Chấp nhận Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, phương Tây đã sai lầm lớn. Khi đó, Mỹ và EU đã tin tưởng một cách ngây thơ rằng Trung Quốc sẽ hướng tới nền kinh tế thị trường, tôn trọng các luật lệ của WTO và mở ra một thị trưởng gần 1 tỷ người cho các hàng hóa Mỹ và châu Âu tràn ngập vào. Nhưng gần 20 năm sau, họ đã phải thất vọng và đau đớn nhận ra rằng mình đã bị lừa. Trào lưu chủ nghĩa dân túy dâng cao, sự phản đối toàn cầu hóa, hố ngăn cách bất bình đẳng gia tăng và nguy cơ chiến tranh thương mại cho thấy rõ điều này. Ngày nay, phương Tây đang phải trả giá cho sự ngây thơ của họ trước những thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc : Những lời hứa tốt đẹp của Trung Quốc khi gia nhập WTO đã hầu như chỉ là «hứa hão».
Kể từ ngày gia nhập WTO đến nay, Trung Quốc vẫn chơi luật chơi riêng của mình, đi theo một lộ trình hoàn toàn khác với những gì phương Tây dự đoán. Những đặc trưng của nước Trung Quốc ngày nay là sự củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình (giữ chức Chủ tịch nước suốt đời), chế độ ngày càng độc tài, Nhà nước can thiệp mọi khía cạnh của nền kinh tế, bao cấp rộng lớn và sự thống trị của các doanh nghiệp Nhà nước. Tất cả những điều này là xa vời những tiêu chí của phương Tây. Chính vì vậy mà 15 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, năm 2016 Mỹ và EU đã từ chối công nhận quy chế quốc gia có nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc.
Sai lầm ở đây là đã tưởng rằng tại Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản Nhà nước sẽ nhường bước cho chủ nghĩa tư bản thị trường, rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận các giá trị dân chủ của phương Tây, nhưng đối với Bắc Kinh, mô hình phương Tây đang thoái trào.
Một sự khác biệt to lớn khác: Trung Quốc không có cùng khái niệm thời gian như châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp phương Tây không bao giờ đổ tiền đầu tư vào một dự án mà không mang lại lợi nhuận. Trung Quốc thì khác, họ tính tới dài hạn: với sức mạnh tài chính công được tích lũy từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc không ưu tiên quan tâm tới lợi nhuận ngắn hạn nếu các lợi ích chiến lược của họ được đảm bảo. Điều này càng dễ dàng cho việc Nhà nước điều phối nền kinh tế và là điều không thể tưởng tượng trong hệ thống tư bản mà phương Tây đang áp dụng.
Tháng 5/2018 vừa qua, Đại sứ EU tại WTO đã cho rằng những vấn đề của kinh tế thế giới hiện nay là do những cách thức sản xuất không dựa trên các nguyên tắc của thị trường. Kể từ 2001, Nhà nước Trung Quốc đã tiến hành nhiều chương trình bao cấp quy mô trong các ngành công nghiệp sắt thép, thủy tinh, giấy và các phụ tùng xe hơi. Và mặc dù Trung Quốc đã cam kết nỗ lực tự do hóa nền kinh tế nước họ, thì từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, sự thống trị của các doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc vẫn ngày càng được củng cố: hiện doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc chiếm gần 40% các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt và 80 – 90% thị phần trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Tóm lại, Trung Quốc đã phí công vô ích ca ngợi tự do thương mại và họ không hề quan tâm tới mở cửa thị trường. Được hỏi về sự ngây thơ của phương Tây, ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc WTO hồi tháng 6 vừa qua đã cho rằng: «Trung Quốc đã trả giá cho sự gia nhập WTO của họ đắt hơn nhiều các nước đang phát triển khác…». Cũng cần kể thêm ở đây vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ mà EU và Mỹ đang ngày một lên án Trung Quốc mạnh mẽ. Ngoài việc thị trường Trung Quốc khép chặt hơn bất cứ nơi đâu, các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt với đủ loại hăm dọa nếu không chuyển giao kiến thức và công nghệ của họ vào Trung Quốc.
Cuối cùng, kế hoạch «Made in China 2025» của Chính phủ Trung Quốc minh chứng rõ ràng cho các hành động mang tính địa phương cục bộ. Đối với các đối tác kinh tế của Trung Quốc, tại châu Âu cũng như tại Mỹ, kế hoạch này có thể mang lại những cơ hội, với điều kiện Trung Quốc tôn trong các nguyên tắc và luật lệ về mở cửa thị trường và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, kế hoạch này, với nội dung hiện nay, cho thấy sự trái ngược hoàn toàn: Chính phủ can thiệp một cách có hệ thống vào thị trường trong nước nhằm phát huy sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc và gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Mỹ và EU có lý do để giận dữ Trung Quốc. Ngày này, đã đến lúc phải tái cân bằng quan hệ thương mại và trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc, Mỹ và EU, đang đặt ra câu hỏi về cải tổ Tổ chức thương mại thế giới WTO. EU và Mỹ cũng cần phải kéo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và không để Trung Quốc lừa thêm một lần nữa.
(Nguồn: báo Les Echos, ĐSQ VN tại Pháp)