Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
- Hồng Công
Pakistan là nước có nền kinh tế kém phát triển và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu. 40% dân số Pakistan làm nông nghiệp nhưng nông nghiệp chỉ đóng góp 20% GDP. Các vấn đề an ninh, nạn thiếu điện trầm trọng, nạn tham nhũng và thủ tục hành chính quan liêu là những nguyên nhân cản trở đầu tư trong nước và nước ngoài.. Sản phẩm xuất khẩu chính của Pakistan là dệt may, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu. Thâm hụt cán cân thương mại ngày càng lớn và kéo dài làm cho Pakistan ngày càng phụ thuộc vào các khoản viện trợ, vay nợ, kiều hối để cân bằng cán cân thanh toán quốc gia. Nợ công chiếm hơn 80% GDP, trong đó nợ nước ngoài hơn 30% GDP. Cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và vệ sinh môi trường lạc hậu. Sự phát triển con người tụt hậu so với hầu hết các nước trong khu vực. Từ năm 2013 Trung Quốc triển khai chương trình “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” (CPEC) với cam kết đầu tư 60 tỷ USD vào các dự án về năng lượng và cơ sở hạ tầng, đem lại hy vọng cú hích phát triển cho Pakistan nhưng cũng tăng nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Thông tin về GDP và lạm phát
Về GDP:
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Pakistan đạt 5,5 % năm 2018, 5,8 % năm 2019, 6 % năm 2020.
Về lạm phát:
Một số ngành kinh tế trọng điểm:
Nông nghiệp:
Nông nghiệp là ngành kinh tế chính, đóng góp 18,9% GDP và tạo việc làm cho 42,3% lực lượng lao động, là nguồn thu ngoại tệ, động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác. Sản phẩm nông nghiệp chính gồm: bông với sản lượng khoảng 13 triệu kiện, mía 70 triệu tấn, gạo 7 triệu tấn, ngô 5 triệu tấn, lúa mỳ 26 triệu tấn, bò 46 triệu con, trâu 39 triệu con, cừu 31 triệu con, dê 74 triệu con, lạc đà 1,1 triệu con, gà 87 triệu con, sữa 58 triệu tấn, thủy sản 482 nghìn tấn. Sản xuất nông nghiệp một mặt khá phát triển về kỹ thuật: Hệ thống kênh mương thủy lợi rất phát triển, lớn nhất thế giới. Cơ giới hóa nông nghiệp ở mức cao. Mặt khác hệ thống sở hữu đất, tổ chức sản xuất khá lạc hậu: Đất chủ yếu thuộc về các điền chủ và hộ gia đình. Tổ chức sản xuất manh mún, chia cắt.
Dệt may:
Pakistan đứng thứ tư thế giới về sản lượng bông và đứng đầu thế giới về sản xuất sợi bông. Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Pakistan, chiếm 1/4 giá trị tổng sản lượng công nghiệp và 40% lực lượng lao động công nghiệp, 60% kim ngạch xuất khẩu. Pakistan có 517 nhà máy sợi với hơn 13 triệu cọc sợi và 200 nghìn suốt lắp đặt trong đó hơn 11 triệu cọc sợi và 127 nghìn suốt đang vận hành. Dệt vải có hơn 9 nghìn máy với quy mô công nghiệp và hơn 6 nghìn máy tại các xưởng dệt nhỏ lẻ. Tổng sản lượng vải là hơn 6 tỷ m2 trong đó xuất khẩu 1,4 tỷ m2. Khu vực may mặc có nhóm hàng thổ cẩm thu hút hơn 1 triệu lao động, quần áo may sẵn với 26 triệu tá sản phẩm xuất khẩu, nhóm hàng khăn tắm với trên 10 nghìn khung dệt, vải bạt với trên 100 triệu m2. Có thế mạnh về bông, vải bông, sợi bông, khăn tắm, nhưng Pakistan lại rất yếu về sản xuất một số nguyên liệu cho ngành dệt may. Vì vậy Pakistan có nhu cầu rất cao về sợi tổng hợp, hóa chất dệt nhuộm.
Dược phẩm và dụng cụ y tế:
Ngành dược Pakistan khá phát triển với hơn 700 công ty dược, trong đó có 27 công ty thuộc các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, cung cấp đầy đủ thuốc cho thị trường nội địa và có khả năng xuất khẩu. Ngành dược sản xuất được tất cả các dòng thuốc, trong đó nhóm thuốc kháng khuẩn chiếm 26,6%, nhóm tiêu hóa vào trao đổi chất chiếm 21,4%, nhóm thần kinh 20,6 %, nhóm hô hấp 7,6%, nhóm tim mạch 7,1%, nhóm vận động 7,1%. Tuy nhiên Pakistan vẫn phải nhập khẩu 95% nguyên liệu cho ngành dược. oàn bộ thuốc được sản xuất theo bản quyền mua của nước ngoài.
Ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ y tế của Pakistan có lịch sử hơn 100 năm, tập trung chủ yếu tại thành phố Sialkot (Pakistan). Hiệp hội Dụng cụ Phẫu thuật Pakistan hiện có 3.600 doanh nghiệp thành viên với hơn 150 nghìn công nhân lành nghề chế tạo ra hơn 10 nghìn loại sản phẩm thuộc các nhóm dụng cụ phẫu thuật, giường tủ bệnh viện, dụng cụ nha khoa, dụng cụ vệ sinh, dụng cụ chăm sóc sắc đẹp, dụng cụ trợ thở, dụng cụ trợ tim, sản phẩm hỗ trợ và thay thế các bộ phận cơ thể người… Tổng kim ngạch xuất khẩu dụng cụ y tế của Pakistan đạt gần 500 triệu USD.
Công nghiệp khai khoáng:
Trữ lượng dầu mỏ của Pakistan ước đạt 350 triệu thùng, sản lượng khai thác 25 triệu thùng/năm, nhập khẩu 6 triệu thùng. Trữ lượng khí tự nhiên ước đạt 550 tỷ m3, sản lượng 40 tỷm3, nhập khẩu 1,5 tỷ m3. Mỏ than khổng lồ ở Thar (tỉnh Sindh) lớn thứ 6 thế giới với trữ lượng 175 tỷ tấn. Mỏ đồng và kim loại quý ở Chagai (Baluchistan), Waziristan và Gilgit-Baltistan. Mỏ đá hoa cương và granit, đất hiếm và các-bô-nát ở Khyber Pakhtunkhwa. Mỏ đá quý ở Khyber Pakhtunkhwa, Ah Jamur & Kashmir, Gilgit-Baltistan. Mỏ muối ở Punjab. Tổng Công ty Khoáng sản Trung quốc đang khai thác đồng và vàng tại dự án Saindak, chì kẽm tại Dudar (Baluchistan). Tập đoàn đa quốc gia Tethyan Copper Company (TCC) đã thăm dò xong mỏ Chagi Baluchistan.
Hàng không:
Vận tải hàng không Pakistan khá phát triển với 5 hãng hàng không, 151 sân bay (đứng thứ 37 thế giới), vận chuyển 22 triệu hành khách trên tổng số dân hơn 200 triệu người tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn và gần 320 nghìn tấn hàng hóa. Tổ chức vận tải hàng không thế giới (IATA) dự báo vận tải hàng không Pakistan sẽ tăng trưởng 10%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thế giới trong 20 năm tới. Tháng 7/2017, Hãng Hàng không Vietjetair đã ký hợp đồng cho PIA thuê ướt (thuê máy bay cùng toàn bộ phi công, kỹ thuật viên, tiếp viên) 4 máy bay với thời hạn 3 tháng, sau đó gia hạn thêm 3 tháng. Ngay sau khi kết thúc hợp đồng với Hãng Hàng không Quốc gia Pakistan Vietjetair đã ký được hợp đồng với hãng hàng không Air Blue – hãng hàng không tư nhân lớn thứ hai Pakistan, cho thuê ướt 3 máy bay với thời hạn 18 tháng bắt đầu từ tháng 01/2018.
Thông tin về xuất nhập khẩu:
Về xuất khẩu:
Đối tác chính: Hoa kỳ (16,27%), Anh (7,56%), Trung quốc (7,26%), Afghanistan (6,84 %), Đức (6,03%), Tây Ban Nha (4,47%), Hà Lan (3,65%), U.A.E. (3,6%), Bỉ (3,3%), Ý (3,15%).
Về nhập khẩu:
Đối tác chính: Trung Quốc (26,54%), U.A.E. (12,91%), A-rập Xê-út (5,36%), Hoa kỳ (4,45%), Indonesia (4,42%), Nhật (4,20%), Qatar (2,9%), Cô-oét (2,67%), Ấn độ (2,4%), Thái lan (2,25 %).
Thông tin chi tiết xin xem phụ lục 1,2,3,4.
Về đầu tư:
Chính sách đầu tư của Pakistan thông thoáng nhất khu vực Nam Á. Pakistan có vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và an ninh phức tạp, hạ tầng kém phát triển, đặc biệt là nạn thiếu điện, nên đầu tư nước ngoài tại Pakistan không cao.
FDI THEO ĐỐI TÁC (COUNTRY WISE NET FDI)
FDI THEO LĨNH VỰC (SECTOR WISE NET FDI)
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư:
Pakistan chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu với 4 nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiêu chuẩn hóa; Cải cách môi trường chính sách; Mở cửa thị trường.
Chiến lược “Tầm nhìn 2025” với mục tiêu đến năm 2047 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Pakistan) Pakistan lọt vào tốp 10 nước phát triển nhất thế giới. Chiến lược vạch ra 6 định hướng: (i) Phát triển nguồn lực con người và xã hội; (ii) Phát triển bền vững, tự cường và phổ quát; (iii) Cải cách hành chính,thể chế và hiện đại hóa khu vực công; (iv) An ninh năng lượng, nước và lương thực; (v) Lấy khu vực tư nhân và lập nghiệp làm động lực phát triển; (vi) Phát triển nền kinh tế tri thức cạnh tranh dựa trên các quá trình gia tăng giá trị; (vii) Hiện đại hóa hạ tầng vận tải và tăng cường kết nối khu vực.
Về Thương mại
Bộ Thương mại Pakistan đề ra chiến lược khung chính sách thương mại 2015-2018 với các nội dung chính sau đây:
(1) Bốn định hướng chính: Tinh vi hóa và đa dạng hóa sản phẩm; Mở cửa thị trường; Tăng cường và phát triển thể chế; Xúc tiến thương mại.
(2) Đẩy mạnh xuất khẩu với 4 nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiêu chuẩn hóa; Cải cách môi trường chính sách; Mở cửa thị trường.
(3) Các mục tiêu đặt ra: Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu; Chuyển từ nền kinh tế lấy ngành làm động lực sang nền kinh tế lấy hiệu quả và sáng chế làm động lực; Tăng thị phần trong thương mại vùng.
(4) Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục và ngân sách.
(5) Tập hợp ý kiến của tất cả các thành phần kinh tế.
(6) Sự lạc hậu về công nghệ là nguyên nhân chính kìm hãm phát triển. Vì vậy, nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ sẽ được khuyến khích và hỗ trợ.
(7) Khuyến khích phát triển và hỗ trợ các nhóm mặt hàng xuất khẩu tiềm năng: Da, dược phẩm, thủy sản, dụng cụ y tế.
(8) Khuyến khích và hỗ trợ phát triển thương hiệu trong sản xuất dụng cụ y tế, dụng cụ thể thao và đồ dùng nhà bếp là các nhóm mặt hàng đang bị kìm hãm bởi các thương hiệu nước ngoài.
(9) Khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng ngoài dệt may bằng cách giảm chi phí kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh thông qua hoàn thuế/phí.
(10) Khuyến khích và hỗ trợ phát triển chế biến nông sản thông qua cấp vốn nhập khẩu máy móc thiết bị.
(11) Tăng xuất khẩu vào EU thông qua tuyên truyền phổ biến nội dung 27 cam kết phải tuân thủ để được hưởng chế độ ưu đãi GSP+.
(12) Chú trọng phát triển thị trường châu Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), châu Mỹ La tinh.
(13) Tiếp tục triển khai chiến lược ngoại giao thương mại 3 mũi (đa phương, khu vực, song phương) để mở cửa thị trường, theo đó:
- Đa phương: Tham gia các thỏa thuận ưu đãi thương mại, công nghệ thông tin, mua sắm chính phủ
- Khu vực: Tăng cường mở cửa thị trường qua các thỏa thuận khu vực GCC, ASEAN, SAARC, Afghanistan và CARs.
- Song phương: đàm phán với Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nigeria và Jooc-đa-ni.
(14) Phát triển thương mại nội vùng Nam Á và Trung Á.
(15) Tái cơ cấu Bộ Thương mại.
(16) Chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao.
(17) Nâng cao năng lực các tổ chức chuyên ngành thương mại.
(18) Lập Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm, mỹ phẩm và gạo.
(19) Lập tổ công tác dịch vụ đường sắt phục vụ xuất khẩu.
(20) Mở chiến dịch thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm (gạo basmati, rau quả, thịt, đồ trang sức) trên 4 thị trường (I-ran, Trung Quốc, Afghanistan, châu Âu).
(21) Sửa đổi chính sách nhập khẩu.
Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên:
- An ninh năng lượng, nước và lương thực.
- Phát triển nền kinh tế trI thức cạnh tranh dựa trên các quá trình gia tăng giá trị;
- Hiện đại hóa hạ tầng vận tải và tăng cường kết nối khu vực.
- Khuyến khích phát triển và hỗ trợ các nhóm mặt hàng xuất khẩu tiềm năng: Da, dược phẩm, thủy sản, dụng cụ y tế.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển thương hiệu trong sản xuất dụng cụ y tế, dụng cụ thể thao và đồ dung nhà bếp là các nhóm mặt hàng đang bị kìm hãm bởi các thương hiệu nước ngoài.
- Khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng ngoài dệt may bằng cách giảm chi phí kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh thông qua hoàn thuế/phí.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển chế biến nông sản thông qua cấp vốn nhập khẩu máy móc thiết bị.
- Mở chiến dịch thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm (gạo basmati, rau quả, thịt, đồ trang sức) trên 4 thị trường (I-ran, Trung Quốc, Afghanistan, châu Âu).
Các đối tác thương mại ưu tiên:
- Tăng xuất khẩu vào EU thông qua tuyên truyền phổ biến nội dung 27 cam kết phải tuân thủ để được hưởng chế độ ưu đãi GSP+.
- Chú trọng phát triển thị trường châu Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), châu Mỹ La tinh.
- Tăng cường mở cửa thị trường đa phương qua các thỏa thuận khu vực GCC, ASEAN, SAARC, Afghanistan và CARs.
- Đàm phán song phương với Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nigeria và Jooc-đa-ni.
- Phát triển thương mại nội vùng Nam Á và Trung Á.
Về đầu tư:
Mục tiêu:
- Tăng trưởng trung bình 7-8 %/năm.
- Đảm bảo việc làm cho dân số tăng nhanh và đô thị hóa (230-260 triệu dân năm 2030).
- Xây dựng nền kinh tế tri thức và ưu tiên phát triển nguồn lực con người.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế từ vị trí 118/142 nước (2011-2012) lên vị trí 50/142 nước (2030).
7 Chương trình hành động:
(1) Hoạch định chính sách & đối thoại công-tư (PPD);
(2) Chiến dịch xúc tiến đầu tư;
(3) Hỗ trợ đầu tư (thủ tục 1 cửa);
(4) Phát triển các đặc khu kinh tế;
(5) Hệ thống điều phối liên Bộ;
(6) Tổ chức lại và phát triển năng lực của Tổng cục Đầu tư;
(7) Trao quyền tự chủ tài chính cho Tổng cục Đầu tư.
Vùng mục tiêu thu hút đầu tư:
- Hoa Kỳ (hiện chiếm 25,4 % FDI).
- Đông Nam Á (chủ yếu là Malaysia & Hongkong: 20,5%).
- EU (chủ yếu là Anh & Hà Lan: 12,8%).
- Trung Đông (chủ yếu là UAE và Ả-rập Xê-út: 12,3%).
Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư:
- Hạ tầng-viễn thông.
- Công nghiệp chế tạo (dệt, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, cơ khí).
- Năng lượng.
- Khai khoáng & thăm dò.
- Xây dựng & bất động sản.
- Ô tô.
- Nông nghiệp-Chăn nuôi-Sữa-Thủy sản.
Các chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh:
- Cải cách hành chính và thể chế và hiện đại hóa khu vực công.
- Lấy khu vực tư nhân và lập nghiệp làm động lực phát triển;
- Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục và ngân sách.
- Tập hợp ý kiến của tất cả các thành phần kinh tế.
- Tái cơ cấu Bộ Thương mại.
- Nâng cao năng lực các tổ chức chuyên ngành thương mại.
- Lập hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm mỹ phẩm và gạo.
- Lập tổ công tác dịch vụ đường sắt phục vụ xuất khẩu.
- Sửa đổi chính sách nhập khẩu.
Các Hiệp định, thỏa thuận chính hiện đang tham gia:
- Khu vực Thương mại tự do khối các nước Nam Á SAARC (SAFTA):- Tổ chức Đại hội Hồi giáo (OIC):- Nhóm 8 nước đang phát triển (D-8):
Hiệp định chưa được phê chuẩn.
- Thỏa thuận Ưu đãi Thương mại giữa các nước Trung Á (ECO): Thỏa thuận này không bao gồm lĩnh vực dịch vụ và vẫn chưa được phê chuẩn.
- Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) Pakistan-Iran: – Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) Pakistan- Indonesia: – Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) Pakistan- Mauritius: – Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan-Malaysia: – Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan-Trung Quốc:
Hiệp định này đang được đàm phán lại.
- Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan- Sri Lanca.
- Hiệp định Thương mại Quá cảnh Pakistan-Afghanistan (APTTA)
Các FTAs đang đàm phán:
- Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan- Thái Lan.
- Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan- Iran.
- Hiệp định thương mại tự do (FTA) Pakistan- Thổ Nhĩ Kỳ
Năm 2010, Pakistan và Afghanistan ký và ký lại năm 2013. Hàng hóa Ấn độ không được phép quá cảnh.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng:
Một số biện pháp phòng vệ thương mại sử dụng nhiều nhất
Điều tra, áp thuế chống bán phá giá:
Năm 2013 Pakistan khởi động điều tra chống bán phá giá và áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm kem thực vật nhập khẩu từ Việt nam do Công ty TNHH Tân Nhất Hương (TP. Hồ Chí Minh sản xuất). Sau khi kết thúc điều tra Ủy ban Thuế quan Pakistan kết luận Công ty TNHH Tân Nhất Hương không bán phá giá và dỡ bỏ thuế chống bán phá giá.
Ngày 8/2/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá vĩnh viễn đối với sản phẩm tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung quốc với mức 7-47% .
Ngày 15/2/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan tuyên bố sản phẩm sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia bán phá giá với mức 4-13% nhưng quyết định không áp thuế chống bán phá giá tạm thời.
Ngày 18/2/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm gạch men nhập khẩu từ Trung Quốc với mức 5-59% trong thời hạn 4 tháng.
Ngày 22/2/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá vĩnh viễn đối với sản phẩm sợi bông nhập khẩu từ Ấn Độ với mức 5-15%.
Ngày 28/2/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm bìa giấynhập khẩu từ Trung Quốc với mức 5-32% trong thời hạn 4 tháng.
Ngày 12/5/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm bìa giấynhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc với mức 13-15% trong thời hạn 4 tháng.
Ngày 23/5/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép dùng cho bê tông dự ứng lực nhập khẩu từ Trung Quốc với mức 53% trong thời hạn 180 ngày.
Ngày 25/5/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm a-xít xun-phô-nic nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Đài Loan với mức 3-38% trong thời hạn 180 ngày.
Ngày 31/5/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm Phthalic Anhydride (2917.3500) nhập khẩu từ Nga với mức 14% trong thời hạn 180 ngày.
Ngày 9/6/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với tôn tráng mầu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 13/6/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm hạt nhựa PVC nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Thái lan với mức 32-37% trong thời hạn 180 ngày.
Ngày 22/6/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan áp thuế chống bán phá giá vĩnh viễn đối với sản phẩm phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc với mức 24%.
Điều tra áp dụng biện pháp trả đũa:
Ngày 18/1/2017 Ủy ban Thuế quan Pakistan kết luận sản phẩm sợi bông nhập khẩu từ Ấn Độ được nhà nước trợ cấp và quyết định áp thuế chống trợ cấp tạm thời với mức 27-56% trong thời hạn 4 tháng. (Nguồn: Ủy ban Thuế quan Quốc gia Pakistan: https://ntc.gov.pk/)
Các hàng rào kỹ thuật chính đối với thương mại
Rào cản kỹ thuật:
Cá basa: Tháng 12/2017, Sở Lương thực Thực phẩm tỉnh Punjab (Pakistan) mở chiến dịch kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết luận của Trung tâm tâm Kiểm tra chất lượng Quốc tế về mẫu cá basa bị nhiễm mốc và vi khuẩn listeria và cá bị nhiễm nước bẩn, Sở Lương thực Thực phẩm tỉnh Punjab khuyến cáo người tiêu dùng không ăn cá basa và cấm các cơ sở thương mại buôn bán sử dụng cá basa.
Cơm dừa: 100 % lô hàng cơm dừa, cùi dừa nhập khẩu từ Việt nam bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch đối với sâu đục thân dừa.
Rào cản thương mại:
Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sau khi đã mở tờ khai hải quan thì không được phép tái xuất nếu không có sự đồng ý của người mở tờ khai.
Các đối tác và mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp trên
- Đối tác: Trung quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Iran, Ấn độ.
- Mặt hàng: Gạch men, hóa chất, sợi tổng hợp, sắt thép, giấy.
Số lượng các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện.
- Pakistan kiện các nước khác (5 vụ); Mỹ (cấm nhập khẩu tôm; áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sợi bông); Ai Cập (áp thuế chống bán phá giá lên diêm); EU (áp dụng biện pháp trả đũa lên sản phẩm hạt nhựa PET); Nam Phi (áp thuế chống bán phá giá lên xi măng).
- Pakistan bị các nước khác kiện (4 vụ): Mỹ (bản quyền dược phẩm & hóa chất nông nghiệp), EC (trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm da), Indonesia (áp thuế chống bán phá giá và trả đũa lên sản phẩm giấy), UAE (áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm màng phim).
- Pakistan là bên thứ ba trong các vụ kiện: 10 vụ.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại:
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TỪ PAKISTAN VÀO VIỆT NAM
KIM NGẠCH NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM VÀO PAKISTAN
Đầu tư:
Tính đến hết tháng 12/2017, Pakistan có 31 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 28,73 triệu USD. Các dự án đầu tư của Pakistan chủ yếu trong các ngành dệt may, chế biến nông sản, chế biến cao su.
Việt Nam không có dự án đầu tư nào tại Pakistan.
(Nguồn: Cục Đầu tư Nước ngoài Việt nam: http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5455/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-12-thang-nam-2017)
Xuất khẩu lao động, dịch vụ:
Hiện có hơn 30 lao động Việt Nam làm việc tại 3 nhà máy chế biến cá của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại thành phố Karachi, Pakistan.
Tháng 7/2017, hãng Hàng không Vietjet Air ký hợp đồng cho PIA thuê ướt (thuê máy bay cùng toàn bộ phi công, kỹ thuật viên, tiếp viên) 4 máy bay với thời hạn 3 tháng, sau đó gia hạn thêm 3 tháng. Ngay sau khi kết thúc hợp đồng với Hãng Hàng không Quốc gia Pakistan Vietjet Air đã ký được hợp đồng với hãng hàng không Air Blue là hãng hàng không tư nhân lớn thứ hai Pakistan cho thuê ướt 3 máy bay với thời hạn 18 tháng bắt đầu từ tháng 1/2018.
Một số thỏa thuận song phương đã ký kết:
- Hiệp định Thương mại (5/2001),
- MOU về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam-Pakistan (4/2002);
- Tuyên bố chung Việt Nam-Pakistan (3/2004);
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/2004);
- Hiệp định khung về Hợp tác về Khoa học, Công nghệ (3/2004);
- MOU về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung Ương Pakistan (3/2004).
- MOU về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Pakistan (3/2004).
- Hiệp định hợp tác phát triển nghề cá và môi trường thuỷ sản (6/2006);
Hàng hóa xuất khẩu:
Chè: Pakistan có nhu cầu nhập khẩu lớn và ổn định lâu dài đối với mặt hàng chè. Yêu cầu của thị trường phù hợp với năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt nam. Chè xuất khẩu sang Pakistan chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt nam. Tuy nhiên Việt nam chỉ chiếm 2,11% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của Pakistan. Các đối thủ cạnh tranh của Việt nam là Kenya (79,72%), Rwanda (6,68%), Burundi (2,57%), Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia. Thách thức đối với Việt nam là năng lực sản xuất và cơ cấu sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hạt tiêu Việt nam chiếm vị trí số 1 trên thị trường Pakistan (46 %) mặc dù chỉ chiếm 1,6 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cá tra phi-lê xuất khẩu của Việt nam thống lĩnh thị trường Pakistan (93 %) mặc dù chỉ chiếm 0,0005 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam.
Hạt điều có nhu cầu ổn định nhưng Việt nam mới chỉ chiếm được 16 % thị phần. Thách thức đối với Việt nam là mới chỉ xuất khẩu được nhân điều thô, chưa có sản phẩm hạt điều chế biến phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cao su Việt nam chỉ chiếm được 12 % thị phần. Thách thức đối với Việt nam là khả năng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng để giành được hợp đồng cung cấp cho các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô.
Cơm dừa Việt nam chỉ chiếm được 0,14 % thị phần, trong khi xuất khẩu cơm dừa của Việt nam đang vướng rào cản kỹ thuật (Pakistan yêu cầu kiểm dịch 100%) .
Xơ sợi dệt các loại Pakistan nhập khẩu 1,6 tỷ USD nhưng Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 20 triệu USD, chiếm 0,01% thị phần.
Hóa chất Pakistan nhập khẩu 2,4 tỷ USD nhưng Việt nam mới xuất khẩu được 2,5 triệu USD, chiếm thị phần 0,001 %.
Điện, điện tử có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên hàng Việt nam chưa cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
Hàng hóa nhập khẩu:
Pakistan là nguồn cung cấp nguyên liệu cho 1 số ngành sản xuất quan trọng của Việt nam, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản. Pakistan đứng thứ tư thế giới về bông và đứng đầu thế giới về sợi bông. Pakistan hiện là nguồn cung cấp chính cho Việt Nam bông nguyên liệu cho ngành dệt khăn tắm, khăn ăn xuất khẩu đi Nhật Bản. Pakistan có ngành thuộc da rất phát triển, cung cấp cho Việt nam nguyên liệu da cao cấp để sản xuất giầy xuất khẩu đi Mỹ và EU. Gần đây Pakistan nổi lên là nguồn cung cấp nguyên liệu thủy sản giá trị cao cho Việt Nam để chế biến hàng thủy sản cao cấp xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản.
Công nghiệp:
Pakistan đang nỗ lực đầu tư phát triển ngành điện và nhận được nhiều nguồn vốn quốc tế. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và năng lực về xây dựng thủy điện và phát triển hệ thống truyền tải điện. Nhiều doanh nghiệp Việt nam được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á tín nhiệm giới thiệu tham gia đấu thầu các dự án điện. Hiện có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Long đã thắng thầu cung cấp cột điện và phụ kiện.
Vận tải hàng không khá phát triển tại Pakistan nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hơn 200 triệu dân tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Tổ chức vận tải hàng không thế giới (IATA) dự báo vận tải hàng không Pakistan sẽ tăng trưởng 10%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thế giới trong 20 năm tới. Năm 2017 Hãng Hàng không Vietjetair ký hợp đồng cho Hãng Hàng không Quốc gia Pakistan (PIA) thuê ướt 4 máy bay với thời hạn 3 tháng, sau đó gia hạn thêm 3 tháng và sau khi kết thúc hợp đồng với PIA đã ký tiếp hợp đồng cho hãng hàng không Air Blue là hãng hàng không tư nhân lớn thứ hai Pakistan cho thuê ướt 3 máy bay với thời hạn 18 tháng bắt đầu từ tháng 1/2018.
Du lịch:
Pakistan mặc dù là nước chậm phát triển, khó khăn nhưng 30 % dân số thuộc tầng lớp trung lưu trở lên , số lượng khách du lịch ra nước ngoài khá lớn, đặc biệt là do tình hình trong nước khó khăn, đi nước ngoài luôn luôn được lựa chọn cho hầu hết các hoạt động quan trọng trong đời sống. Khách du lịch Pakistan có thể là đi du lịch kết hợp buôn bán, du lịch kỳ nghỉ, tập đoàn lớn tổ chức hội nghị, chăm sóc khách hàng ở nước ngoài, trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa ở nước ngoài, du lịch tuần trăng mật .v.v. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch Pakistan.
Đầu tư:
Đầu tư của Pakistan tại Việt Nam tuy không lớn nhưng các dự án đầu tư vào các ngành sử dụng nguyên liệu địa phương (dự án sản xuất găng tay y tế từ cao su tự nhiên), sử dụng nhiều lao động (dự án dệt may), tăng xuất khẩu (chế biến nông sản). Do tình hình chính trị và an ninh phức tạp tại Pakistan nên các nhà đầu tư Pakistan có xu hướng đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt nam.
Lao động:
Nhu cầu nhập khẩu lao động có tay nghề trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản của Pakistan có xu hướng tăng. Hiện có 25 lao động Việt nam làm việc tại 2 nhà máy chế biến cá của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại thành phố Karachi, Pakistan.
Các quy định về xuất nhập khẩu
– Doanh nghiệp Pakistan muốn tham gia hoạt động xuất nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (1)phải có mã số thuế đăng ký tại cơ quan thuế nơi đóng trụ sở; (2)phải đăng ký thành viên tại Phòng thương mại nơi đóng trụ sở; (3) phải đăng ký nội thuế doanh thu tại cơ quan thuế nơi đóng trụ sở; (4) phải mở tài khoản tại ngân hàng.
– Doanh nghiệp xuất nhập khẩu một số mặt hàng (vũ khí, thiết bị hạt nhân, kim khí quý đá quý, đồ cổ, động vật hoang dã) phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, phải xin giấy phép và thực hiện các thủ tục đặc biệt.
– Doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng gạo, bông, đường, lúa mỳ phải là thành viên của Hiệp hội chuyên ngành, phải đăng ký với Cục Xúc tiến Thương mại Pakistan. Xuất nhập khẩu đường, lúa mỳ được quản lý theo hạn ngạch và đầu mối.
– Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sau khi đã mở tờ khai hải quan thì không được phép tái xuất nếu không có sự đồng ý của người mở tờ khai. Mục đích của quy định này nhằm chống nạn nhập lậu của doanh nghiệp Pakistan. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Pakistan nhập khẩu hàng từ Việt nam với ý đồ xấu lợi dụng quy định này để gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt nam.
– Thủ tục nhập khẩu 1 container hàng hóa trung bình mất 18 ngày với chi phí 725 USD, đứng thứ 91/189 nước. Chú ý: cấm nhập khẩu từ Israel.
Chi tiết xin xem phụ lục 5,6.
Nguồn: Cục Xúc tiến Thương mại Pakistan: http://tdap.gov.pk/beta/pakistan-trade-policy.php
Chính sách thuế và thuế suất:
Hệ thống thuế xuất nhập khẩu của Pakistan dựa trên hệ thống mã số HS 8 chữ số với tổng cộng 7.018 dòng thuế trong đó 6.868 dòng thuế đánh thuế theo phần trăm, 47 dòng thuế đánh thuế theo số tiền. Mức thuế nhập khẩu trung bình là 14,3%, mức thuế thấp nhất là 3% và cao nhất là 90% đối với sản phẩm đồ uống có cồn và 100% đối với sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng. 30% dòng thuế có mức thuế nhập khẩu 5% trở xuống, 20% dòng thuế có mức thuế 25% trở xuống, chỉ khoảng 1% dòng thuế có mức thuế trên 50%. Chính sách thuế của Pakistan thể hiện mức bảo hộ cao nhất ở ngành công nghiệp ô tô, dệt may. Mức bảo hộ giảm dần đối với thực phẩm chế biến hoàn toàn (trung bình 17,6%), các mặt hàng bán thành phẩm (trung bình 10,9%), các mặt hàng sơ chế (trung bình 7,8%). Nhóm mặt hàng có mức bảo hộ thấp nhất là khoáng sản (trung bình 6,7%), nông sản (8,7%).
Chi tiết xin xem phụ lục 7.
Nguồn: Tổng cục Hải quan Pakistan: http://www.fbr.gov.pk/docs/customs-customs-tariff-old-customs-tariff-2017-2018/854
Tổ chức Thương mại thế giới: http://www.wto-pakistan.org/documents/tpr/S311.pdf
Quy định về bao bì, nhãn mác
Pháp lệnh về Nhãn hiệu hàng hóa năm 2001 quy định về nhãn hiệu hàng hóa trên lãnh thổ Pakistan. Đối với hàng hóa nhập khẩu, quy định về nhãn hiệu, bao bì, ký mã hiệu được quy định trong quy chế nhập khẩu bao gồm: Thuốc lá và xì-gà phải ghi rõ “Có hại cho sức khỏe” bằng tiếng Anh và tiếng U-đu; Hóa chất và thuốc nhuộm phải ghi đầy đủ thông tin và phải có mã hàng hóa; Mầu thực phẩm phải ghi thông tin trung thực bằng 2 thứ tiếng; Thực phẩm cho người phải có hạn sử dụng ít nhất 6 tháng hoặc 50% thời gian bày bán và không bị ô nhiễm theo tiêu chuẩn Hồi giáo; Nguyên liệu dược phẩm phải có hạn sử dụng ít nhất 75% thời gian bày bán; Nhãn mác dược phẩm phải theo đúng Quy chế Dược năm 1986.
Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ Pakistan: http://www.ipo.gov.pk/uploads/CMS/(343)TradeMark_Ordinance.pdf
Tổ chức Thương mại thế giới: http://www.wto-pakistan.org/documents/tpr/S311.pdf
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch được quy định trong Luật Phân loại và Nhãn hiệu Nông sản ban hành năm 1937, Pháp lệnh về Thuốc trừ sâu ban hành năm 1971, Luật Kiểm dịch Thực vật Pakistan năm 1976, Pháp lệnh về Kiểm dịch Động vật Pakistan năm 1979, Luật Giám định và Kiểm soát chất lượng Cá Pakistan năm 1997. Pakistan là thành viên Ủy ban Codex Alimentarius, Tổ chức Thú Y Thế giới, Công ước Quốc tế về Kiểm dịch Thực vật, Ủy ban Kiểm dịch Thực vật Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng Cục Hải quan và Cục Kiểm dịch Thực vật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Cục Kiểm dịch Động vật kiểm soát xuất nhập khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật. Tổng cục Hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu đúng quy định nhãn mác và hạn sử dụng và hàng cấm nhập khẩu. Cục Kiểm dịch Thực vật kiểm soát các lô hàng thực phẩm giao rời (sản phẩm sữa …). Cục Kiểm dịch Động vật kiểm soát các lô hàng động vật sống. Nhìn chung các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch của Pakistan phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các mặt hàng được kiểm soát đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch gồm có: (1) Động vật sống, tinh đông viên và bào thai;(2) Cá và thủy hải sản; (3) Cây trồng và bộ phận cây trồng; (4) Hạt giống; (5) Trái cây tươi, khô, ớt đỏ nguyên trái;(6) Hạt cau; (7) Lúa mỳ.
Nguồn: Cục Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật: http://plantprotection.gov.pk/
Cục Kiểm dịch Động vật: http://www.mnfsr.gov.pk/frmDetails.aspx
Bộ Dịch vụ Y tế, Quy chế và Điều phối: http://www.nhsrc.gov.pk/index.html
Tổ chức Thương mại thế giới: http://www.wto-pakistan.org/documents/tpr/S311.pdf
Quyền sở hữu trí tuệ
Pháp lệnh về Bản quyền ban hành năm 1962 sửa đổi năm 1992, 2000; Pháp lệnh về Bằng sáng chế ban hành năm 2000, Quy chế Bằng sáng chế ban hành năm 2003; Luật về Nhãn hiệu năm 1940, Pháp lệnh về Nhãn hiệu ban hành năm 2001, Quy chế Nhãn hiệu năm 2004; Pháp lệnh về Nhãn hiệu năm 2001 về chỉ dẫn địa lý. Pakistan tham gia Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 1977 nhưng chỉ phê chuẩn 2 hiệp ước: Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật; Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp. Pakistan ký Công ước Quyền tác giả Phổ quát. Trung tâm Sở Hữu Trí tuệ trực thuộc Văn phòng Nội các được thành lập theo Luật Tổ chức Sở hữu Trí tuệ ban hành năm 2012. Bằng sáng chế có thời hạn 20 năm. Quyền tác giả có thời hạn 50 năm.
Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ Pakistan: http://www.ipo.gov.pk
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: +84 24 22205425
Fax: +84 22 22205518
Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội
Địa chỉ: Villa 44/2, Vạn Bảo, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Hà Nội, Việt Nam
Phone: +84-24-37262251
Fax: +84-24-37262253
E-mail: parepvietnam@yahoo.com
Thương vụ, Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội
Địa chỉ: Villa 44/2, Vạn Bảo, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Hà Nội, Việt Nam
Phone: +84-24-3726 2254
Fax: +84-4-3232 1417
Cell: +84 987 502 488
E-mail: cspakhanoi@gmail.com
Lãnh sự danh dự Pakistan tại TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng M, Chung cư Khánh Hội 2, 360A đường Bến Vân Đồn, Phường 1, Quận 4, TP HCM.
Tel.: +84-28-39453939
Fax: +84-28-39453636
E-mail: info@gepar.org.vn
Tổng lãnh sự danh dự: Ông Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa Sài Gòn.
Tại Pakistan
Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan
EMBASSY OF VIETNAM
Address: House No. 117, Street No. 11, Sector E-7, Islamabad, Pakistan
Tel.: +92-51-2655785/2655787
Fax: +92-51-2655783
E-mail: vnemb.pakistan@yahoo.com
Webpage: http://www.vietnamembassy-pakistan.org/vi/
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan
VIETNAM TRADE MISSION
Address: House No. 7-B/II, 11 South Street, Phase-II (Ext.), Defence Housing Authority, Karachi, Pakistan
Tel.: +92-21-3580 5193/3589 2231
Fax: +92-21-3580 5194
E-mail: pk@moit.gov.vn
Phụ lục 1a: Xuất khẩu của Pakistan theo nhóm hàng hóa (2012 – 2017)
Phụ lục 1b: Xuất khẩu của Pakistan hàng tháng theo nhóm hàng hóa (7/2003 – 4/2017)
Phụ lục 2a: Nhập khẩu của Pakistan theo nhóm hàng hóa (2012 – 2017)
Phụ lục 2b: Nhập khẩu của Pakistan hàng tháng theo nhóm hàng hóa (7/2003 – 4/2017)
Phụ lục 3a: Tổng xuất khẩu của Pakistan theo quốc gia (7/2017 – 12/2017)
Phụ lục 3b: Tổng xuất khẩu của Pakistan hàng tháng theo quốc gia (7/2003 – 12/2017)
Phụ lục 4a: Tổng nhập khẩu của Pakistan theo quốc gia (7/2017 – 12/2017)
Phụ lục 4b: Tổng nhập khẩu của Pakistan hàng tháng theo quốc gia (7/2003 – 12/2017)
Phụ lục 5: Luật Chính sách Xuất khẩu Pakistan, 2016
Phụ lục 6: Luật Chính sách Nhập khẩu Pakistan, 2016
Phụ lục 7: Danh mục Thuế Xuất nhập khẩu Pakistan