Trang mạng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore vừa đăng bài phân tích những tác động tích cực lẫn tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam, thảo luận về các chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với tình hình và kết luận một số điểm quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý khi đương đầu với cuộc chiến này.
Hưởng lợi từ căng thẳng nhờ cú huých tạm thời
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhờ một cú huých tạm thời trong xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ một sự biến đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp chuyển một bộ phận sản xuất đáng kể của họ ra khỏi Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các công ty đa quốc gia đã và đang chuyển các hoạt động công nghiệp lợi nhuận cao sang Việt Nam do chi phí và rủi ro đều tăng khi kinh doanh ở Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đẩy nhanh xu hướng này.
Các lợi thế của Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA), 12 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được ký kết, và các thỏa thuận quan trọng khác đang chờ được thông qua như FTA giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia sau khi căng thẳng thương mại leo thang, và các hãng sản xuất lớn trên toàn cầu như Intel, Foxconn, LG và Samsung đã chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam. Cùng lúc đó, các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển các đơn đặt hàng sản xuất các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao sang các đối tác ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại cũng đã tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có thể sớm phải chịu mức thuế cao hơn do Chính phủ Mỹ áp đặt vì các nhà máy Trung Quốc đã chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam và gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.
Việc di dời các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, mặc dù mang lại sự thúc đẩy trong ngắn hạn đối với xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, cũng làm tăng thêm nguy cơ khiến Việt Nam trở thành một “thiên đường ô nhiễm”. Một nguy cơ khác đối với Việt Nam là hàng tiêu dùng và nông sản của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại sẽ đổ vào Việt Nam.
Tóm lại, tác động của cuộc chiến thương mại đối với Việt Nam sẽ tích cực nhiều hơn là tiêu cực, nhưng về lâu dài, thiệt hại tiềm ẩn do mức thuế cao hơn của Mỹ, các vấn đề về môi trường và tỷ lệ tăng trưởng giảm sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn so với các lợi ích trong ngắn hạn.
Hai chiến lược cần thực hiện
Chiến lược số 1: Hướng tới một nền kinh tế thị trường thực sự: Sau khi đạt được thỏa thuận với Canada và Mexico, Mỹ hiện đang hướng tới các giao dịch thương mại và đầu tư với các đối tác EU và Nhật Bản với một điều khoản “liều thuốc độc” chống lại các nước “phi thị trường”.
Trong khi đó, Việt Nam được nhận xét là một “Trung Quốc mới”. Chính phủ Việt Nam phải nhận thức được những rủi ro gắn liền với việc bị phân loại là một nền kinh tế phi thị trường và phải chuẩn bị các giải pháp thích hợp để giải quyết những rủi ro này. Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều bằng chứng cho thấy các phương tiện truyền thông trong nước và các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam đang chú ý đúng mức tới tình hình này. Nếu cuộc chiến thương mại lan rộng, có khả năng Việt Nam sẽ vấp phải những vấn đề mới phát sinh từ việc bị coi là một “Trung Quốc mới”.
Lợi ích lâu dài của việc trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự đối với Việt Nam không chỉ là việc được Mỹ chính thức công nhận là một nền kinh tế thị trường để tránh tác động của cái gọi là điều khoản “liều thuốc độc” mà còn giúp các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai loại bỏ những rào cản tự áp đặt đối với tăng trưởng bền vững.
Chiến lược số 2: Đầu tư công hiệu quả hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Đối với một nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc nặng vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như Việt Nam, điều thiết yếu là chính phủ cần phải có khả năng thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nghịch lý rằng chính phủ đã không thể dành ngân sách dự kiến cho đầu tư công, và đó là một trong những lý do chính khiến đất nước không đạt được tốc độ tăng trưởng dự kiến.
Để giải quyết tình trạng “nút thắt cổ chai” trong đầu tư công, cần sửa đổi Luật đầu tư công để cho phép các quỹ đầu tư công vô cùng cần thiết được chi cho các dự án chiến lược. Cách tiếp cận này cũng cần được bổ trợ bằng một kế hoạch sử dụng các nguồn tài chính chưa sử dụng do Bộ Tài chính nắm giữ để kích thích nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế. Các biện pháp này bổ sung lẫn nhau thay vì thay thế cho nhau vì nhiều dự án cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia vẫn cần có đầu tư công.
Cần một cải cách kinh tế toàn diện
Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang ngày càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài khi căng thẳng thương mại gia tăng. Việc gỡ bỏ các rào cản đối với tăng trưởng và sao lãng khỏi các cải cách kinh tế là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong dài hạn, sự thiếu quyết đoán và thiếu cam kết có thể dẫn đến việc Việt Nam bỏ lỡ các lợi ích ngắn hạn và chịu tổn thất nghiêm trọng từ các cú sốc tiêu cực bên ngoài do tình trạng căng thẳng thương mại gây ra.
Một cải cách kinh tế toàn diện hướng tới một nền kinh tế thị trường thực sự và đầu tư công khôn ngoan hơn sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận các cú sốc bên ngoài trong tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài.
Hoàng Nhật (theo ISEAS.edu.sg)