Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Viện FNF (Cộng Hoà Liên Bang Đức) tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tìm hiểu, tuân thủ và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh”, đang và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.
Thỏa thuận Xanh là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh đang và sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU trước nay luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại có thể làm suy giảm tạm thời cầu ở thị trường này, EU vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021 cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung đi tất cả các thị trường (10,5%). Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam.
Từ thực tế trên, việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì xuất khẩu bền vững ở thị trường EU nói riêng và nhiều thị trường khác cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
“Một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thế liên quan khác nhau chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thoả thuận Xanh hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai thoả thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này“, ông Nguyễn Quang Vinh thông tin.
Trong khi đó, không ít các chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã ban hành, hoặc đang dự thảo và sẽ được thông qua trong thời gian tới. Kế hoạch hành động về Kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Đó là chưa kể tới các chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU.
Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thoả thuận Xanh EU đến năm 2050 của EU, mà đặc biệt trong giai đoạn từ nay tới 2030.
Tại Hội thảo, ông GS.TS. Andreas Stoffers- Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam bày tỏ: Để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, châu Âu đã giới thiệu về Thoả thuận Xanh EU với nhiều chính sách nhằm giúp khu vực này chuyển sang nền kinh tế xanh vào năm 2050. Đến nay một số hành động đã được thông qua như: Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn hay Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới… sẽ tác động đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cuối năm 2023 đà tăng trưởng của Việt Nam mạnh mẽ hơn, có thể trên 5% trong năm nay và những năm tiếp theo. Đầu tư FDI, đầu tư công, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng để tăng cường năng lực tự chủ của Việt Nam. “Để có thể vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra, đạt mục tiêu ngắn và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó, tiến tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh là một yếu tố quan trọng”, Andreas Stoffers nói.
Thông tin cơ bản về Thoả thuận Xanh EU, TS. Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI cho hay: Thảo thuận Xanh EU là tập hợp 1 gói các chính sách ứng phó với biến đối khí hậu toàn cầu. Không có mục tiêu cụ thể nào trong Thoả thuận này mà là những định hướng chính sách.
Có 9 thành tố trong Thoả thuận rất chung nhưng tính đến tháng 10/2023 có 58 hành động (bao gồm các chương trình, chiến lược hành động, văn bản pháp luật lớn) được EU ban hành, dự kiến ban hành để triển khai Thoả thuận này. “Đây chỉ là bước được thống kê tuy nhiên còn nhiều hành động khác mà Trung tâm WTO chưa thống kê được”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Cũng theo đại diện Trung tâm WTO, Thoả thuận Xanh EU sẽ có 3 tác động lớn với xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó có gia tăng các tiêu chuẩn xanh với hàng hoá; gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của nhà sản xuất và gia tăng trách nhiệm giải trình.
“Thoả thuận Xanh EU rất phức tạp, tuy nhiên doanh nghiệp xuất khẩu nên bình tĩnh để tìm hiểu và đầu tư để ứng phó một cách phù hợp, hiệu quả”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
(Hải Linh/congthuong.vn)