Cùng bình luận về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam Hai trang mạng Bloomberg và VOAnews của Mỹ ngày 11/4 đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể được hưởng nhiều nhất, nhưng cũng có tên trong danh sách những nền kinh tế châu Á chịu tổn thương nhất.
Theo Bloomberg, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, song lại mang lại thắng lợi rõ ràng cho Việt Nam. VOAnews thì phân tích chi tiết hơn về cái “được” và “mất” của Việt Nam trong cuộc chiến thuế quan này, sau đó đưa ra kết luận, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tên trong cả danh sách “những nền kinh tế châu Á hưởng lợi nhiều nhất” và danh sách “những nền kinh tế châu Á chịu tổn thương nhất” do xung đột thương mại Mỹ – Trung.
Được nhiều nhất và tổn thất lớn nhất
Việt Nam sẽ là một trong những bên hưởng lợi nhiều nhất, song cũng là bên thiệt hại nhất do căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nghiên cứu 23 nền kinh tế trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, từ đó kết luận 4 nền kinh tế có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ xung đột thương mại Mỹ – Trung là Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, 4 nền kinh tế chịu hậu quả tiêu cực nhất là Hong Kong (Trung Quốc), Mông Cổ, Singapore và Việt Nam.
Như vậy, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở thành con dao 2 lưỡi đối với Việt Nam. Hà Nội đang tìm cách thu lợi từ cuộc xung đột bằng cách xuất khẩu sang Mỹ bất kể loại hàng hóa nào mà người Mỹ khó có thể mua từ Trung Quốc do vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, những lợi ích này có thể chỉ là ngắn hạn, trong khi cuộc xung đột thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm suy giảm thương mại toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị cho một kịch bản như vậy và những hướng đi dài hơi, thực chất hơn cho nền kinh tế sẽ mang lại hiệu quả.
Phó Chủ tịch Moody’s Christian de Guzman nhận định: “Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng bấp bênh, chính sách thương mại và điều kiện tài chính chặt chẽ hơn, đầu tư giảm sẽ khiến thương mại đi xuống, đặc biệt là tại Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và Mông Cổ”.
Điều này không tốt cho Việt Nam
Cuộc chiến thương mại kết hợp với chủ nghĩa bảo hộ thương mại làm tăng nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này không tốt cho Việt Nam. Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu tại hãng tư vấn Oxford Economics ở Singapore, dự báo: “Là nền kinh tế nhỏ, mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại bên ngoài, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và thương mại toàn cầu ì ạch sẽ tác động đáng kể tới Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam không phải là mục tiêu trực tiếp của việc tăng thuế quan. Sự phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài cũng khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu.”
Theo giới chuyên gia, cần có cải cách thực sự. Hà Nội phải tự lo cho mình thay vì trông chờ sự thay đổi chính sách của các nước khác. Các nhà tư vấn hối thúc Việt Nam cải cách kinh tế một cách quyết liệt, đồng thời lường trước những “chướng ngại” phát sinh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên chú ý nhiều hơn trong việc tư nhân hóa một loạt doanh nghiệp nhà nước đã được lên kế hoạch thoái vốn nhiều năm qua.
Báo cáo chung của các chuyên gia cũng khuyến nghị chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bằng cách thông qua các khoản vay và sàng lọc đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn để thu hút các hoạt động kinh doanh mang lại giá trị cao nhưng ít gây ô nhiễm hơn.
Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành cũng chỉ ra rằng tham nhũng đang là một trong những yếu tố cản trở kinh doanh. Nghiên cứu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3 vừa qua nhấn mạnh Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh là hai nơi có ít tiến bộ nhất về tham nhũng.
Một đề xuất cải cách hữu ích khác là tiếp tục tiến tới gần hơn với nền kinh tế thị trường bằng cách loại bỏ trợ cấp nhiên liệu, dịch vụ y tế và điện. Tuy nhiên, các học giả nhận ra rằng chính phủ không mấy tập trung vào cải cách, thay vào đó, đang chú trọng vào các thỏa thuận thương mại, ổn định tiền tệ và nền kinh tế.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí của Viện ISEAS –Yusof Ishak (Singapore), các học giả nhấn mạnh: “Cuộc chiến thương mại thực sự có thể khiến các nhà lãnh đạo bị phân tâm khỏi việc tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường. Thay vào đó, họ tập trung quá nhiều vào các giải pháp chiến thuật nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô và tăng xuất khẩu trong ngắn hạn, thay vì cải cách kinh tế triệt để nhằm hồi sinh tăng trưởng dài hạn”.
Thọ Anh