Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Cộng hòa DCND Lào
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
- Hồng Công
Tình hình kinh tế Lào trong những năm gần đây
Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản
Tình hình chính trị, an ninh của Lào nhìn chung được duy trì ổn định, không xảy ra những biến động lớn. Năm 2018 là thời điểm bản lề trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 8 (2016-2020) của Lào. Trong nửa kỳ kế hoạch 5 năm vừa qua Lào đã phải liên tục điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng trung bình chỉ đạt khoảng 6,8%. Theo báo cáo của Chính phủ Lào, tốc độ tăng trưởng GDP của Lào 6 tháng đầu năm ước đạt 6,7-6,9%. So với các nước trong khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế của Lào vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Lào chủ yếu vẫn dựa vào các ngành tài nguyên, thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Bên cạnh đó, Lào vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, trong đó đáng chú ý : (i) vấn đề thâm hụt ngân sách và vấn đề chậm trả lương; (ii) nợ công ngày càng tăng; (iii) vấn đề tỷ giá hối đoái định giá quá cao; (iv) tỷ lệ nợ xấu ngân hàng gia tăng; (v) thuế suất cao đang là cản trở đối với đầu tư tại Lào; (vi) chỉ số cạnh tranh toàn cầu và thứ hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Lào tụt hạng; (vii) số lượng khách du lịch tới Lào giảm; (ix) giá cả sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo WB, triển vọng kinh tế trung hạn của Lào khả quan. Nhóm các nhà kinh tế của WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào sẽ bắt đầu hồi phục từ năm 2019 sau khi các nhà máy thủy điện lớn được đưa vào vận hành thương mại. Nền kinh tế của Lào sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại ở mức 6,6% năm 2018, sau đó sẽ tăng trưởng nhẹ trong thời kỳ 2019-2020.
Dự báo ngành năng lượng sẽ tiếp tục mở rộng với công suất lắp đặt đạt khoảng 11.000 MW vào năm 2021. Trong số các nhà máy thủy điện lớn theo kế hoạch sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2019 có dự án Xepian-Xenamnoi công suất 410 MW, dự án Nam Nghiệp 1 công suất 270 MW và Xayaboury công suất 1.287 MW.
Theo các nhà kinh tế, hội nhập của Lào vào kinh tế khu vực và toàn cầu cũng giúp tăng đầu tư và năng suất của các ngành nông nghiệp, du lịch, công nghiệp và thương mại. Tăng trưởng của các lĩnh vực không dựa vào tài nguyên sẽ giúp tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân. Đóng góp vào nền kinh tế của ngành khai khoáng dự báo sẽ giảm dần vì đầu tư mới vào lĩnh vực này bị hạn chế. Sepon, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở tỉnh Savanakhet dự kiến sẽ đóng cửa trong năm 2020 vì quặng đồng đã cạn kiệt. Một thách thức kinh tế khác mà Lào đang gặp phải đó là quyết định mới đây của Chính phủ về việc hạn chế cấp đất đối với các trang trại nông nghiệp có thể là rào cản đối với thương mại hóa sản xuất và tăng xuất khẩu.
Các rủi ro từ bên ngoài đối với triển vọng phát triển của Lào bao gồm sự tăng trưởng chậm lại về thương mại toàn cầu và mất ổn định trên thị trường quốc tế và khu vực. Một rủi ro lớn hơn có thể xuất hiện nếu những nỗ lực của Chính phủ nhằm củng cố nền tài chính của đất nước không thành công, dẫn đến đe dọa về khủng hoảng nợ trong bối cảnh dự trữ ngoại hối chỉ đủ trang trải nhập khẩu bình thường.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
+ Năng lượng (điện)
+ Khai khoáng
+ Chế biến nông sản
+ Du lịch
+ Xây dựng
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Về xuất nhập khẩu
Những năm trở lại đây quan hệ thương mại của Lào với các nước có nhiều chuyển biến tích cực. Lào có quan hệ thương mại với hơn 60 nước trên thế giới, trong đó ký 15 Hiệp định thương mại song phương, 02 Hiệp định FTA; Hiệp định Thương mại Lào – Việt Nam, Hiệp định Thương mại Lào – Mỹ. Đối tác thương mại chính của Lào là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
– Kim ngạch xuất khẩu của Lào năm 2013 đạt 3,7 tỷ USD, năm 2014 đạt 3,2 tỷ USD, năm 2015 đạt 3,6 tỷ USD, năm 2016 đạt 4,2 tỷ USD, năm 2017 đạt 4,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: khoáng sản, công nghiệp và thủ công nghiệp, điện, hàng nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, đá quý, lâm sản.
– Kim ngạch nhập khẩu của Lào năm 2013 đạt 3,7 tỷ USD, năm 2014 đạt 4,9 tỷ USD, năm 2015 đạt 4 tỷ USD, năm 2016 đạt 4,2 tỷ USD, năm 2017 đạt 4,7 tỷ USD.
Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: vật liệu xây dựng; phương tiện, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; xăng dầu và gas; đồ dùng điện; hàng phục vụ cho công nghiệp; hàng tiêu dùng; đồ điện tử; hàng phục vụ cho nông nghiệp, lương thực và hàng hóa khác…
Về đầu tư
Trong giai đoạn 1986 – nay, Lào đã thu hút được 6.076 dự án FDI từ 53 nước và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị vốn đăng ký đạt 29 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Lào là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực chính như: khai khoáng, thủy điện và nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực phi tài nguyên nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Chủ trương về thương mại, đầu tư
– Về đầu tư: Đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp (FDI) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Lào. Chính phủ Lào dự kiến tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI trong bối cảnh sự cạnh tranh càng tăng ở các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm môi trường đầu tư của Lào có tính cạnh tranh không kém các quốc gia trong khu vực.
– Về thương mại: Khuyến khích sản xuất hàng trong nước và tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu góp phần phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Các ngành và lĩnh vực ưu tiên
– Lào ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng lớn, thời gian hoàn vốn nhanh và có giá trị gia tăng cao, bao gồm:
+ Các ngành công nghiệp chế biến, điện, khai khoáng, may mặc, dệt, tiểu thủ công nghiệp, lắp ráp…
+ Các ngành dịch vụ: du lịch, bán buôn – bán lẻ, logistics, tài chính, ngân hàng…
+ Nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp phục vụ đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại.
– Thúc đẩy sản xuất và dịch vụ thương mại thông qua việc đa dạng hóa và giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.
– Tạo ra chuỗi sản xuất có khả năng gắn doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Khuyến khích đầu tư có chất lượng và bền vững trong các đặc khu kinh tế và khu kinh tế đặc thù bằng cách xây dựng các khu công nghiệp hiện đại và các khu đô thị mới. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Tạo môi trường đầu tư bằng hoặc tốt hơn so với các nước láng giềng.
– Chủ trương xây dựng Lào thành trung tâm dịch vụ quá cảnh nối liền Đông với Tây, Bắc xuống Nam; đẩy nhanh xây dựng tuyến giao thông kết nối với các nước trong Tiểu vùng như đường sắt, đường cao tốc…
Các đối tác thương mại ưu tiên
Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
Chính sách nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
– Luật Khuyến khích Đầu tư sửa đổi (ban hành ngày 16/12/2016) với những nội dung cải tiến đáng chú ý về các hoạt động kinh doanh được ưu đãi miễn thuế (Điều 9): (i) Ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai (R&D), sử dụng sáng kiến đổi mới, công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và năng lượng; (ii) Nông nghiệp sạch, hữu cơ, sản xuất hạt giống, giống vật nuôi, trồng cây công nghiệp, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, các hoạt động phát triển nông thôn và giảm nghèo; (iii) Công nghiệp chế biến nông sản thân thiện môi trường, tiểu thủ công truyền thống quốc gia và đặc sắc; (iv) Ngành phát triển du lịch thân thiện với môi trường, bền vững về tự nhiên, văn hóa và lịch sử; (v) Giáo dục, thể thao, phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng lao động, các tổ chức/trung tâm đào tạo nghề, sản xuất trang thiết bị giáo dục và thể thao; (vi) Xây dựng bệnh viện hiện đại, sản xuất trang thiết bị y tế và dược phẩm, sản xuất và điều trị bằng thuốc y học truyền thống; (vii) Đầu tư, cung cấp dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng công cộng nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ quá cảnh và kết nối quốc tế; (viii) Ngân hàng chính sách và các tổ chức tài chính vi mô tập trung vào giảm nghèo đối với người dân và cộng đồng ít có điều kiện tiếp cận ngân hàng; (ix) Các trung tâm thương mại hiện đại xúc tiến sản phẩm trong nước và các thương hiệu nổi tiếng thế giới, các trung tâm triển lãm, hội chợ trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công và công nghiệp trong nước.
– Những ưu đãi về thuế:
– Các ưu đãi ngoài thuế: Miễn tiền thuê đất đối với đất đai thuộc sở hữu nhà nước:
– Dự thảo sửa đổi Luật Khoáng sản: Hiện nay Chính phủ Lào đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Khoáng sản với những sửa đổi bổ sung chặt chẽ trong quản lý lĩnh vực này, yêu cầu về đấu thầu, năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm hoạt động đòi hỏi rất cao, có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia, bất lợi cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực khai khoáng ở Lào sẽ ngày càng căng thẳng.
– Ngày 17/11/2016, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Quản lý Đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và thiết lập Văn phòng Dịch vụ một cửa tại Cục Xúc tiến Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Hiện Chính phủ Lào đang xây dựng Chiến lược Đầu tư Quốc gia đến năm 2025, dự kiến sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư theo ngành và địa bàn cụ thể.
Về phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật sử dụng
Hiện nay Lào chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như hàng rào kỹ thuật đối với thương mại.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào ngày càng mở rộng về quy mô, ở nhiều lĩnh vực với phương thức hợp tác đa dạng, khai thác, tận dụng được các tiềm năng, lợi thế của mỗi nước.
Về thương mại
5 năm trở lại đây, quan hệ thương mại giữa hai nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước có mức tăng trưởng các năm không đồng đều, như: năm 2013 đạt 1,125 tỷ USD, tăng 29,10% so với cùng kỳ năm 2012; năm 2014 đạt 1,285 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2013; năm 2015 đạt 1,123 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014; năm 2016 đạt 823 triệu USD, giảm 26,7% so với cùng kỳ 2015; năm 2017 đạt 936,8 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào
Các nhóm mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang Lào
Các nhóm hàng chính của Lào nhập khẩu về Việt Nam
Về đầu tư
Việt Nam là nước nằm trong nhóm dẫn đầu trong các nước/vùng, lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư tại Lào. Tính đến nay, Lào đã cấp phép cho 410 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD.
Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tiêu biểu và tập trung nhất vào 4 lĩnh vực chính: (i) dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, y tế, dược phẩm, xăng dầu, khách sạn, nhà hàng….); (ii) cây công-nông nghiệp (cao su, tiêu, chanh leo, sắn…); (iii) năng lượng (chủ yếu là thủy điện); (iv) khai khoáng (sắt, vàng, đồng, thiếc, chì, kẽm, thạch cao, muối mỏ…). Những năm gần đây, số lượng dự án mới hàng năm được Chính phủ Lào cấp phép rất ít, một phần do không còn nhiều doanh nghiệp mới của ta quan tâm tới thị trường Lào như trước đây, phần khác chủ yếu là do nhiều lĩnh vực mà hiện nay bạn khuyến khích có yêu cầu cao về vốn, công nghệ, môi trường…., doanh nghiệp ta khó đáp ứng. Năm 2016-2018, có 02 dự án mới được cấp; ký hợp đồng khai thác, chế biến 3 mỏ (2 vàng, 1 sắt); gia hạn 02 dự án thủy điện.
Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp hữu hiệu cho ngân sách nhà nước Lào, thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội, quyên góp vật chất hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, thiên tai… được bạn Lào ghi nhận và đánh giá cao. Trong đóng góp chung này, ngoài HAGL (tuy đang gặp khó khăn), có các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ như: hệ thống các ngân hàng thương mại (Liên doanh Lào-Việt bank, Vietinbank, MB bank, Sacombank, SHB bank); Unitel; PV Oil Lao; Petrolimex Lao; LVI; Công ty dược phẩm Codupha; KS Mường Thanh Lao; KS Crowne Plaza…. mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi (kinh tế Lào ở mức thấp và yếu kém; tình hình thế giới và khu vực diễn biến khó lường; cạnh tranh quyết liệt của các đối tác tại địa bàn…) nhưng các nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn tăng cường được hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, nâng cao đời sống của người lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Chính phủ.
Các thỏa thuận đã ký kết
+ Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào (2015)
+ Hiệp định Thương mại Việt – Lào (2015)
+ Hiệp Định Về Khuyến Khích Và Bảo Hộ Đầu Tư Giữa Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Và Chính Phủ Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào (1996)
+ Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào (1996)
(Nguồn: Trung tâm WTO – VCCI)
Tổng quan
Thị trường Lào với quy mô dân số khoảng 6,6 triệu người (năm 2017), mật độ dân số 28 người/km2; năm 2015 GDP bình quân đầu người là 1.970 USD, năm 2016 GDP bình quân thu nhập đầu người là 2.048 USD, năm 2017 GDP bình quân đầu người là 2.472 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Lào với thế giới năm 2016 đạt khoảng 8,4 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Lào với thế giới năm 2017 đạt 9,3 tỷ USD.
Những lĩnh vực có nhiều triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Lào là sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, thuốc chữa bệnh, trồng trọt và hàng tiêu dùng. Ngoài ra, thủy điện, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng cây công nghiệp, chế biến nông lâm sản… là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác đầu tư tại thị trường Lào.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Về thủ tục nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu thực hiện theo quy định, đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào và Việt Nam phải được cấp form S.
Về chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa tương đối thuận lợi, thông qua 02 Hiệp định thương mại đã ký: Hiệp định thương mại song phương ký ngày 03/3/2015 và Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 27/6/2015.
Chi tiết Quy định về xuất nhập khẩu, tham khảo Luật Hải quan (ban hành ngày 20/12/2011)
Chính sách về thuế và thuế suất
Chính sách về thuế suất theo quy định chung.
Phân loại hàng hóa trong thương mại tại Lào được thực hiện phù hợp với Biểu thuế quan Hài hòa ASEAN (AHTN). Thông tin đầy đủ về phân loại hàng hóa và biểu thuế của Lào có thể được tra cứu tại Cổng thông tin điện tử Lao Trade Portal thuộc Bộ Công thương Lào.
Chi tiết Quy định về thuế, tham khảo website của Cục Thuế Lào
Yêu cầu về nhãn mác đối với hàng nhập khẩu
Nhà sản xuất và nhà nhập khẩu bán buôn hoặc đại lý phải dán nhãn mác bằng tiếng Lào, ghi cụ thể loại hàng hóa, nhãn hiệu, nơi sản xuất, nhà nhập khẩu phân phối, nước sản xuất, giá tiền, hạn sử dụng theo quy định.
Chi tiết về yêu cầu nhãn mác tại Lào, tham khảo Sắc lệnh về nhãn hàng hóa.
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Theo quy định của ASEAN, tham khảo Quy định chung về vệ sinh an toàn thực phẩm của ASEAN
Quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ của Lào (Ban hành ngày 20/12/2011).
Chi tiết về Luật, tham khảo tại trang thông tin về Luật sở hữu trí tuệ Lào của WIPO.
Tập quán kinh doanh
Người Lào có tập quán buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ; người Lào thường có thói quen đi mua sắm vào các dịp lễ hội và thường đi mua sắm tại các chợ lớn. Người Lào rất thích mua sắm và rất dễ tính trong việc lựa chọn hàng hóa, không yêu cầu chất lượng hàng hóa cao và thường rất thích hàng giá rẻ. Ngày nay, giới trẻ của Lào đã có sự thay đổi lớn, trong các hoạt động vui chơi, giải trí tại siêu thị, các trung tâm triển lãm hàng hóa. Nếu như trước đây giới trẻ thường hay đi đến các đền, chùa cùng bạn bè thì nay họ thường chọn đi những nơi vui chơi, mua sắm tại các trung tâm và hội chợ triển lãm.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: +84 24 22205425
Fax: +84 22 22205518
Đại sứ quán Lào tại Việt Nam
Địa chỉ: 40 đường Quang Trung, Hà Nội
Điện thoại: 024-3942 4576
Fax: 024-3822 8414/3942 2271
Email: laoembassyhanoi@gmail.com
Tổng lãnh sự quán Lào tại thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 93 Pasteur Str. Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028-3829 7667
Fax: 028-3829 9272
Tổng lãnh sự quán Lào tại thành phố Đà Nẵng
Địa chỉ: Số 16 Trần Quý Cáp, Thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: 0236-3821 208/3886 874
Fax: 0236-3822 628
Email: laoconsulat@vnn.vn
Tại Lào
Đại Sứ quán Việt Nam tại Lào
Địa chỉ: Số 85 đường 23 Singha, Bản Phonsay, Quận Saysettha, Thủ đô Vientiane, Lào
Tel: + 856 21451990 hoặc +856 21413403
Fax: +856 21 413379
Email: vnemb.lao@mofa.gov.vn; vnemb.lao@gmail.com
Website: https://vnembassy-vientiane.mofa.gov.vn/
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-băng
Địa chỉ: 24/IV, Ban That Bosot, Luang Prabang, Lao P.D.R
Điện thoại: + 856 71 254745
Fax: +856 71 254746
Email: tlsq-lpd@mofa.gov.vn, tlsqlpb@yahoo.com
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pắc-xế
Địa chỉ: Số 31, bản Phabat, huyện Paksé, tỉnh Champasak, Lào
Điện thoại: +856 31 212827
Fax: +856 31 212058/214140
Email: vnemb.la@mofa.gov.vn
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sa-va-na-khét
Địa chỉ: Số 118 Sisavangvong, Kayson Phomvihan District, Savanakhet Province, Lao PDR
Điện thoại: +856 41 212418
Fax: +856 41 212182
Email: lanhsusavan@mofa.gov.vn, lanhsusavan@gmail.com