây trồng được trồng trực tiếp vào dung dịch chất dinh dưỡng, đây chính là một kỹ thuật tiến bộ của nghề làm nông hiện nay. Việc lựa chọn môi trường tự nhiên thích hợp cho cây trồng phát triển chính là việc sử dụng những chất dinh dưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Trồng cây bằng phương pháp thủy canh có ưu điểm có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện trồng khác nhau; giảm bớt sức lao động do không phải làm đất, tưới nước, cày bừa, nhổ cỏ, người già, trẻ em đều có thể tham gia; năng suất cao do có thể canh tác được nhiều vụ trong năm; sản phẩm hoàn toàn sạch, chất lượng cao. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có những hạn chế như chỉ áp dụng cho các loại rau quả, hoa ngắn ngày, giá thành khá cao, vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao. Có 3 loại hệ thống thủy canh đang được sử dụng trên thế giới hiện nay là: hệ thống thủy canh không hồi lưu, thủy canh hồi lưu, thủy canh màng mỏng dinh dưỡng NFT (Nutrien Film Technique).

Phương pháp khí canh là một phương pháp cải tiến của phương pháp thủy canh; là phương pháp mà rễ cây không được nhúng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng mà phải qua hệ thống bơm phun sương định kỳ, nhờ vậy đã tiết kiệm được dinh dưỡng và bộ rễ được thở tối đa.

Kỹ thuật trồng cây trên giá thể là kỹ thuật mà cây được trồng trên các loại giá thể và được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua dung dịch tưới lên giá thể. Có nhiều loại giá thể như: cát, sỏi, than bùn, dăm bào, vỏ trấu, bã mía; giá thể vừa là vật đỡ cây vừa lưu giữ một phần nước, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Với kỹ thuật trồng cây trên giá thể có những thuận lợi sau: cấp chất dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng; kiểm soát được độ ẩm và chất dinh dưỡng; lợi thế trong việc khử trùng và dễ dàng thay thế giá thể giữa các thời kỳ; tiết kiệm được không gian sản xuất và nước do được tái sử dụng. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng có những hạn chế là khả năng lưu trữ chất dinh dưỡng thấp do khối lượng bộ rễ ít, khó kiểm soát độ pH.

1.2.2. Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Khái niệm doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là doanh nghiệp NNCNC là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp NNCNC trước hết phải thỏa mãn các điều kiện của doanh nghiệp công nghệ cao, đó là:

Sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu; Doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên; Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp NNCNC còn phải đáp ứng các điều kiện: Ứng dụng các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp; Tạo ra nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao.

Mỗi doanh nghiệp NNCNC có một lĩnh vực hoạt động riêng với những công nghệ và kỹ thuật riêng phù hợp với đối tượng sản xuất nhưng nhìn chung doanh nghiệp NNCNC có những ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm: Mô hình khoa học công nghệ ứng dụng và quy mô sản xuất phù hợp với khả năng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp; Hoạt động độc lập và tự chủ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh hướng sản xuất một cách linh hoạt phù hợp với yêu cầu thị trường và vốn doanh nghiệp.

Nhược điểm: Chủ yếu tập trung vào các khâu sản xuất; chi phí đầu tư cho một đơn vị diện tích sản xuất cao, khó tạo ra một lượng sản phẩm lớn; Khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ khó.

1.2.3. Khu nông nghiệp công nghệ cao

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Khái niệm khu NNCNC được hiểu như sau:

Đối với các quốc gia phát triển, khu NNCNC có hai công năng chủ yếu: Phục vụ thưởng thức cảnh quan và nâng cao sự hiểu biết của người dân và thay đổi phương thức nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho những người lao động hàng ngày ở trong văn phòng tiếp xúc với lao động chân tay.

Đối với các quốc gia đang phát triển: Việc hình thành các khu NNCNC với mục tiêu chính là sản xuất. Trong khu NNCNC người ta trình diễn các loại nông sản có giá trị cao, các thiết bị sản xuất có hàm lượng chất xám cao; ở đây còn thực hiện chức năng đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Ở Việt Nam, khu NNCNC là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.

Như vậy, khu NNCNC là lãnh thổ xác định, không quá lớn về diện tích nhưng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nên cho năng suất và chất lượng nông sản cao, sức cạnh tranh lớn và hiệu quả kinh tế cao. Tựu chung lại, khu NNCNC có những chức năng chủ yếu là điểm để trình diễn những sáng tạo khoa học công nghệ; nơi hội tụ nhân tài và thu hút đầu tư; là địa điểm để đổi mới công nghệ, khu ươm tạo và đào tạo công nghệ.

Khu NNCNC là khu vực khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản; là một trong những hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp mới; vai trò là hạt nhân của sự phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, là mô hình tổ chức nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hỗ trợ, dẫn dắt, định hướng cho nhà đầu tư, các hợp tác xã, nông hộ cá thể học tập và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong sản xuất. Đầu những năm 1980, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu NNCNC; ở Anh quốc, năm 1988 đã có 38 khu vườn KHCN với hơn 800 doanh nghiệp tham gia. Còn ở Phần Lan năm 1996 đã có 9 khu khoa học NNCNC. Trong những năm 1980, Israel đã xây dựng 10 khu NNCNC đầu tiên, Trung Quốc đến nay có hơn 500 khu và 4000 trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên khắp đất nước.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các khu này có những thuận lợi như đảm bảo được tính đồng bộ liên hoàn trong các hoạt động; hàng hóa tập trung, kiểm soát được chất lượng nông sản, giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho một đơn vị diện tích; được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước như chi phí thuê đất và thuế xuất khẩu nông sản thấp, hỗ trợ KHCN, hỗ trợ về lao động. Bên cạnh những thuận lợi, việc hình thành và phát triển khu NNCNC gặp phải những khó khăn như: vốn đầu tư cao, thu hồi chậm, các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia, không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi khoảng không gian cách ly lớn.

(còn nữa)

ThS. NGUYỄN THU PHƯƠNG

(Khoa Quản lý Nhà nước về Xã hội – Học viện Hành chính Quốc gia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here