Thông điệp từ WEF ASEAN 2018

0
274
Hội nghị này được đánh giá là hội nghị thành công toàn diện nhất trong số 27 sự kiện WEF khu vực ASEAN và Đông Á, trong thời gian qua.
Hội nghị này được đánh giá là hội nghị thành công toàn diện nhất trong số 27 sự kiện WEF khu vực ASEAN và Đông Á, trong thời gian qua.

Tròn một tháng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) do Việt Nam đăng cai đã kết thúc tốt đẹp (13/9/2018) với nhiều thông điệp có ý nghĩa cả về kinh tế và chính trị xã hội, trước mắt và lâu dài.

Thành công đặc biệt

Hội nghị này được đánh giá là hội nghị thành công toàn diện nhất trong số 27 sự kiện WEF khu vực ASEAN và Đông Á trong thời gian qua. Tổng cộng hơn 8.000 tin bài trên báo quốc tế, hơn 7 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội và 90.000 lượt người xem trực tuyến các phiên thảo luận về hội nghị lần này (chỉ tính đến hết 13/9), tức gấp nhiều lần các hội nghị khu vực trước đây, là minh chứng hùng hồn đã khẳng định sự quan tâm của truyền thông khu vực và quốc tế tới hội nghị;

Đặc biệt, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende nhấn mạnh: Sau 3 ngày qua, hội nghị này đã trở thành một sự kiện thành công đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, với sự lạc quan bao trùm hội nghị và qua các thông điệp được truyền đi khắp toàn cầu. 9 lãnh đạo các quốc gia khu vực đã đến đây cùng với 1.000 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi lớn nhất thế giới. Thể hiện sức hút và tiềm năng của Việt Nam và cả của ASEAN..

Năm 2018 là mốc kỷ niệm 11 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 20 năm gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), 23 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và 51 năm thành lập tổ chức này. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia. WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên trong lịch sử của WEF có lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tới tham dự phiên khai mạc. Các thành viên chính phủ gồm Thủ tướng, các Phó Phó Thủ tướng và 7 Bộ trưởng đều tham gia tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau. Sự thành công của Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 cũng ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam vào thúc đẩy quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế-doanh nghiệp ASEAN tự do (hết năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%, riêng của Việt Nam là 98%) tự cường, sáng tạo, ngày càng lớn mạnh, phồn vinh, luôn tìm kiếm và ngày càng trở thành đối tác lựa chọn hấp dẫn và đầy tiềm năng của các doanh nghiệp toàn cầu.

Cộng đồng thế giới ghi nhận sự nỗ lực chuẩn bị và đóng góp cho sự thành công của Diễn đàn, và qua đó, Việt Nam thêm tỏa sáng với Thông điệp lớn qua khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị: Việt Nam muốn hòa bình để phát triển và làm bạn với những nước thành công nhất….!

Động lực phát triển mới từ tinh thần doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo

Chủ đề Hội nghị WEF ASEAN 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0”- Một nội dung thiết thực, gắn kết với chủ đề ASEAN 2018 “Tự cường và sáng tạo”, có ý nghĩa thời sự và lâu dài cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân mỗi quốc gia và cả khu vực. Với gần 60 phiên thảo luận khác nhau về những chủ điểm khác nhau, Diễn đàn là một cơ hội lớn cho sự trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm và kết nối đối tác hợp tác và xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới và mô hình sản xuất, kinh doanh xanh, sáng tạo, bền vững ở Việt Nam và cả khu vực ASEAN. Đồng thời, thông điệp chung nổi bật từ Diễn đàn là phát huy tinh thần doanh nghiệp, nắm bắt các cơ hội và chủ động vượt qua các thách thức mới từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cùng với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, ngày càng định hình, phát triển mở ra nhiều cơ hội mới, đồng thời làm mòn đi nhiều lợi thế cũ và đặt ra không ít thách thức đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp, đặc biệt là trong nắm bắt và ứng dụng các thành tựu công nghệ mới; điều chỉnh hướng và cơ chế quản lý phát triển kinh tế; đào tạo lao động có chuyên môn cao và tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh xã hội…

Cùng với các thành viên ASEAN khác, Việt Nam đang trên đà phát triển, với những cải thiện tích cực về môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng; quy mô và chất lượng dân số, kiểm soát lạm phát và mức nghèo; tăng dự trữ ngoại hối và xuất khẩu, đầu tư tư nhân và thu hút vốn nước ngoài… Là một nước có thu nhập tầm trung và đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế, hiện đại hóa cơ cấu kinh tế, Việt Nam có những thách thức riêng, trước hết liên quan đến phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và cả vĩ mô và vi mô. Đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều thì mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên. Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường cho thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan toả, tạo nên động lực tăng trưởng mới và phát triển thịnh vượng trong thế giới số siêu kết nối thông minh, tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới; xây dựng nền giáo dục mở thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, bảo đảm mọi người dân điều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.

Cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi phát huy tinh thần doanh nghiệp. Đó là tinh thần dũng cảm, quyết tâm và ý chí làm giàu có tổ chức cho mình và cộng đồng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và đề cao trách nhiệm xã hội; Sự chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả với những biến động thị trường và chính sách; xây dựng và củng cố sự gắn kết cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết và cung ứng giá trị quốc gia và quốc tế; xử lý hài hòa các lợi ích và các khác biệt văn hóa trong kinh doanh; dám nghĩ, đầu tư thông minh và nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cả trong phạm vi  quốc gia và khu vực…

Tinh thần doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sự chủ động, tự giác và tự thân của cộng đồng và từng doanh nghiệp, mà còn cần được hun đúc, tôn vinh, chia sẻ và hỗ trợ từ cả hệ thống chính trị và xã hội; Theo đó, Chính phủ cần đột phá mạnh mẽ hơn về tư duy và thể chế; tập trung “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả; đổi mới nền giáo dục và đào tạo nghề quốc gia theo hướng thông minh và đi trước một bước, bảo đảm người lao động được chuẩn bị tốt các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để  hòa nhập và tái hòa nhập thị trường lao động xã hội; phát triển thị trường công nghệ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thị trường tài chính đầu tư cho phát triển nghiên cứu, sáng chế và thuận lợi trong thương mại hóa ý tưởng kinh doanh và sáng tạo, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người dân lan tỏa trong xã hội và thị trường Việt Nam.

Với Thông điệp xuyên suốt từ WEF ASEAN 2018: Cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự thay đổi, phát triển của một tổ hợp công nghệ, khác nhau (như AI, IoT…) và không chỉ thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra mô hình kinh doanh mới, mà còn tác động trực tiếp và gián tiếp ngày càng sâu sắc tới toàn bộ quá trình phát triển và quản lý kinh tế-xã hội các cấp độ khác nhau; Tư duy của Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho sự chuyển đổi này. Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng trong tương lai…; Bởi vậy, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 là sự thúc đẩy quá trình kiến tạo và đổi mới, đột phá về công nghệ, ý tưởng và chính sách, phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội, thích ứng với các thách thức mới, dũng cảm lựa chọn các định hướng mới và khai thác hiệu quả các động lực mới, ngày càng nhận thức rõ hơn về tương lai; không ngừng chủ động, sáng tạo và hoàn thiện mình để trở thành “Doanh nghiệp Thông minh” của “Quốc gia Thông minh” trên hành trình xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời, góp phần thúc đẩy đối thoại và tăng cường quan hệ đối tác, mở rộng đối tượng, hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển thịnh vượng chung của của từng quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới.

Tại phiên bế mạc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh,“Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN lần này thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo cho cái mới nảy nở và lan tỏa. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp để đóng góp vào sự phát triển năng động của cả quốc gia…

TS. Nguyễn Minh Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here