Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Vương quốc Thái Lan
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
- Hồng Công
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản
Thái Lan là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau In-đô-nê-xia.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Nông nghiệp: gạo, cao su, sắn, ngô, mía,…
Công nghiệp: du lịch, dệt may, chế biến nông sản, đồ uống, xi măng, sản xuất công nghiệp nhẹ, linh kiện điện tử, điện máy, ô tô và phụ tùng.
Du lịch, dịch vụ.
Thông tin về xuất nhập khẩu
Về xuất nhập khẩu
Các nhóm hàng xuất khẩu chính, gồm: Máy móc (bao gồm máy tính): 40,2 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; Máy điện và thiết bị điện: 34,1 tỷ USD, chiếm 14,4%; Phương tiện vận tải: 28,5 tỷ USD, chiếm 12,1%; Cao su, các sản phẩm bằng cao su: 16,3 tỷ USD, chiếm 6,9%; Đá, kim loại quý: 12,8 tỷ USD, chiếm 5,4%.
Các thị trường chính nhập khẩu hàng hóa của Thái lan (năm 2017) là: Trung Quốc: 29,4 tỷ USD, chiếm 12,4%; Hoa Kỳ: 26,5 tỷ USD, chiếm 11,2%; Nhật Bản: 22,3 tỷ USD, chiếm 9,4%; Hồng Kông: 12,3 tỷ USD, chiếm 5,2%; Việt Nam: 11,6 tỷ USD, chiếm 4,9%.
Các nhóm hàng nhập khẩu chính, gồm: Máy điện và thiết bị điện: 42,3 tỷ USD, chiếm 18,8%; Nhiên liệu khoáng (bao gồm dầu mỏ): 31,6 tỷ USD, chiếm 14,1%; Máy móc, bao gồm máy tính: 27,4 tỷ USD, chiếm 12,1%; Đá, kim loại quý: 15,3 tỷ USD, chiếm 6,8%; Sắt, thép: 1,6 tỷ USD, chiếm 4,7%.
Các đối tác xuất khẩu chính sang Thái Lan (năm 2017) gồm: Trung Quốc: 44,7 tỷ USD, chiếm 19,9%; Nhật Bản: 32,4 tỷ USD, chiếm 14,4%; Hoa Kỳ: 15,1 tỷ USD, chiếm 6,7%; Malaysia: 11,9 tỷ USD, chiếm 5,3%; Đài Loan: 8,2 tỷ USD, chiếm 3,6%.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Thái Lan là quốc gia có nền kinh tế hướng vào xuất khẩu với tỉ lệ xuất khẩu đóng góp tới 65% GDP. Giai đoạn 2008-2017, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Thái Lan sụt giảm (từ hạng 28 năm 2008 xuống hạng 34 năm 2017), tạo điều kiện cho các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thu hẹp khoảng cách với Thái Lan. Nhằm khôi phục, đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế và đưa đất nước thành quốc gia phát triển, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn Chiến lược quốc gia 20 năm (2017-2036) hướng tới cải cách cơ cấu toàn diện nền kinh tế, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, vốn nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh bình đẳng, năng lực cạnh tranh và cơ chế hành chính hiệu quả. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, Thái Lan sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nền kinh tế Thái Lan bằng chiến lược tiến tới kỹ thuật số “Thái Lan 4.0”, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ là một trong những trọng tâm chính.
Các lĩnh vực/ngành nghề ưu tiên
– Về công nghiệp: nổi bật là ngành công nghiệp dệt may, chế biến nông nghiệp, đồ uống, thuốc lá, xi măng, sản xuất đồ trang sức và những thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện, đồ gia dụng, nhựa, ô tô và linh kiện và chiếm khoảng trên 43% trong tổng GDP của Thái Lan.
– Về nông nghiệp: chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường như đào tạo kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức người nông dân được coi trọng. Do vậy, ngoài lúa gạo, các loại cây cho năng suất cao được tận dụng trồng cả ở các vùng đất hoang, khô cằn, núi dốc như ngô, sắn, cao su… Hiện lĩnh vực nông nghiệp đóng góp khoảng 12% trong tổng GDP của Thái Lan.
– Về du lịch dịch vụ: chính sách phát triển, quảng bá ngành du lịch rất bài bản và đạt hiệu quả cao, và hiện chiếm khoảng 45% trong GDP của Thái Lan.
Chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Thái Lan đang đối mặt với một số khó khăn kinh tế như: (i) sự phục hồi chậm của nền kinh tế; (ii) ngành hàng không gặp khó khăn do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn hàng không của các tổ chức quốc tế; (iii) ngành đánh bắt cá bị EU áp dụng mức phạt đối với việc đánh bắt trái phép; (iv) dự trữ khí gas, dầu sụt giảm liên tiếp trong vòng một thập niên; (v) sản lượng nông nghiệp giảm sút do tình hình hạn hán; (vi) chương trình cải cách thuế giúp tăng mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; (vii) lộ trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực.
Do đó, Chính phủ Thái Lan đang ban hành rất nhiều các chính sách và biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế như: các biện pháp kích thích, các nhóm phân vùng kinh tế và việc thông qua quỹ hỗ trợ 10 tỷ Bạt (khoảng 276 triệu USD) đối với 10 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển bao gồm ô tô thế hệ mới, điện tử thông minh, cơ khí và công trình, du lịch chữa bệnh, nông nghiệp và công nghệ sinh học, thức ăn, công nghiệp tự động, logistic và hàng không, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, kỹ thuật số, và dịch vụ y tế; thu hút đầu tư vào Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông trải dài trên 3 tỉnh khu vực phía Đông Thái Lan bao gồm Chonburi, Rayong, Chachoengsao với tham vọng xây dựng một khu công nghệ cao, dự kiến sẽ trở thành một trụ cột tăng trưởng kinh tế mới của Thái Lan và thậm chí của cả khu vực Đông Nam Á.
Các FTA chính hiện đang tham gia
– FTA song phương với các nước: Peru, NewZealand, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản.
– FTA Khu vực: ACFTA (ASEAN – Trung Quốc); ASEAN – Ấn Độ; ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Hàn Quốc; BIMSTEC (Hiệp định thương mại tự do Vịnh Bengal bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Bhutan và Nepal)
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Biện pháp phòng vệ thương mại được Thái Lan sử dụng nhiều nhất trong 10 năm qua là chống bán phá giá. Điển hình gần đây nhất là các đề xuất chống bán phá giá của ngành thép Thái Lan trước quyết định của Mỹ về việc đánh thuế cao đối với thép nhập khẩu.
Với hàng rào thuế quan, Thái Lan áp dụng mức thuế rất cao đối với tất cả hàng nhập khẩu. Về hàng rào phi thuế quan, Thái Lan thường có rất nhiều yêu cầu khắt khe về giấy phép hoặc những đòi hỏi về thủ tục nhập khẩu quá rườm rà. Ngoài ra, Thái Lan còn sử dụng các biện pháp không chế giá và cách tính thuế nhiều lần dựa trên một cấu trúc thuế rất phức tạp.
Các tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng được Thái Lan áp dụng một cách triệt để.
Các mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất chống bán phá giá là thép, hợp chất phthalic anhydride, a-xít-xi-trích, đèn hình màu, và thủy tinh khối. Đối tác bị áp dụng nhiều nhất là các nước EU và Mỹ.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Về thương mại
Quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan thời gian qua phát triển theo chiều hướng tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khả quan với mức tăng trung bình 15%/năm trong 10 năm trở lại đây, đạt 15,3 tỷ USD trong năm 2017 và phấn đấu đến năm 2020 đạt mức 20 tỷ USD. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong khối ASEAN.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thái Lan
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thái Lan, gồm: điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Thủy sản; Dầu thô; Xăng dầu các loại; Sản phẩm từ sắt thép; Sắt thép các loại; Dệt may.
Các mặt hàng chính của Thái Lan nhập khẩu sang Việt Nam, gồm: Sản phẩm điện gia dụng và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Linh kiện, phụ tùng ô tô; Ô tô nguyên chiếc; Xăng dầu các loại; Chất dẻo nguyên liệu; Rau quả; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hóa chất; Sản phẩm hóa chất.
Về đầu tư
Tính đến ngày 20/5/2018, Thái Lan có 493 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 127 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Trong 5 tháng đầu năm 2018, Thái Lan có 8 dự án được cấp mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 536 triệu USD, đứng thứ 7/86.
Các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết
– Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (11/01/1978);
– Hiệp định vận chuyển hàng không (11/01/1978);
– Hiệp định về thành lập Uỷ ban hỗn hợp hợp tác kinh tế, kỹ thuật (18/9/1991);
– Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (30/10/1991);
– Thỏa thuận hợp tác trong ngành công nghiệp khí tự nhiên (30/10/1991);
– Nghị định thư sửa đổi Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế kỹ thuật giữa Việt Nam – Thái Lan (16/01/1992);
– Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan (23/12/1992);
– Hiệp định hợp tác du lịch (16/3/1994).
Thủy sản
Hiện Thái Lan vừa là nước xuất khẩu, vừa là nước nhập khẩu thủy sản. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Thái Lan rất lớn. Về chủng loại mặt hàng, thị trường Thái Lan đang nhập khẩu nhiều một số sản phẩm thủy sản như cá hồi, cá ngừ, mực, cá thu, cá trích, một số loại cá da trơn, cá bạc má, tôm, cua biển, các loại có thủy sản vỏ cứng (ốc, sò…). Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng tương đối như cá tra phi lê đông lạnh, nhuyễn thể… có thể thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.
Nông, lâm sản
Thái Lan là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có các loại rau củ quả ra thế giới. Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu các loại như: súp lơ, rau cải, hành, tỏi, cải bắp, cà rốt, khoai tây, nấm, sắn, lê, cam, quýt, cà phê, ngũ cốc… Trong khi đó, nông sản Việt Nam rất đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng tương đối cao, giá thành rẻ, được rất nhiều nước trên thế giới và khu vực ưa chuộng. Chính phủ Thái Lan không áp dụng riêng các rào cản kỹ thuật, thương mại đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong đó có trái cây tươi. Vì vậy, để sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường này cần đảm bảo chất lượng cao ngay từ đầu vào, tạo được mối quan hệ hợp tác bền vững, nguồn cung sản phẩm ổn định, giá cả, chất lượng và tiêu chuẩn an toàn.
Một số mặt hàng của Việt Nam có cơ hội tìm được chỗ đứng tại thị trường Thái Lan:
– Sữa: Thị trường sữa Thái Lan hiện có giá trị khoảng gần 4 tỷ USD với mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cao hơn 2,3 lần so với Việt Nam. Hiện nay, Thái Lan chủ yếu nhập khẩu sữa từ New Zealand, Úc, Indonesia, Mỹ, và Hà Lan. Đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, việc xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% theo lộ trình giảm thuế của nước này trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
– Một số mặt hàng nông sản như thanh long, vải thiều đã bước đầu tìm được chỗ đứng tại thị trường Thái Lan. Kim ngạch xuất khẩu hai loại nông sản này đang gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài ra, bơ sáp Đà Lạt, khoai lang giống Nhật từ Việt Nam cũng rất được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Cà phê
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nguồn cung phong phú do diện tích trồng, canh tác cà phê lớn, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Công nghệ sản xuất, chế biến cà phê đã được cải thiện đáng kể, chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng Thái.
Cơ hội thị trường mở rộng do người Thái gần đây rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Việc tổ chức giới thiệu sản phẩm tại Thái Lan cũng được chú trọng thông qua tuần lễ hàng Việt Nam, hội chợ, triển lãm được tổ chức tại Thái Lan.
Chế biến, chế tạo
Gỗ, sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị và phụ tùng…
– Chính phủ Việt Nam luôn có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, định hướng cho thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
– Thái Lan là nước có ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tương đối phát triển trong đó nổi bật là ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp chế biến thực phẩm. Hiện nay, Thái Lan là địa chỉ sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất trong khu vực. Tại thời điểm hiện tại, trong khi chưa xây dựng được ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh, đủ khả năng sản xuất ô tô nguyên chiếc và có thương hiệu ô tô riêng thì Việt Nam có thể từng bước tập trung vào sản xuất các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ đang phát triển của Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng mà Thái Lan đang cần phục vụ cho ngành chế tạo tại Thái Lan, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô, hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại. Việc Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp này sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi nước.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều quy định mới đối với các hoạt động trao đổi thương mại để quản lý nhiều nhóm mặt hàng bao gồm: (i) lệnh cấm nhập khẩu đối với 8 nhóm mặt hàng; (ii) tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá; (iii) giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng đá quý và ngọc trai; (iv) áp dụng nhiều biện pháp quản lý thương mại xuất khẩu đối với mặt hàng hoa quả của các nhà kinh doanh Trung Quốc. Các quy định trên được ban hành với mục đích quản lý thị trường và nhiều nhóm mặt hàng tốt hơn.
Bộ Thương mại Thái Lan thông báo cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với 8 nhóm mặt hàng thuộc danh mục những nhóm mặt hàng nhạy cảm cần hạn chế trao đổi thương mại thông qua hình thức xuất nhập khẩu hoặc áp dụng quản lý như sau: (i) sản phẩm nhái và làm giả thương hiệu nổi tiếng; (ii) cát-xét ghi âm, đĩa CD, băng video, các chương trình máy tính, sách và các sản phẩm chứa nội dung sao chép và lưu sao có chỉnh sửa các sản phẩm bản quyền của người khác; (iii) thiết bị làm bằng thủy tinh hút thuốc hoặc tương tự bằng điện tử; (iv) máy đánh bạc, máy trò chơi đua ngựa, máy trò chơi Pachinko, máy sử dụng xèng và các loại máy chơi khác sử dụng xèng một phần hoặc toàn bộ; (v) voi; (vi) tượng hoặc các phần của Thần và Phật; (vii) cổ vật có nguồn gốc nước ngoài; và (viii) các chất kích thích.
Đối với mặt hàng thuốc lá, Chính phủ Thái Lan cũng quyết định tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá trong khoảng 5-10 Bạt/hộp. Quyết định này nhằm giảm lượng thuốc lá tiêu thụ. Mức điều chỉnh thuế mới dự kiến sẽ tăng ngân sách chính phủ khoảng 12 tỉ Bạt đối với năm tài khóa 2016 và dự kiến đạt 15 tỉ Bạt đối với năm tài khóa tiếp theo.
Đối với mặt hàng đá quý chưa xử lý đánh bóng, ngọc trai, Thái Lan thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng và áp dụng mức thuế giảm với đối tượng kinh doanh mặt hàng này nhằm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp trang sức của Thái Lan. Việc áp dụng mức giảm thuế 7% giá trị gia tăng đối với mặt hàng đá quý thô, các nhà nhập khẩu cá nhân cũng sẽ nhận được ưu đãi với mức thuế thu nhập cá nhân được tính dựa trên doanh thu bán đá quý chưa xử lý đánh bóng và ngọc trai. Mục tiêu của việc miễn thuế giúp giảm thiểu chi phí đối với người điều hành cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động trong nước thay vì sản xuất ở nước ngoài.
Đối với mặt hàng trái cây, các doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký với Bộ Thương mại Thái Lan và tuân thủ hợp đồng mua tiêu chuẩn. Biện pháp mới của Chính phủ Thái Lan nhằm quản lý các nhà kinh doanh đến từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Thái Lan cũng đề xuất với Ủy ban Trung tâm về Giá Sản phẩm và Dịch vụ bao gồm ngũ cố, nhãn, măng-cụt, và sầu riêng trong danh sách kiểm soát giá. Qui định này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Thái Lan nhằm tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu trái cây đang có xu hướng bị chi phối bởi nhiều nhà kinh doanh Trung Quốc.
Tham khảo website Cục Hải quan Thái Lan: www.en.customs.go.th
Website Bộ Thương mại Thái Lan: www.moc.go.th
Chính sách thuế và thuế suất
Hiện nay, theo cam kết về thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ngoại trừ các mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Thái Lan thì hầu hết hàng hóa từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sang Thái Lan đều được hưởng ưu đãi miễn thuế (0%). Thái Lan hiện chỉ áp dụng mức thuế 5% đối với 04 nhóm hàng và 07 mặt hàng bao gồm: (i) cây lấy hoa; (ii) khoai tây; (iii) cà phê; và (iv) cùi dừa.
Link tham khảo:
Quy định về bao bì, nhãn mác
Thái Lan là nước có ngành du lịch rất phát triển nên nhu cầu sử dụng các mặt hàng dùng làm thực phẩm, quà tặng rất lớn. Người Thái và du khách thích các sản phẩm nhỏ xinh, bao bì bắt mắt, nổi bật đặc trưng của sản phẩm. Bao gói nên được làm bằng chất liệu đảm bảo và có khả năng chịu nhiệt và chịu ẩm.
Nhãn mác: Chính phủ Thái Lan có những quy định rất chặt chẽ về nhãn mác đối với các sản phẩm bơ sữa, đồ ăn cho trẻ em, đồ ăn đóng hộp, dấm, các loại nước giải khát, dầu ăn, thuốc súng. Trong đó, thực phẩm là mặt hàng thông thường có nhiều tiêu chuẩn điển hình đối với nhãn mác. Thực phẩm phải được đăng ký và cấp phép bởi cơ quan quản lý dược và thực phẩm Thái Lan (FDA), theo đó nhà đăng ký sản phẩm phải cung cấp các mẫu sản phẩm chứa đầy đủ và chi tiết về thành phần. Thực phẩm nhập khẩu cần thể hiện đầy đủ bằng tiếng Thái
Link tham khảo: http://www.fda.moph.go.th/sites/fda_en/SitePages/Food.aspx?IDitem=LawsAndRegulations
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Thực phẩm nhập khẩu vào Thái Lan phải đáp ứng Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp Thái Lan (Thai Agricultural Standard – TAS) gồm các tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh dịch tễ đối với sức khỏe của con người, động thực vật. Tùy vào mặt hàng cụ thể mà hàng hóa khi xuất sang Thái Lan sẽ phải có có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thú y hay giấy chứng nhận về quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh (Pets Risk Analysis – PRA) do Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan) cấp.
Tất cả các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Thái Lan, nhãn mác phải được ghi bằng tiếng Thái cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm như tên và nhãn hiệu sản phẩm (tên sản phẩm và tên thương mại); số giấy phép đăng ký; tên và địa chỉ nhà sản xuất; tên và địa chỉ nhà nhập khẩu; ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng sản phẩm; số lượng và trọng lượng tịnh; hướng dẫn sử dụng. Nhãn mác của sản phẩm thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng phải được cấp phép bởi Cơ quan quản lý về Thực phẩm và Dược phẩm.
Link tham khảo: http://www.acfs.go.th/eng/commodity_standard.php
Quyền sở hữu trí tuệ
Trong những năm qua, chính sách pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Thái Lan đã có những bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn bị đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Thái Lan tiếp tục gia tăng. Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật của Thái Lan đã sớm có các quy định về quyền sở hữu nói chung, quyền SHTT và thực thi quyền SHTT nói riêng. Thái Lan cũng là quốc gia tham gia hơn 20 công ước, hiệp ước quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp quy định về SHTT và thực thi quyền SHTT.
Hoạt động thực thi quyền SHTT ở Thái Lan thuộc nhiệm vụ của nhiều cơ quan khác nhau: Cục SHTT Thái Lan; Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế (CIPIT); Hải quan Hoàng gia Thái Lan.
Riêng đối với nhóm hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, việc cấm trao đổi hàng hóa thể hiện quyết tâm gần đây của Chính phủ Thái Lan mong muốn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế , bước đệm cần thiết để chuẩn bị cho việc tham gia đàm phán Hiệp định CPTPP.
Đường link tham khảo: https://www.ipthailand.go.th/en/home-eng.html
Tập quán kinh doanh
Người Thái giao tiếp theo nghi thức và họ coi trọng các cử chỉ khi giao tiếp. Họ coi trọng người có vị trí cao trong xã hội và người lớn tuổi. Khi giao tiếp với mọi người, hãy luôn giữ thái độ kính trọng và lịch sự, điều này sẽ tạo nên những mối quan hệ hoà hợp, và đây cũng chính là yếu tố rất quan trọng khi kinh doanh tại Thái Lan.
Những mối quan hệ được xem trọng trong công việc kinh doanh tại Thái Lan. Tạo dựng mối quan hệ thân thiết, chân tình là yếu tốt quan trọng và cần thiết nếu muốn thành công trong việc làm ăn, kinh doanh tại Thái Lan.
Chức vụ và thâm niên trong công việc cũng là điều rất quan trọng, do đó nên cử đại diện có chức vụ ngang tầm khi gặp đối tác.
Các mối quan hệ lẫn nhau trong giới kinh doanh, hoặc với quan chức chính quyền hay giới ngoại giao và doanh nhân nước ngoài tại Thái Lan được coi là các yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin của đối tác, cũng như việc duy trì chất lượng và hình ảnh của doanh nghiệp. Người Thái thích hợp tác làm việc với những người họ kính trọng, quan chức cao cấp và người nước ngoài.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: +84-24-22205425
Fax: +84-24-22205518
Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam
Địa chỉ: 26 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: (84) 24 3823 5092-4
Fax: (84) 24 38235088
Email: thaihan1@fpt.vn
Website: http://www.thaiembassy.org/hanoi/
Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 77 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (44-28) 3932-7637
Fax: (84-28) 3932-6002
E-mail: thaihom@mfa.go.th
Tại Thái Lan
Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan
83/1 Wireless Road, Lumpini, Pathumwan, Bangkok 10330
Tel: +(66) (0) 22513352 (ext. 118);
Email: th@moit.gov.vn
Website: https://vnembassy-bangkok.mofa.gov.vn