Kinh nghiệm thành công kết nối giữa các địa phương Việt Nam – Nhật Bản

0
132
Tổng Lãnh sự Nguyễn Phương Hồng chúc mừng ông Higuchi Akira, Tân Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka, 6/2017.
Tổng Lãnh sự Nguyễn Phương Hồng chúc mừng ông Higuchi Akira, Tân Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka, 6/2017.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka chia sẻ một số kinh nghiệm được thực hiện trong hợp tác với các địa phương của Việt Nam, tạo nên kết quả ban đầu của Cơ quan trong công tác kết nối các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản kể từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Tình hình giao lưu – hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương tại khu vực Kyushu, Nhật Bản

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka được thành lập vào tháng 4/2009, là Cơ quan lãnh sự phụ trách khu vực Kyushu – Okinawa, phía Tây – Nam Nhật Bản. Khu vực Kyushu gồm 7 tỉnh (Fukuoka, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Saga, Miyazaki và Kagoshima) và 2 thành phố trực thuộc trung ương Kitakyushu và Fukuoka.

Vào thời điểm thành lập Tổng Lãnh sự quán, tại khu vực Kyushu, về quan hệ hợp tác cấp tỉnh có 2 cặp địa phương đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về quan hệ hợp tác hữu nghị, đó là thành phố Hà Nội với tỉnh Fukuoka (02/2018), thành phố Hải Phòng với thành phố Kitakyushu (4/2009). Đến nay, đã có thêm cặp quan hệ tỉnh Quảng Nam với tỉnh Nagasaki (ký MOU tháng 6/2017). Ngoài ra, hiện có các cặp địa phương đang được kết nối, trước mắt lựa chọn lĩnh vực hợp tác, tiến đến ký MOU nhằm thiết lập quan hệ lâu dài như tỉnh Cà Mau với tỉnh Nagasaki, tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Oita… Bên cạnh đó, một số MOU cũng đã được ký nhằm tăng cường quan hệ hợp tác theo lĩnh vực như Cơ quan thúc đẩy quốc tế hóa kinh tế Kyushu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2009), tỉnh Hà Nam với Đại học Nam Kyushu tại tỉnh Miyazaki (11/2015) và Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng với Đại học tỉnh lập Nagasaki (10/2017), chuẩn bị ký MOU giữa Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam với Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Kyushu (quý III/2018), giữa Tổng Cục Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch Kyushu…

Một số kinh nghiệm trong công tác kết nối địa phương

Có thể nói những thành quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, còn nhỏ bé so với các cặp quan hệ hợp tác địa phương trên 47 tỉnh thành của Nhật Bản, trong phạm vi khu vực phụ trách và qui mô hoạt động tại sở tại, Tổng Lãnh sự quán kính trao đổi một số kinh nghiệm triển khai công tác kết nối địa phương trong vài năm gần đây như sau:

Phát huy những thuận lợi trong đà phát triển tốt nhất từ trước tới nay của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời tranh thủ xu hướng toàn cầu hóa và nhu cầu hội nhập quốc tế của các địa phương sở tại. Việc kết nối quan hệ địa phương không thực hiện được nếu chính các địa phương của sở tại không quan tâm và có nhu cầu vì vậy đây là một trong các yếu tố quan trọng cần tranh thủ. Hàng năm, các địa phương đều xác định mục tiêu nước/khu vực trọng điểm trong chính sách hợp tác quốc tế của địa phương mình, sẽ định hướng thúc đẩy lĩnh vực hợp tác cụ thể theo nhu cầu thực tế, mức độ quan hệ (năm chẵn trong quan hệ, quan hệ cấp quốc gia có nhiều tiến triển…). Vì vậy, ở cấp quan hệ địa phương, việc nắm bắt, tranh thủ cơ hội và thúc đẩy triển khai các hoạt động đúng thời điểm là rất quan trọng. Nếu không, cơ hội có thể qua đi và may ra vài năm mới có lại.

Triển khai công tác kết nối trên quan điểm tạo cơ hội hợp tác lâu dài cho địa phương của Việt Nam cũng như địa phương của Nhật Bản, không chỉ là thu xếp các chuyến thăm, các cuộc chào xã giao. Đây là nguyên nhân then chốt trong việc triển khai công tác kết nối địa phương. Các công tác trao đổi thông tin, tìm lĩnh vực có tiềm năng hợp tác cho cả hai bên, nếu được thực hiện theo đúng quan điểm này, sẽ có nội dung thực chất, đem lại hiệu quả. Công việc này sẽ mất thời gian và công sức do phải tìm hiểu thông tin và nắm rõ những thế mạnh của địa phương có nhu cầu hợp tác, tuy nhiên khó khăn ban đầu sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài.

Chủ động, sáng tạo thực hiện thật tốt các biện pháp cơ bản trong công tác đối ngoại, kết nối địa phương như:

+ Thường xuyên tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan đại diện với chính quyền, các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu… tại sở tại. Với quan hệ hợp tác tốt sẵn có, chính quyền các địa phương sẵn sàng trao đổi thông tin, cố gắng đáp ứng các đề nghị của Cơ quan đại diện một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ, qua đó, công việc của cơ quan cũng thuận lợi hơn, đạt hiệu quả, giảm thiểu thời gian, nhất là trong bối cảnh số biên chế triển khai công tác đối ngoại của Cơ quan ít (Tổng Lãnh sự và 01 cán bộ).

+ Xây dựng tài liệu thông tin cơ bản về khu vực cũng như về từng địa phương thuộc khu vực Cơ quan phụ trách và thường xuyên bổ sung, cập nhật. Đây chính là “tư liệu” cần thiết và có giá trị góp phần tạo nên các “sản phẩm” hợp tác về sau. Cơ quan sẵn sàng cùng cấp thông tin, bao gồm những thế mạnh của các địa phương bạn cho các địa phương của Việt Nam để nghiên cứu trước khi quyết định thăm, đặt vấn đề giao lưu, hợp tác.

+ Tận dụng mọi cơ hội để quảng bá về Việt Nam qua các cuộc hội thảo, buổi nói chuyện, các bài phát biểu, các hoạt động quốc tế tại sở tại… cũng như trong giao tiếp với Lãnh đạo các địa phương, với các giới tại sở tại. Để thúc đẩy các địa phương sở tại quan tâm tìm hiểu, khảo sát và mong muốn hợp tác với ta, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của bạn, phải đưa được thông tin, đặc biệt là thế mạnh của các địa phương ta đến với Bạn. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn do Cơ quan đại diện thường không có đầy đủ thông tin về các địa phương của ta, chủ yếu chỉ được cung cấp từ các tỉnh có nguyện vọng thăm và kết nối với địa phương tại khu vực. Việc xây dựng được tài liệu thông tin cơ bản và thế mạnh của mỗi địa phương Việt Nam thực sự là rất cần và hữu hiệu cho các Cơ quan đại diện.

+ Trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ trong và ngoài nước giữa địa phương và Cơ quan đại diện là yếu tố không thể thiếu. Trong quá trình hỗ trợ đoàn đi và đoàn đến, việc phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ trực tiếp xử lý công việc của hai bên là thiết yếu. Cán bộ hai bên phải bám sát tiến trình công việc, nắm rõ yêu cầu của mỗi địa phương, kịp thời cập nhật và trao đổi thông tin, mạnh dạn đóng góp ý kiến về cả chương trình và nội dung làm việc khi thấy cần thiết.

+ Việc địa phương chuẩn bị kỹ các tài liệu với ngôn ngữ bản địa, nội dung làm việc có hàm lượng và trọng tâm sẽ góp phần quyết định thành công của các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nói riêng và của cả chuyến thăm nói chung.

+ Công tác đánh giá và báo cáo kết quả nhằm duy trì và thúc đẩy quan hệ sau chuyến thăm, hay sau khi đón đoàn của các địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Báo cáo cần đánh giá đúng kết quả chuyến thăm (hay đón đoàn), có phần nội dung phân công cụ thể để theo dõi, tiếp tục triển khai kết quả ban đầu, đồng thời có hình thức trao đổi ngược lại cho Cơ quan đại diện để phối hợp thúc đẩy các bước cần thiết tiếp theo. Chúng tôi thực sự ấn tượng với bản Báo cáo sau chuyến thăm của đoàn Lãnh đạo tỉnh Cà Mau thăm Nagasaki vào tháng 7/2017, Báo cáo không nặng về kết quả thành tích mà tập trung vào phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành nhằm phát huy kết quả và triển khai các hoạt động tiếp theo.

+ Với đặc thù nhân sự Cơ quan đại diện thay đổi theo nhiệm kỳ, nên một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là bàn giao, nắm bắt và phát huy các mối quan hệ giữa Cơ quan đại diện chính quyền và các giới tại sở tại, cũng như lưu giữ và khai thác hiệu quả những dữ liệu thông tin mang tính sử ký tại Cơ quan đại diện sẽ bảo đảm tính liên tục trong quá trình hỗ trợ các địa phương, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực và góp phần tạo nên thành công.

Ngoài việc thực hiện tốt những biện pháp cơ bản nêu trên, Tổng Lãnh sự quán chủ động tìm và giới thiệu đối tác sau khi nhận “đặt hàng” từ địa phương của Việt Nam. Đã có trường hợp địa phương Nhật Bản là “hàng đặt” nhưng từ chối đón tiếp, sau đôi lần đề nghị không thành công, Tổng Lãnh sự quán đã tích cực tìm hiểu và giới thiệu đối tác tiềm năng khác cho địa phương của ta. Trường hợp điển hình là kết nối tỉnh Cà Mau với tỉnh Nagasaki. Sau chuyến thăm của Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, trong gần 1 năm, Chủ tịch Liên đoàn Công Thương tỉnh Nagasaki với sự tham gia của chính quyền tỉnh đã 3 lần sang thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau. Hai bên đã trao đổi và lựa chọn được lĩnh vực ưu tiên hợp tác, qua đó dần mở rộng các lĩnh vực hợp tác khác. Có thể coi đây là một thành công kết nối địa phương điển hình của Tổng Lãnh sự quán trong năm qua.

Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán cũng chủ động thúc đẩy các địa phương bạn sang thăm Việt Nam, đặc biệt là “thăm đáp lễ” địa phương Việt Nam nhằm duy trì hoạt động giao lưu, tạo dịp hai địa phương tiếp tục tìm hiểu thế mạnh của nhau, xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài.

Nguyễn Phương Hồng

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here