Xung đột Nga-Ukraine tác động thế nào tới EAEU và quá trình hội nhập Á-Âu

0
275
(Nguồn: Sputnik)

Theo ông Vyacheslav Sutyrin, Tổng biên tập tạp chí Eurasia.Expert và là Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của trường Đại học khoa học nhân văn quốc gia, kết quả cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm thay đổi đáng kể các chỉ số trong quá trình hội nhập Á-Âu cũng như định dạng của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Quan hệ đối tác Á-Âu mở rộng.

Kết quả cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm thay đổi đáng kể các chỉ số trong quá trình hội nhập Á-Âu cũng như định dạng của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). (Nguồn: Sputnik)

Bước đi đầu tiên của Mỹ – nỗ lực nhằm phá hoại nền kinh tế Nga và kích động các cuộc biểu tình – đã không mang lại kết quả. Tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã hồi phục, giá hàng xuất khẩu của Nga đang phá kỷ lục và các nước EU bắt đầu mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Chính phủ Nga dự kiến GDP sẽ giảm 9% vào năm 2022. Nền kinh tế đã phải chịu nhiều áp lực: Đại dịch COVID-19 khiến GDP năm 2022 giảm 9%; trước đó, khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 khiến GDP giảm sâu hơn nữa.

Bước đi thứ hai của Mỹ/NATO là tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cũng như thông tin tình báo và tiền bạc cho Kiev. Ở phương Tây, mục tiêu được đặt ra là làm suy yếu nước Nga và đạt được một giải pháp quân sự thay thế các cuộc đàm phán mà Moskva vẫn đang tiến hành. Như Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã phát biểu, đây là một “cuộc chiến tranh uỷ nhiệm” của NATO chống lại Nga.

Mong muốn của Washington – làm suy yếu nước Nga thông qua cuộc chiến ở Ukraine – được thúc đẩy bởi ý đồ đấu tranh giành độc quyền kiểm soát toàn cầu. Mặc dù tiềm năng kinh tế phần nào đã bị tổn hại bởi nợ nần, nhưng Mỹ vẫn kiên quyết duy trì việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự toàn cầu. Điều đáng chú ý là tỷ trọng GDP toàn cầu của những nước phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã suy giảm 20% trong vòng 20 năm gần đây và hiện chỉ còn hơn một nửa. Trong khi đó, 2/3 dân số thế giới đang sống ở các nước không ủng hộ lệnh trừng phạt. Tiêu dùng ở Mỹ và các nước khác thuộc NATO không tương xứng với vai trò thực tế của họ trong nền kinh tế thế giới.

Hậu quả đối với các nước EAEU

Việc giải quyết các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ củng cố uy tín địa chính trị của Nga. Thay vì vị thế của Liên Xô đầu những năm 1990, vị thế của Nga trên trường quốc tế sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với khả năng ngày càng tăng của nước này. Thành công của Nga sẽ tạo ra một xu hướng mạnh mẽ thu hút các nước lân cận. Uy tín ngày càng tăng của EAEU sẽ khiến các quốc gia khác mong muốn tham gia liên minh.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm hội nhập của thập kỷ trước. Việc tạo ra một liên minh hải quan và sau đó là liên minh kinh tế trong một thời gian ngắn giúp thiết lập nền tảng, mà nếu không có thì các lệnh trừng phạt hiện nay sẽ phá huỷ quan hệ thương mại giữa Nga với các quốc gia khác trong EAEU. Điều này sẽ đẩy các nước còn lại trong liên minh vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, do Nga chiếm tới 80% GDP của EAEU.

Nhờ có cơ sở hạ tầng của liên minh mà các quốc gia thành viên có thể từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong trao đổi thương mại. Năm 2020, tỷ trọng của đồng ruble trong các giao dịch thương mại chung đã vượt 2/3, chiếm khoảng 70-75%.

Điều cấp thiết trong những năm tới là làm thế nào để tăng trưởng không phụ thuộc vào đồng USD. Chúng ta đang nói về việc xây dựng một mạng lưới kinh tế tự cung tự cấp trên cơ sở phát huy khả năng tự chủ về các nguồn lực và thành phần quan trọng, cũng như đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng tài chính. Việc giải quyết hiệu quả những vấn đề này sẽ giúp đối phó với những hệ quả của một cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đương nhiên, không nên tách biệt an ninh kinh tế với an ninh xã hội. Như các sự kiện ở Belarus và Kazakhstan trong giai đoạn năm 2020-2022 cho thấy các quốc gia chủ chốt trong khu vực cần Nga để đảm bảo hoà bình dân sự và sự ổn định của các thể chế nhà nước. Và những nỗ lực để tách khỏi Nga – không chỉ về kinh tế mà cả về ý thức chính trị – đang phá huỷ chế độ chính trị ở những nước này.

Cuộc khủng hoảng và cơ hội mới

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực và di cư trong những năm tới. Nga, quốc gia có nguồn dự trữ lượng năng lượng và nguồn thực phẩm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 20% nguồn cung lúa mì toàn cầu, vốn cần thiết cho nền kinh tế thế giới. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarus, với tư cách là những nhà sản xuất phân bón giá rẻ lớn nhất thế giới, trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt sẽ phá hoại mùa màng thế giới trong những năm tới.

Trong khi đó, thị trường thế giới đầu năm 2022 đã chứng kiến sự thiếu hụt chưa từng có về tài nguyên năng lượng và kim loại, cũng như sự gia tăng lạm phát ở mức cao nhất ở Mỹ trong 40 năm qua. Giá hàng hoá xuất khẩu tăng sẽ cho phép Kazakhstan, Belarus và các thành viên khác của EAEU tăng thu nhập từ xuất khẩu và do đó bù đắp lạm phát toàn cầu đang gia tăng.

Tiềm năng tích luỹ, bao gồm cả kinh nghiệm vượt qua các lệnh trừng phạt, từ năm 2014 sẽ cho phép nền kinh tế Nga nhanh chóng thích ứng với các biện pháp trừng phạt và cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong những năm tới, Nga sẽ trải qua một giai đoạn cần nhiều lao động để hoàn thành việc xây dựng nền tảng công nghiệp tự cung tự cấp, bao gồm công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nga sẽ mở rộng việc thanh toán bằng đồng ruble đối với các khoản vay và các gói cung cấp năng lượng. Việc chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble đối với các sản phẩm năng lượng giúp các nước EAEU nhập khẩu với giá thấp hơn. Do đó, bằng cách duy trì tỷ lệ thanh toán khí đốt cố định ở mức 75 ruble/1 USD, Belarus sẽ tiết kiệm được 0,5 tỷ USD vào năm 2022. Nhìn chung, khoản tiết kiệm mà Minsk có được nhờ giá khí đốt thấp (128,5 USD/1.000 m3) so với giá của EU vào năm 2021 sẽ lên tới khoảng 5 tỷ USD/năm.

Việc tiếp tục cải tổ nền kinh tế Nga và sự rút lui của các thương hiệu phương Tây sẽ mở ra cơ hội cho các nước đối tác EAEU tăng cường xuất khẩu dịch vụ, thực phẩm và các sản phẩm kỹ thuật. Các ngách mới bị bỏ trống trên thị trường Nga sẽ là nơi các quốc gia EAEU có đặc quyền tiếp cận. Đồng thời, việc giảm căng thẳng kinh tế-xã hội ở các nước láng giềng cũng sẽ phụ thuộc vào việc xuất khẩu lao động sang Nga.

Nga sẽ tăng cường nhập khẩu từ các nước láng giềng để thay thế nguồn cung từ các quốc gia không thân thiện. Nguồn lực từ các thị trường phương Tây sẽ được chuyển hướng sang Nga và các nước lân cận. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dọc tuyến Tây-Đông và Bắc-Nam sẽ được đẩy mạnh. Sự phát triển của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy đã được tiên lượng của Trung Á.

Trật tự bình đẳng thay vì ngoại lệ

Việc Nga bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình sẽ góp phần xoá bỏ trật tự thế giới dựa trên sự độc quyền của phương Tây. Tính độc quyền nằm ở sự kiểm soát thiếu công bằng của phương Tây đối với hầu hết các nguồn tài nguyên của thế giới vốn không thuộc về họ. Mỹ “xuất khẩu” lạm phát sang các nước đang phát triển nhờ vào việc đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tuy nhiên, việc Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới trong 20 năm qua khiến đồng USD không còn gắn kết với giá trị thực.

Thay vì các yếu tố thị trường công bằng, hệ thống thống trị này được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng quân sự toàn cầu của Mỹ/NATO, vốn được sử dụng để kiềm chế Trung Quốc, Nga, cũng như các nước khác trong EAEU và BRICS+. Một mô hình bất đối xứng và bất công như vậy đòi hỏi khả năng tự biện minh về mặt đạo đức của phương Tây để tồn tại, nhưng đây chỉ là một ảo tưởng.

Sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á khiến Washington ngày càng lo ngại và phải tìm cách đối phó. Trên thực tế, sức mạnh quân sự của Nga, quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tiêu diệt Mỹ – điều mà chính Washington đã thừa nhận, là để bảo vệ sự trỗi dậy này, cũng như chủ quyền của các nước EAEU. Kết quả là, nhiều cơ hội để tạo ra một trật tự thế giới cân bằng hơn, chứ không bị nghiêng về phía có lợi cho phương Tây, đã xuất hiện.

Có thể nhìn thấy dấu hiệu của điều này ở giai đoạn phôi thai của một trật tự như vậy – đó là việc Hải quân Bồ Đào Nhà thiết lập “lệ phí qua lại” cho các tàu của Ấn Độ và Arập ở Ấn Độ Dương đầu thế kỷ 16 và sau đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân châu Âu.
Đã đến lúc phải suy nghĩ về các lựa chọn thay thế, chẳng hạn như ý tưởng của các nhà Á-Âu học về các không gian kinh tế (các khu vực lân cận lục địa) bổ trợ lẫn nhau. Nga đang quảng bá về triết lý này ở cấp độ quốc tế – dưới dạng một thế giới đa cực hay nói cách khác là một thế giới của các nền văn hoá và văn minh bình đẳng.

Những dấu hiệu của một trật tự thế giới mới đã lộ rõ. Khi nợ công của Mỹ tăng lên trong 20 năm qua, các quốc gia khác đã giảm dần tỷ trọng của đồng USD với vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu trong các giao dịch thương mại. Theo IMF, vào tháng 3/2022, tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ 71% xuống còn 59% do sự thay thế của các đồng tiền quốc gia khác, điều chưa từng có trong hơn 20 năm qua. Quá trình này sẽ còn tăng tốc sau khi niềm tin vào đồng USD bị xói mòn do Nga rút dự trữ bằng đồng USD, tạo ra rủi ro rất lớn đối với Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong bối cảnh nói trên, tất cả các điều kiện tiên quyết cần có để thiết lập một cơ chế hoà bình lâu dài và cùng phát triển ở lục địa Âu-Á dựa trên các nguyên tắc tương ứng đã hội tụ. “Tương ứng” ở đây không có nghĩa là xoá bỏ sự khác biệt – việc các quốc gia và khả năng của họ khác nhau là điều đương nhiên.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here