TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

0
151
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch Hội đồng Dân biểu tỉnh Fukuoka, Nhật Bản Jungo Inoue và đoàn công tác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch Hội đồng Dân biểu tỉnh Fukuoka, Nhật Bản Jungo Inoue và đoàn công tác.

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh nguồn nội lực, Thành phố rất quan tâm đến việc tận dụng nguồn ngoại lực về vốn và công nghệ của  thế giới.

Chủ động trong công tác hội nhập quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là 1 trong các địa phương tích cực, chủ động trong công tác hội nhập quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế đã được Thành phố triển khai ngay từ những ngày đầu sau giải phóng và đặc biệt ngày càng sôi động sau khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập. Trong đó, hoạt động hữu nghị, hợp tác cấp địa phương được xem là một hướng phát triển quan trọng, vừa góp phần triển khai đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị của ta đến các địa phương, các nước trên thế giới, vừa tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 50 địa phương nước ngoài trên cả 5 châu lục. Để quá trình hợp tác quốc tế cấp địa phương này phát huy tối đa hiệu quả, Thành phố luôn xác định rõ ràng các mục tiêu khi thiết lập quan hệ. Căn cứ trên tổng thể mối quan hệ cấp quốc gia cũng như định hướng phát triển quan hệ của Đảng, Nhà nước với đối tác đó, đồng thời dựa trên nhu cầu phát triển của mình mà Thành phố sẽ xác định tập trung phát triển quan hệ hợp tác vì mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, đào tạo,… hoặc có thể bao gồm tất cả những mục tiêu này.

Xin đưa ra một vài ví dụ: quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thành phố với các địa phương của Lào và Campuchia cho đến nay chủ yếu  tập trung ở các hoạt động giao lưu chính trị, tăng cường quan hệ hữu nghị, trao đổi đoàn, ngoại giao nhân dân,.. Các hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục đa phần vẫn mang tính hỗ trợ một chiều, ta giúp Bạn là chính.

Tuy nhiên đối với các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp thì hoạt động hợp tác lại định hướng theo mục tiêu khác: tăng cường quan hệ hữu nghị để cùng hợp tác, tranh thủ vốn và công nghệ của Bạn đối với những lĩnh vực trọng tâm phát triển của Thành phố. Hiện Thành phố đã triển khai các dự án về công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường với Nhật Bản, về quy hoạch đô thị với Pháp, về đào tạo, môi trường, quy hoạch quản lý đô thị, trao đổi công chức,…. với Hàn Quốc. Trên cơ sở thế mạnh và kinh nghiệm của  đối tác, Thành phố sẽ chủ động đề xuất các dự án, nội dung hợp tác mà 2 bên cùng quan tâm và có thế mạnh. Vì vậy, các văn bản hợp tác ký kết với những địa phương, đối tác nước ngoài của Thành phố luôn có những nội dung cụ thể, có lộ trình và cơ quan đầu mối  để triển khai.

Vai trò của hợp tác quốc tế cấp địa phương

Xin chọn Nhật Bản để minh họa rõ nét hơn hoạt động hợp tác quốc tế cấp địa phương của Thành phố và vai trò của nó đối với phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong thời gian qua.

Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thị trường Nhật Bản, tính đến nhu cầu, khả năng của Thành phố cũng như thiện chí, thế mạnh của các địa phương Nhật Bản, Thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 07 địa phương của Bạn, cụ thể: tỉnh Osaka và tỉnh Hyogo (năm 2007), thành phố Yokohama (2009) và thành phố Osaka (2011), tỉnh Shiga (2014), tỉnh Aichi (2016) và tỉnh Nagano (2017). Trong khuôn khổ này, Thành phố và các địa phương Nhật Bản đã tiến hành các hoạt động hợp tác sôi nổi, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Thành phố và Nhật Bản nói riêng và giữa Việt Nam – Nhật Bản nói chung.

Các hoạt động hợp tác tiêu biểu có thể kể đến việc Thành phố giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn mở văn phòng đại diện tại Yokohama vào năm 2009 với chức năng xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản và thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh. Một điểm sáng khác là hợp tác trong lĩnh vực môi trường, tiêu biểu là Bản ghi nhớ về “Chương trình Phát triển thành phố phát thải các-bon thấp” giữa TPHCM và Thành phố Osaka, được ký năm 2013. Theo đó, hàng năm Osaka và TPHCM luân phiên tổ chức Đối thoại chính sách cấp Thị trưởng để đánh giá lại các dự án, chương trình hợp tác và đề ra các sáng kiến hợp tác mới trong lĩnh vực môi trường. Vừa qua, các cơ quan chuyên môn của Thành phố và thành phố Yokoham đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lao động và điều dưỡng. Về mảng văn hóa, trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Aichi của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố tháng 4/2018, Thành phố đã chủ động phối hợp với Chính quyền tỉnh Aichi tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Aichi 2018. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất mà Thành phố tổ chức tại nước ngoài, đã thu hút khoảng 200.000 lượt khách tham quan, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh và xúc tiến các hoạt động kinh tế, thương mại của Thành phố và cả nước đến thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hyogo đang nghiên cứu triển khai Sáng kiến liên kết kinh tế giữa khu vực Kansai và các tỉnh, thành Nam Bộ. Mục tiêu của Sáng kiến là nhằm tăng cường trao đổi, liên kết kinh tế giữa hai Vùng thông qua hợp tác kinh tế, du lịch, môi trường; xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản dưới nhiều hình thức, bao gồm PPP; tăng cường tính liên kết vùng trong chuỗi giá trị sản xuất. Tôi tin rằng khi Sáng kiến này được triển khai, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Thành phố và các địa phương Nhật Bản sẽ tiếp tục có những khởi sắc hơn nữa, vì lợi ích của cả hai bên.

Có thể nói, hợp tác với các tỉnh, thành của Nhật Bản là một trong những trọng tâm đối ngoại của Thành phố và trên thực tế, là một trong những mô hình quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài thành công của Thành phố. Mối quan hệ này đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, thúc đẩy hiểu biết song phương và góp phần mang lại nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành doanh nghiệp, các giải pháp về quản trị đô thị… cho Thành phố cũng như các lợi ích kinh tế, văn hóa cho các đối tác Nhật Bản. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn thứ nhất với dự án nổi bật đang được triển khai là tuyến đường sắt đô thị Metro 1, đối tác thương mại thứ 3, thị trường du lịch thứ 5 và nhà đầu tư đứng thứ 6 của Thành phố. Kim ngạch thương mại TP. HCM – Nhật Bản trong năm 2017 đạt hơn 5 tỷ đô-la Mỹ, trong đó Thành phố ở thế xuất siêu so với Nhật Bản. Có thể nói, những hoạt động đối ngoại được Thành phố triển khai với các đối tác Nhật Bản đã đóng góp rất hiệu quả vào những thành tích trên.

Để hợp tác cấp địa phương đi vào chiều sâu, thiết thực

Trên đây là một số thành tựu về kinh tế mà công tác đối ngoại đã mang lại thông qua thúc đẩy hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Nhật Bản. Các thành tựu này là đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của Thành phố. Bên cạnh đó, có một số quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Thành phố và các địa phương quốc tế vẫn còn mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất. Đây là một thực tế mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận. Để nội dung này càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, tôi xin trao đổi 3 ý như sau:

Thứ nhất, cần có một kế hoạch hoặc định hướng tổng thể về thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài cho tất cả các địa phương trong cả nước. Nếu các địa phương, vừa căn cứ trên thế mạnh và nhu cầu về hợp tác phát triển cụ thể của địa phương mình, vừa được định hướng về các nội dung và địa bàn trọng điểm theo chính sách, chủ trương chung của Trung ương thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp và có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai. Xin kiến nghị Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối, chủ trì cùng các cơ quan chức năng và các địa phương xây dựng chiến lược tổng thể và các định hướng về thiết lập quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Thứ hai, cần thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa một số đơn vị chức năng của Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương nhằm cập nhật thường xuyên, hiệu quả các thông tin, các thay đổi liên quan đến chính sách thương mại, đầu tư và những ưu tiên, định hướng trong phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài, cũng như các kế hoạch, hoạt động về hợp tác quốc tế của các địa phương với các nước.

Thứ ba, một trong những kinh nghiệm của Thành phố để triển khai thành công công tác đối ngoại, đó chính là vấn đề con người. Bên cạnh sự quan tâm, luôn đánh giá và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp lãnh đạo thì vai trò của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện là hết sức quan trọng. Thành phố Hồ Chí Minh tự hào có một đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại chuyên nghiệp, bản lĩnh, năng động và tận tâm. Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo việc tham mưu và triển khai các nội dung, hoạt động đối ngoại từ Trung ương đến địa phương và với các đối tác nước ngoài luôn được nhuần nhuyễn, hiệu quả và có chất lượng. Do vậy, xin đề xuất với Bộ Ngoại giao cùng các Bộ ngành Trung ương luôn quan tâm, tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại của các tỉnh, thành địa phương trong cả nước ngày càng năng động, chuyên nghiệp, hiểu biết rộng và chuyên sâu nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát huy tinh thần tích cực và chủ động trong việc thiết lập và triển khai các quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương nước ngoài trên cơ sở cùng có lợi và phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhau. Thành phố không chỉ dừng lại ở việc ký kết các thỏa thuận mà còn chủ động cùng với các địa phương bạn cụ thể hóa quan hệ bằng các dự án hợp tác thiết thực. Đây là phương châm xuyên suốt của Thành phố và cũng chính là chìa khóa để quan hệ hữu nghị và hợp tác của Thành phố với các địa phương nước ngoài phát triển ngày càng sôi động và bền vững. Với những bước đi năng động trên, Thành phố đã tạo dựng được uy tín và hình ảnh là đối tác tốt với các địa phương nước ngoài, góp phần giúp Thành phố tận dụng nguồn ngoại lực góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Thành phố, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao cùng các Bộ ngành Trung ương đã luôn quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ Thành phố triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại trong suốt thời gian qua. Với vai trò là 1 trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước, Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác hữu nghị quốc tế, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng vì mục tiêu xây dựng và phát triển Thành phố, phát triển đất nước, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng và có vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.

Lê Thanh Liêm

Phó CT Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here