Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt nam về chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao… Trước những thời cơ và vận hội đang mở ra, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.
Đông về số lượng, kém về chất lượng
Những năm qua, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có đóng góp đáng kể đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không chỉ qua việc tạo ra một khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý cho đội ngũ lao động trong các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, lực lượng lao động cấp trung trong các DN chưa thực sự nắm bắt được cơ hội do FDI tạo ra, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng lao động phổ thông tại Việt Nam hiện khá dồi dào nhưng lao động có kỹ năng, tay nghề lại rất thiếu.
Theo tổ chức giáo dục Cloud Learning System, số liệu khảo sát ở gần 40 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và hơn 20 Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất cho thấy, xu hướng các DN sử dụng lao động nước ngoài đang tăng lên, trong đó gần 50% lao động phổ thông và chỉ có gần 45% có trình độ đại học trở lên.
Có thể nói, đội ngũ lao động nước ta chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng theo yêu cầu công nghiệp còn rất hạn chế, phần nhiều trình độ chuyên môn thấp, tay nghề và kỷ luật lao động không cao. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế (hàng nhái, hàng giả, vi phạm bản quyền, gian lận thương mại rất nhiều), gây ảnh hưởng xấu tới thu hút vốn và công nghệ nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Những yếu kém này nếu không khẩn trương khắc phục thì không những chúng ta không thể tận dụng những cơ hội tốt về thu hút vốn và công nghệ qua FDI mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam chuyển sang các nước khác hoặc các nhà đầu tư tiềm năng dè dặt hơn khi quyết định làm ăn ở Việt Nam, đặc biệt là khi nhìn nhận trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đã được ký kết.
Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải có giải pháp để tăng cường năng lực quản lý cho lao động cấp trung, năng lực kỹ thuật cho lao động phổ thông Việt Nam và xây dựng các chiến lược đào tạo nhân sự nội bộ để phát huy hiệu quả hoạt động tại các DN FDI.
Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP, phát biểu tại một hội thảo về nguồn nhân lực được tổ chức gần đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới. Vì vậy, phải cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay.
“Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục”, ông Lộc khẳng định.
Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhân sự là điều thực sự cần thiết. Với nội hàm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (E-learning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán nhân sự của các DN một cách hiệu quả.
Trên thế giới, các hệ thống đào tạo DN triển khai theo công nghệ này đã được ứng dụng phổ biến tại các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, do vấn đề văn hóa, thói quen, trình độ nhận thức của nhân sự mà mỗi giải pháp E-learning chỉ thích hợp triển khai tại một khu vực. Chưa kể chi phí để các DN sử dụng và duy trì hệ thống nước ngoài rất đắt đỏ, lên tới hàng triệu USD, chưa kể phải thường xuyên mất phí bảo trì, phí nâng cấp, phí custom…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để tăng cường sức cạnh tranh. Hiện tại Việt Nam có hơn 500.000 DN, tuy nhiên, hơn 90% trong số đó chưa có hệ thống quản lý đào tạo nội bộ của riêng mình, đồng thời cũng còn đang thiếu một đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, về năng suất lao động, giai đoạn từ năm 1991 – 2017, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4,8%/năm, so với các quốc gia trong khu vực là không hề thấp, như: Singapore 2,3%, Indonesia 3,2% nhưng về số tuyệt đối thì rất thấp, trong khu vực chỉ nhỉnh hơn Bangladesh, Campuchia.
Lý giải về điều này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, do trình độ nhân lực của Việt Nam còn thấp; đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, quá thấp so với mức bình quân châu Á là 2,5%… Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ tự động hóa sẽ tạo ra diện mạo mới cho các ngành nghề trong nền kinh tế. Việc doanh nghiệp bám sát và ứng dụng công nghệ là giải pháp rất tốt, gỡ nút thắt về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, được biết, VCCI cũng có kết nối cùng Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, 6 hướng đó là: “Một là, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Hai là doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở. Ba là là doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Bốn là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Năm là doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Sáu là, doanh nghiệp là nơi iếp nhận và sử dụng nguồn lao động”.
Khánh Linh (theo Cloud Learning System)