Các nền kinh tế mới nổi đã được chuẩn bị tốt nhất để đối chọi với cuộc khủng hoảng tài chính

0
77

Các xáo động tài chính hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đã tạo ra mối lo ngại cho các nền kinh tế mới nổi. Kịch bản về việc các nền kinh tế mới nổi tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính mới dường như đang hình thành. Dấu hiệu rõ nhất thể hiện từ thị trường hối đoái. Kể từ mùa xuân vừa qua, đồng peso của Argentina đã mất giá hơn 50% so với đồng đô la và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng mất giá gần 40%. Đồng rupi của Ấn Độ, đồng real của Bra-xin, đồng rand của Nam Phi, đồng rúp của Nga và một số đồng tiền của các quốc gia khác cũng ở tình trạng mất giá tương tự. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi các doanh nghiệp lớn của những nước trên trong thời gian đã vay rất nhiều và thường là vay ngoại tệ. Do vậy các doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn khi trả nợ.

Các nhà kinh tế nhìn vào các chỉ số để đánh giá nguy cơ của các nền kinh tế mới nổi, như chỉ số về thanh toán nợ nước ngoài, dự trữ ngoại hối, lạm phát, tài chính của các doanh nghiệp lớn. Hiện có 5 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Ấn Độ, Indonesia và Braxin là thực sự trong tình trạng đáng ngại. Nhưng dường như chưa có gì cho thấy sẽ xảy ra khủng hoảng lớn như những cuộc khủng hoảng trước đây.

Nguyên nhân đầu tiên của khủng hoảng tài chính là thâm hụt tài khoản vãng lai. Chính thâm hụt tài khoản vãng lai đã là nguyên nhân cốt yếu gây cuộc khủng hoảng tại châu Á năm 1997, khi đó các nước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có mức thâm hụt tài khoản vãng lai đều vượt quá 5% GDP, còn Philippines cũng gần đạt ngưỡng này. Nhưng tình hình nay đã thay đổi, bởi vì các nền kinh tế mới nổi đã rút ra được các bài học từ những thảm họa trong quá khứ. Các nền kinh tế này ít bị tổn thương hơn, dù không phải đã miễn dịch hoàn toàn. Hiện nay, tất cả các nước Đông Nam Á đều có thặng dư thương mại, trừ Indonesia (dự kiến năm 2018 thâm hụt bằng 2% GDP). Trong những nền kinh tế mới nổi khác, thâm hụt của Nam Phi là gần 3% GDP, Braxin, Mexico và Ấn Độ khoảng 2%. Những nước này thực sự có bấp bênh nhưng ở mức hạn chế và chỉ thực sự bị mất ổn định khi xảy ra khủng hoảng chính trị.

Ngoài ra, các cuộc xáo trộn tài chính trước đây đều bắt nguồn từ chính sách siết chặt tiền tệ của Mỹ. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed nâng lãi suất đã dẫn đến việc các nhà đầu tư đã ồ ạt bán đi tài sản của họ tại những nền kinh tế mới nổi để đi tìm những khoản lợi nhuận mới cao hơn. Tuy nhiên, lần này, chính sách của Fed đã không đủ để thu hút làn sóng vốn. Argentina đã được IMF ra tay cứu giúp với khoản cho vay 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện vẫn có ba nguy cơ cho khủng hoảng tài chính. Thứ nhất, cuộc chiến thương mại ngày một căng thẳng khiến xuất khẩu hàng công nghiệp và nguyên liệu giảm sút. Thứ hai là nguy cơ về chính trị. Chẳng hạn như nước Nga, mặc dù luôn có thặng dư về xuất khẩu dầu, khí gas và kim loại, nhưng liên tiếp chịu nhiều cú « sốc » tài chính do những quyết định chính trị của Chính phủ nước này. Nguy cơ thứ ba là Trung Quốc với các khoản nợ tăng cao đáng ngại trong thập niên qua. Dẫu vậy vẫn là mạo hiểm để dự báo khủng hoảng tài chính. Một số người đã đưa ra dự báo này từ 20 năm nay. Cuối cùng rồi sẽ có ngày dự báo của họ là đúng, nhưng chưa biết khi nào.

(Tin từ ĐSQ VN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here