Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đã vượt qua Mỹ vươn lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11/2024.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 11/2024 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 11 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng nổi bật, đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm.
Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng qua và dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ chạm mốc 2 tỷ USD.
Mặt hàng cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao; trong đó, nhuyễn thể có vỏ đạt mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep cho biết, không chỉ có các sản phẩm chủ lực, ngành thủy sản Việt Nam còn đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng năm 2024 và dự báo cả năm sẽ đạt trên 264 triệu USD với thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đã vượt qua Mỹ vươn lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu lũy kế 11 tháng lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới.
Mặc dù thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11 nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản; trong đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đang có mức tăng trưởng cao trong những tháng gần đây khi kinh tế Nhật Bản có nhiều tín hiệu tích cực.
Bà Nguyễn Thuý An, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá thông tin, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp dịp cuối năm rất khả quan. Trong đó, các thị trường đang yêu cầu doanh nghiệp giao hàng nhanh, số lượng lớn.
“Tính đến thời điểm hiện tại, đơn hàng tại Hùng Cá đã tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng ở các thị trường như Ai Cập, Malaysia, Trung Quốc… Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào khá tốt để sẵn sàng đáp ứng đơn hàng cho các đối tác quốc tế”, bà An cho hay.
Theo bà Lê Hằng, năm 2024 xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tích ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Dựa trên những tín hiệu tích cực từ thị trường và sản phẩm thủy sản, gần như chắc chắn Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023. Đặc biệt, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào kết quả này.
Nhìn chung, 2024 là một năm đầy hứa hẹn đối với ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Bước sang năm 2025, xuất khẩu thủy sản có thể đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Trong những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nền kinh tế lớn số 1 thế giới trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.
Theo VASEP, ông Donald Trump đã tái đắc cử Tổng thống, các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc có thể gia tăng đối đầu thương mại, Washington có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Bắc Kinh và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Việc nước này tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc.
Hải An