Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ: Linh hoạt thích ứng

0
68
Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đã tạo ra thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo các chuyên gia, để ổn định xuất khẩu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) chủ động, linh hoạt…
xuc tien thuong mai sang thi truong my linh hoat thich ung
Thủy sản – mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ 7 tháng đầu năm 2018

Xu hướng thương mại mới

Chính phủ Mỹ đã ban hành chiến lược an ninh quốc gia mới, đưa kinh tế – thương mại trở thành 1 trong 4 trụ cột và đặt trọng tâm vào bảo vệ sở hữu trí tuệ, xử lý thâm hụt thương mại; đồng thời, yêu cầu thương mại công bằng- có đi có lại.

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng- Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong lĩnh vực thương mại, yêu cầu của Mỹ đã mở rộng hơn nhiều, không chỉ đơn thuần là xuất nhập khẩu, rào cản thuế quan mà còn gắn kết cả những lĩnh vực từ trước tới nay chưa có tiền lệ như thao túng tiền tệ. Mỹ sẽ tăng cường sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó có cả biện pháp phi truyền thống nhằm tăng thuế với nhiều mặt hàng.

Tác động của chính sách thương mại mới sẽ khiến nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài (FDI) của Mỹ quay trở lại thị trường nội địa. Do đó, thu hút vốn FDI từ Mỹ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, để đối phó với chính sách thương mại mới của Mỹ, các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ sẽ hạ tỷ giá nội tệ để khuyến khích xuất khẩu, cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa của Việt Nam.

Đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại

Thống kê của Ủy ban Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam năm 2017 đạt 38,3 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất siêu lớn thứ 6 vào Mỹ. Điều này khiến Chính phủ Mỹ điều tra nguyên nhân xuất siêu của 16 nước vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Không ngoại trừ Mỹ sẽ có những đối sách hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam. Để tránh bị ảnh hưởng từ những đối sách này, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, công tác XTTM với vai trò mở đường cho doanh nghiệp cần triển khai các hoạt động một cách linh hoạt, chủ động và phù hợp.

Bà Trần Kim Oanh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Công Thương (Cục XTTM)- nhấn mạnh, Cục sẽ thực hiện đa dạng các hình thức XTTM, giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn cung cấp thông tin thị trường Mỹ; phối hợp với các chuyên gia làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, khuyến cáo về những trở ngại có thể gặp phải và giải pháp tháo gỡ; tổ chức các cuộc kết nối giao thương, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nhà nhập khẩu Mỹ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đặc biệt, Cục XTTM cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi phân phối của Mỹ. Bà Trần Kim Oanh khẳng định, đây là việc không hề dễ dàng. Doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực sản xuất để có thể đáp ứng đơn hàng lớn, chất lượng sản phẩm ổn định. Cục XTTM tìm hướng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Mỹ tại Việt Nam, bước đầu có thể cung ứng nguyên, phụ liệu nhỏ, sau đó tiến dần tới sản phẩm hoàn chỉnh có giá trị cao hơn. Ngoài ra, Cục cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhằm tạo vị thế của sản phẩm; tiếp cận chương trình đổi mới công nghệ sản xuất, tiết giảm chi phí và đáp ứng các tiêu chí khắt khe từ thị trường Mỹ./.

Việt Nga-Báo Công Thương

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here