Thay đổi mô hình Trung Quốc thoát khỏi bóng đen chiến tranh thương mại.

0
158

Nhật báo kinh tế, Đài Loan (02/10) đưa tin, Trung Quốc gần đây đã công bố sách trắng, đặc biệt nhấn mạnh Trung Quốc “không muốn tiến hành, song cũng không sợ tiến hành chiến tranh thương mại”. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu công khai phát biểu về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, nhấn mạnh chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch buộc Trung Quốc phải đi con đường tự lực cánh sinh, điều này không phải là xấu. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và lâu dài đối với cuộc chiến thương mại.

Việc Mỹ phát động chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc là sự chiến dịch chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa địa vị toàn cầu của Mỹ, mục tiêu không chỉ là giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, mà còn nhằm mục đích thay đổi hành vi thương mại mà theo Mỹ là không cân bằng của Trung Quốc. Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn để buộc Trung Quốc nhượng bộ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã phán đoán sai lầm nghiêm trọng về Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại. Chính vì vậy, sau khi tỉnh ngộ Trung Quốc đã nhanh chóng điều chỉnh tâm thế, hy vọng thông qua cách tiếp cận thực tế xử lý, đồng thời cố gắng ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc “quyết một trận sống mái” trong nội bộ. Tuy nhiên, nếu nhượng bộ quá lớn, không chỉ tổn hại lòng tự tôn dân tộc, mà còn để lại biến số lớn đến phát triển kinh tế của Trung Quốc sau này. Do kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu kỹ thuật tiên tiến từ Mỹ nên Trung Quốc hết sức mong muốn sớm giải quyết vấn đề, song vẫn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Chiến tranh thương mại không có bên thắng, song so sánh điều kiện kinh tế Mỹ và Trung Quốc hiện nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, vật giá ổn định, thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất trong lịch sử, chỉ số đồng đô la vẫn ở ngưỡng thấp, do vậy sức chịu đựng đối với chiến tranh thương mại vẫn ở mức cao. Ngược lại, rủi ro kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp thành thị tăng mạnh, sức ép vật giá tăng, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống và đồng nhân dân tệ mất giá, vì vậy Trung Quốc rõ rang đang ở vào thế bất lợi trong cuộc chiến thương mại lâu dài.

Phân tích từ góc độ chênh lệch trình độ phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc, mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của Mỹ thấp, trong khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lại phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ cũng như đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vào Trung Quốc. Nếu thuế quan cao ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Mỹ và tạo làn sóng doanh nghiệp đa quốc gia rút khỏi thị trường Trung Quốc thì tất yếu sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế và việc làm của Trung Quốc.

Ngoài ra, sự phát triển của các ngành công nghệ cao, nhất là mạng viễn thông, trí tuệ nhân tạo, máy móc tinh vi, kỹ thuật sinh học … vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu kỹ thuật tiên tiến và linh kiện then chốt. Mỹ và các nước phương Tây tăng cường quản lý việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, mua bán sát nhập các công ty trong nước, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc.

Nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại lâu dài, việc cấp thiết đầu tiên của Trung Quốc hiện này là phải giữ ổn định kinh tế, chính vì vậy, tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị “6 ổn định”. Tuy nhiên, then chốt để ổn định kinh tế của Trung Quốc nằm ở chỗ liệu có thể mở rộng hiệu quả nội nhu và tiếp tục thu hút FDI toàn cầu hay không. Điều này lại phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thực hiện được công cuộc cải cách mở cửa đi vào chiều sâu hay không. Xét ở khía cạnh khác, là phải xoay đổi triệt để hiện tượng cải cách giật lùi. Khi Trung Quốc đổ tiền lớn vào nền kinh tế từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay khiến cho “quốc hữu hóa thì tiến, dân doanh thì lùi”, đây cũng chính là thay đổi “tư bản nhà nước” tức cái gọi là “mô hình Trung Quốc” mà Bắc Kinh từng tự tin, tự hào là ưu việt hơn kinh tế tự do mở cửa của phương Tây. Chỉ có thay đổi “mô hình Trung Quốc”, giảm sự can dự của chính phủ vào nền kinh tế, và trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, sức sống của doanh nghiệp dân doanh Trung Quốc mới thực sự lớn mạnh, cũng có thể về căn bản thoát khỏi bóng đen của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

(Tin từ Văn phòng KT-VH VN tại Đài Bắc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here