Thắt chặt nhập cư là bước lùi chính sách của Australia?

0
128
Quy trình xin quốc tịch Australia sẽ trở nên khó khăn hơn. (Nguồn: SBS)
Quy trình xin quốc tịch Australia sẽ trở nên khó khăn hơn. (Nguồn: SBS)

Làn sóng “chủ nghĩa lợi ích dân tộc” đang ngày càng lan nhanh trên thế giới, bắt đầu từ tuyên bố “Nước Mỹ trên hết” (America first) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho tới quyết định “Brexit” (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của người Anh và mới đây nhất là chính sách “ưu tiên người Australia” (Put Australia first) của Australia.
Việc tập trung bảo hộ công dân trong nước của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, thông qua biện pháp siết chặt chính sách nhập cư để hạn chế dòng người di cư và lao động nước ngoài, đã tạo ra những rào cản đối với lực lượng lao động thế giới, hạn chế chuyển giao công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.

Chính sách thắt chặt nhập cư

Trong khoảng ba thập kỷ vừa qua, dân số Australia đã tăng hơn 50% nhờ nguồn lao động nhập cư. Số lượng người nước ngoài sang “xứ sở chuột túi” để làm việc tăng mạnh, phần lớn thông qua hai kênh du học sinh quốc tế và thị thực làm việc tạm thời (Visa 457).

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu dân số Australia thuộc Đại học Monash, giai đoạn 2015–2016, du học sinh quốc tế tại Australia đạt con số xấp xỉ 340.000 người và có khoảng 45.395 visa 457 được cấp, tăng gấp ba lần so với năm 1996.

Ủy ban năng suất Australia đánh giá, nhập cư đã trở thành một trong những nét đặc trưng của nền kinh tế và đời sống, tạo nên hình thái xã hội Australia ngày nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Australia theo chủ nghĩa dân túy lại cho rằng, đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng trưởng nóng, quá tải cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại một số thành phố lớn. Nó cũng khiến giá nhà đất tăng cao, cạnh tranh việc làm với người bản địa, làm tăng gánh nặng ngân sách thông qua việc tăng các khoản chi trợ cấp thường xuyên và kéo lùi tăng trưởng tiền lương.

Phát biểu trong một buổi tranh luận chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thủ tướng Australia nhiệm kỳ tới, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng tuyên bố ủng hộ việc cắt giảm con số nhập cư và các khoản trợ cấp hàng năm dành cho nhóm đối tượng nhập cư, trong khi Thượng nghị sĩ Pauline Hanson đứng đầu đảng Một dân tộc (One Nation) kêu gọi cấm nhập cư hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, với tuyên bố theo đuổi chính sách “ưu tiên người Australia”, từ năm 2017, chính phủ của Thủ tướng Malcom Turnbull đã đặt chủ trương cắt giảm con số 99 loại thị thực nhập cảnh xuống còn 10 loại trong những năm tới.

Hoạt động đầu tiên mà ông Turnbull thực hiện là bãi bỏ visa 457 kể từ tháng 3/2018 và thay thế bằng hai loại visa tạm thời khác, có yêu cầu cao hơn về trình độ tay nghề và khả năng tiếng Anh. Hai loại visa làm việc mới, có thời hạn lần lượt là hai năm và bốn năm, trong đó visa thời hạn bốn năm chỉ dành cho những người có trình độ cao và thông thạo tiếng Anh. Đồng thời, danh sách 650 ngành nghề được tuyển lao động nước ngoài cũng bị cắt giảm chỉ còn 435 ngành nghề.

Ông Turnbull cho rằng, những quy định mới này sẽ thu hút lao động có tay nghề cao hơn và khuyến khích việc thuê mướn người Australia. “Chúng tôi đặt việc làm lên hàng đầu và chúng tôi ưu tiên cho người Australia”, ông Turnbull nói.

Cho tới tháng 4/2018, Australia tiếp tục thông báo cắt giảm lượng nhập cư châu Á, để tăng số lượng người New Zealand (quốc gia láng giềng có mối quan hệ đặc biệt với Australia). Bên cạnh đó, nước này cũng điều chỉnh tăng gấp đôi yêu cầu về chứng minh tài chính đối với các gia đình đăng ký di dân mới, đòi hỏi những người đứng đơn bảo lãnh thân nhân xin định cư tại Australia phải chứng minh nguồn thu nhập cao gấp đôi mức quy định hiện nay.

Gánh nặng người nhập cư?

Quan điểm của chính phủ đối với vấn đề nhập cư luôn là một trong những chủ đề nóng được tranh luận giữa các đảng phái chính trị của Australia.

Tại một cuộc tranh luận mới đây nhất của Chính phủ Australia về việc liệu có nên tiếp tục cắt giảm số người nhập cư hay không, một báo cáo nội bộ mang tính bước ngoặt của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã bất ngờ được công bố.

Bản báo cáo này đưa ra con số dự đoán lượng người nhập cư vào Australia trung bình của năm 2018 sẽ sụt giảm khoảng 20.000 người từ mức trần cho phép là 190.000 người, xuống mức thấp nhất trong suốt hơn một thập kỉ qua, do quá trình xét duyệt visa đang ngày càng trở nên khắt khe hơn kể từ năm 2015. Điều này sẽ đem lại một số tổn thất đối với nền kinh tế quốc gia.

Theo tính toán của bản báo cáo, nếu giữ đà tăng trưởng nhập cư trung bình hàng năm, nhóm đối tượng nhập cư sẽ mang lại gần 10 tỷ đô la Australia (AUD) cho ngân sách quốc gia trong vòng 50 năm tới.

Hiện người nhập cư đang chiếm tới 30% tổng dân số Australia. Dựa trên tính toán giai đoạn 2014-2015, những người nhập cư có tay nghề cao tại Australia đã đóng góp tới 6,9 tỷ AUD vào ngân sách, trong khi, đối tượng di dân diện đoàn tụ gia đình cũng mang lại 1,6 tỷ AUD, giúp tăng 0,1% GDP bình quân đầu người, tăng năng suất thêm 10% và tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.

Trong khi đó, chi phí dành cho người nhập cư theo diện tị nạn và nhân đạo chỉ chiếm 2,7 tỷ AUD trong tổng ngân sách của Australia.

“Những người nhập cư sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Australia thông qua các chính sách hiện hành ưu tiên cho các đối tượng nhập cư có tay nghề nằm trong độ tuổi lao động, có đóng góp cho nền kinh tế. Qua đó, giúp tăng trưởng GDP của cả nước, mang lại ảnh hưởng tích cực cho mức sống trung bình”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo này, người nhập cư tại Australia hiện giành được tới 65% lượng việc làm mới được tạo ra trong vòng 5 năm qua tại Australia. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhóm đối tượng này đang “lấy cắp” việc làm từ những người bản địa. Phần đông người nhập cư nằm trong độ tuổi lao động. Họ đã phần nào bù đắp phần thiếu hụt do “già hóa” dân số tại Australia, cải thiện quá trình tham gia lực lượng lao động và tăng năng suất, giúp các doanh nghiệp phát triển, qua đó gián tiếp tạo ra thêm nhiều việc làm mới.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tăng số lượng người nhập cư kéo theo sự gia tăng gánh nặng đối với hệ thống phúc lợi xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, người nhập cư đóng các khoản thuế cao hơn rất nhiều so với các khoản tiền trợ cấp phúc lợi mà họ được đền bù.

Mục tiêu chính trị

Những quyết sách thắt chặt nhập cư của chính quyền Thủ tướng Malcom Turnbull được cho là cùng xu hướng với tư duy chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với quan điểm ưu tiên người Mỹ, cũng như Brexit của Anh.

Lập luận của Thủ tướng Turnbull cho rằng các chương trình di trú và xét duyệt visa nhập cư cần nghiêm ngặt hơn và vận hành để phục vụ lợi ích quốc gia. “Tất cả vì lợi ích của Australia”, ông Turnbull khẳng định.

Mặc dù vậy, theo các nhà quan sát quốc tế, các hành động có phần quyết liệt của ông Turnbull xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thủ tướng Australia nhiệm kỳ 2018–2021, với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri là lao động bản xứ đang có tâm lý e ngại người Hồi giáo hoặc tin rằng lao động nước ngoài giành mất việc làm của họ hoặc di dân tạo ra gánh nặng cho ngân sách quốc gia mà họ phải đóng thuế để duy trì.

Tuy nhiên, tương tự Mỹ, chính phủ của ông Turnbull cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng của giới lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như trong chính cộng đồng dân nhập cư, vốn chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu dân số của Australia.

“Mọi kế hoạch hạn chế việc tuyển dụng chuyên gia nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ trong nước trước khi người Australia được huấn luyện đầy đủ, đều sẽ gây hại cho ngành công nghệ và tương lai việc làm ở nước này”, ông Dean McEvoy, Giám đốc điều hành TechSydney –tổ chức của các doanh nghiệp công nghệ ở Sydney- khẳng định./.

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here