Cải thiện cấu trúc nợ công và kiểm soát mặt trái của ODA

0
665
Để tăng cường kiểm soát nợ công, cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, tăng cường kỷ luật tài chính.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng trả nợ của Chính phủ là 102.594 tỷ đồng (trả nợ trong nước là 81.011 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài là 21.583 tỷ đồng), bằng 40,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2018.

Theo báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quy mô nợ công tiếp tục tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng vào năm 2019 và gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Theo Kiểm toán Nhà nước, dự kiến năm 2018, nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng. Dư nợ công cuối năm 2018 dự kiến ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép (dưới 50%).

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT cập nhật ngày 24/9/2018, nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2018 ước đạt 61,4% GDP, giảm 2,3% so với năm 2017 và tương đương 3,13 triệu tỷ (quy mô GDP cuối năm 2018 khoảng 5,1 triệu tỷ đồng). Cấu trúc nợ công của Việt Nam đang được cải thiện, với tỷ lệ/GDP giảm do GDP tăng hơn dự kiến, thời hạn nợ dài hơn và tỷ lệ nợ ngoại tệ giảm xuống, giúp Việt Nam hạn chế khả năng thương tổn trước các cú sốc tài chính. Đặc biệt, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cơ bản đã tự trả được nợ, không phải ứng trả nợ từ Quỹ Tích lũy. Lãi suất huy động cũng giảm mạnh qua các năm. Tuy nhiên, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Quy mô nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục tăng lên và hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, tỷ lệ thu NSNN/GDP không thấp hơn các quốc gia khác, nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao, gây quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa; khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, nợ công không cố định hoặc chỉ tăng hay giảm một chiều, mà thường biến động tăng, giảm theo kết quả tăng trưởng kinh tế và cân đối NSNN hàng năm. Đồng thời, mức tăng nợ công luôn cùng chiều với mức tăng rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng và mức mất khả năng chi trả nợ vay, cũng như cả từ mức thua lỗ của các DNNN và mức độ yếu kém trong quản lý đầu tư công, tình trạng tham nhũng và cả ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu…

Bởi vậy, để tăng cường kiểm soát nợ công, cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN; quyết liệt cơ cấu lại NSNN và nợ công; quản lý tốt thu NSNN, mở rộng cơ sở thuế và chống chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng thuế; tăng cường chống tham nhũng tỏng đầu tư công và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước…

Theo tinh thần Nghị định số 94/2018/NĐ-CP (ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) về nghiệp vụ quản lý nợ công, thì việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công cần kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, coi trọng yêu cầu xác định mức trần và ngưỡng cảnh báo đối với chỉ tiêu an toàn nợ công, trọng tâm là xây dựng các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; Xây dựng và thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; Quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công; Báo cáo và công bố thông tin về nợ công.

Để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt trần nợ công được Quốc hội quyết định, việc đưa ra “ngưỡng nợ” để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm nợ không tiến đến sát “trần nợ” là cần thiết, kiểu “phòng cháy hơn chữa cháy”; Đồng thời, cần chú ý thực hiệm nghiêm các biện pháp thích ứng: Giảm mức vay về cho vay lại đối với ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ; Giảm hạn mức bảo lãnh Chính phủ; Giảm mức vay của chính quyền địa phương; Giảm bội chi ngân sách nhà nước để giảm mức vay nợ của Chính phủ; điều chỉnh cơ cấu, kế hoạch vay, trả nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công và bảo đảm cơ cấu nợ công hợp lý, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra trong kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đã được Quốc hội quyết định; bảo đảm khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công; Giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.

Hơn nữa, cần công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương; không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, siết chặt cấp bảo lãnh vay nước ngoài và kiểm soát dư nợ bảo lãnh ngân hàng chính sách trong giới hạn; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn vay nước ngoài trả nợ trước hạn và chỉ vay nợ trong khả năng trả nợ. Chính quyền địa phương không được vay trực tiếp ngoài nước, không được bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn hoặc phát hành trái phiếu vay trong và ngoài nước. Siết chặt điều kiện và đối tượng vay có bảo lãnh, theo đó chỉ bảo lãnh cho dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ; quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luât Đầu tư và Luật Đầu tư công và bảo lãnh cho Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước…

Kiểm soát mặt trái ODA cũng cần được đề cao hơn để tránh “bẫy nợ” và những thiệt hại do lãi suất vay và phí cao hơn mức lãi suất vay thương mại; do phải chịu những điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với vay thương mại và đấu thầu cạnh tranh; do biến động tỷ giá tiền vay, do đội giá và kéo dài thời gian thực hiện khiến công trình chậm phát huy hiệu quả và làm tăng nghĩa vụ nợ công.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm quy định trong Nghị định 94/2018/NĐ-CP buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu xử lý kỷ luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công (sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định) làm phát sinh rủi ro tăng nợ công… Đây thực sự là điểm đột phá mới về nhận thức và thể chế hết sức cấp thiết nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vô trách nhiệm, tùy tiện và lạm dụng quyền lực, cơ chế “xin-cho”, trục lợi và tham nhũng trong sử dụng ODA, quản lý đầu tư công và chi tiêu NSNN, cũng như trong các hoạt động quản lý nhà nước khác.

Sự kiện từ 1/7/2018 Luật Quản lý nợ công và cả 6 Nghị định hướng dẫn thi hành luật này cùng lúc có hiệu lực là một bước tiến mạnh mẽ không chỉ về nhận thức và mức độ hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, mà còn về chất lượng xây dựng văn bản pháp luật nhà nước nói chung; làm trỗi trào kỳ vọng lớn lao về triển vọng đưa nhanh Luật vào cuộc sống và chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc” trong quản lý nợ công, kiên quyết không để nợ công trở thành gánh nặng kiểu “Đời cha ăn mặn, đòi con khát nước”, tước đi cơ hội của thế hệ tương lai…!

TS. Nguyễn  Minh Phong

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here