Đặc khu kinh tế tại Trung Quốc – thành quả và những hạn chế

0
167
Đặc khu kinh tế Thượng Hải.
Đặc khu kinh tế Thượng Hải.

Sự ra đời và phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ) của Trung Quốc đã giúp thu hút vốn đầu tư rất lớn và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, tạo đà đi lên cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, đằng sau “vầng hào quang” từ các đặc khu kinh tế, “người khổng lồ châu Á” này đang đối mặt với vấn đề nan giải là sự chênh lệch giữa các vùng miền trong cả nước. Một số nhà phân tích cảnh báo khoảng cách quá lớn về phát triển kinh tế giữa các vùng, nếu không được khắc phục sớm, có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.

Đòn bẩy từ các đặc khu kinh tế

Được xây dựng từ cuối những năm 1970 nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở cửa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc bao gồm rất nhiều bộ phận từ khu chế xuất phục vụ xuất khẩu, khu công nghiệp, khu xí nghiệp, cho đến các khu phát triển công nghệ và kinh tế, khu công nghệ cao. Do đó, hầu hết các SEZ được đặt tại các khu vực có hoạt động xuất nhập khẩu cao, gần với sân bay và bến cảng.

Một trong những SEZ nổi tiếng nhất của Trung Quốc là Thâm Quyến, nơi khi mới bắt đầu các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn e ngại với các quy định về đầu tư của Bắc Kinh. Vì thế thời gian đó hơn 80% các khoản đầu tư vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến đến từ Hong Kong. Trước tình hình này, Trung Quốc đã áp dụng các quy định mới vào năm 1982, nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư.

Những yếu tố tạo nên sự thành công của các SEZ phải kể đến những ưu đãi về thuế, kế sách “cởi trói” cho các hoạt động thương mại quốc tế và các quy định hay chính sách đặc biệt. Theo giới phân tích, SEZ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ mới vào Trung Quốc và giúp nước này thích nghi với mô hình quản lý hiện đại. Các chuyên gia nhận định sự thành công của các SEZ đã đóng góp đáng kể vào đà tăng trưởng cũng như sự thành công của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau nhiều năm vận hành, Thâm Quyến đã “lột xác” đi lên từ một làng chài nhỏ trở thành một trong những thành phố năng động nhất thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các SEZ đã thúc đẩy sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc cũng như tập trung nguồn lực thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút nhân tài, phát triển công nghệ… Thống kê cho thấy các khu công nghiệp đóng góp từ 50-80%, thậm chí 90% tăng trưởng GDP cho kinh tế địa phương.

Hiện nay, với những khuyến khích về thuế và sự điều chỉnh quy định phù hợp với đầu tư trực tiếp nước ngoài, các SEZ đã thúc đẩy sự tiếp cận của doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc. Dự kiến, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các SEZ. Báo cáo của công ty Intrepid Sourcing, trụ sở tại Thượng Hải, cho biết các SEZ cho phép các doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận tạm thời không phải đóng thuế và sẽ trả dần khoản này trong 5 năm khi hoạt động có lãi.

Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo sáng kiến xây dựng một SEZ mới tại tỉnh Hà Bắc, giáp ranh với Bắc Kinh, mang tên Tân khu Hùng An (Xiongan New Area), nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại thủ đô, mở rộng chương trình cải cách kinh tế tại Hà Bắc, đồng thời thiết lập một trung tâm tăng trưởng mới giữa bối cảnh kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Người đứng đầu Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, He Lifeng bày tỏ hoan nghênh các doanh nghiệp quốc tế cùng chung tay xây dựng đặc khu này, với cam kết Tân khu Hùng An sẽ đưa ra chương trình ưu đãi về thuế và các chính sách khuyến khích khác để thúc đẩy phát triển và thu hút nhà đầu tư.

Mặt trái cần khắc phục

Một vấn đề đang tồn tại giữa các SEZ và sự phát triển vùng miền của Trung Quốc là khoảng cách giữa khu vực phía Đông với khu vực phía Tây và trung tâm đang ngày càng nới rộng theo thời gian. Các chuyên gia nhận định sự tạo lập và thành công của các SEZ đã đem lại sự thịnh vượng cho các vùng ven biển của Trung Quốc, song đồng thời cũng gây ra sự chênh lệch về kinh tế giữa các khu vực trong nước. Một số nhà phân tích cảnh báo nếu khoảng cách giữa các vùng ven biển và vùng trung tâm quá lớn thì có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.

Theo mô hình tân cổ điển về tăng trưởng kinh tế, hình mẫu chuyển đổi kinh tế nói chung là các khu vực nghèo hơn cố gắng bắt kịp các khu vực giàu hơn. Mô hình này đã được chứng minh tại các nước Tây Âu và Mỹ, song lại không đúng với trường hợp của Trung Quốc. Sự xuất hiện của các SEZ  đã làm gia tăng khoảng cách giữa các khu vực tại nước này. Từ năm 1978 đến 1998, tỉnh Phúc Kiến nằm ở bờ biển miền Đông chứng kiến GDP tăng trưởng 13,9%, trong khi tỉnh Cam Túc nằm sâu trong đất liền chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,7%. Năm 2000, 10 tỉnh có GDP trên đầu người cao nhất cả nước phần lớn là các tỉnh nằm ở ven biển phía Đông.

Một thống kê khác cho thấy năm 2012 hệ số Gini (hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) giữa các vùng ven biển và trong đất liền đã tăng lên 0.49 so với mức 0.3 của những năm 1980, theo đó Trung Quốc là một trong những quốc gia có tình trạng bất bình đẳng thu nhập lớn nhất thế giới. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia cho rằng sự gia tăng kỹ năng quản lý cũng như những cơ hội kinh doanh lớn đã khiến các SEZ trở nên hấp dẫn đầu tư nước ngoài hơn các tỉnh sâu trong đất liền.

Bên cạnh đó, theo một số nhà quan sát, sự thờ ơ của Bắc Kinh trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh, lâu nay “ngự trị” tại các vùng sâu trong đất liền để dễ dàng khai thác tài nguyên thiên nhiên, cũng góp phần giới hạn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các vùng ngoài khu vực ven biển.

Thêm nữa, nguồn quỹ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng đến sự bất bình đẳng giữa các khu vực. Nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng được lấy từ nguồn thu của chính quyền địa phương, do đó sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu vực “giàu có” càng tạo thuận lợi cho việc phân phối và sử dụng nguồn lực tại địa phương.

Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế giữa các khu vực, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào nền kinh tế các vùng ngoài khu vực ven biển, xây dựng các trung tâm phát triển tại miền Đông Bắc và bắt đầu tập trung vào các khu vực trung tâm khi bước sang thế kỷ 21. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định tác động từ sự can thiệp này chưa lớn.

Theo một số nghiên cứu, có những cách tiếp cận có thể giảm bớt tình trạng chênh lệch giữa các vùng tại Trung Quốc như đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các khu vực kém phát triển, phát triển mạng lưới chương trình an sinh xã hội rộng rãi hơn, để bảo vệ người nghèo, cải cách chính sách của các chính quyền địa phương, nhằm điều phối và quản lý tốt hơn nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, trên hết một trong những chiến lược thành công nhất vẫn là các SEZ, vốn đã giúp Trung Quốc thu hút lượng lớn vốn FDI, nâng cao mức sống của người dân và thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Nếu các SEZ được xây dựng tại các vùng trung tâm và ở miền Tây, đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất để thu hẹp sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng tại Trung Quốc.

Trà My

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here