Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tiếp lập thành tích ấn tượng, thị phần tại Trung Quốc tăng mạnh

0
83
Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 32,8%, tăng hơn 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hoàng Nam/VNE)

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng năm 2024 ước đạt trên 1,8 tỷ USD; đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 32,8%, tăng hơn 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hoàng Nam/VNE)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy) của Việt Nam đạt trên 76 nghìn tấn, trị giá 280,18 triệu USD, giảm 30,8% về lượng và giảm 30,7% về trị giá so với tháng 6, so với tháng 7/2023 giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 82% về trị giá.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương với 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) dự kiến, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 4,5 – 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ngành sầu riêng đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ đó. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng ước đạt trên 1,8 tỷ USD; đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, trong đó Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng của cả nước hiện là 154.000ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.

Tin vui là mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Với bước ngoặt này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt 400 – 500 triệu USD ngay trong năm 2024.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm nay, giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức 4.760 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, đạt 558.300 tấn, trị giá 2,85 tỷ USD, giảm 7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần sầu riêng của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở mức 67%, thu hẹp so với con số 76% của nửa đầu năm ngoái. Ngược lại, nửa đầu năm nay, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 32,8%, tăng hơn 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Thư ký VINAFRUIT Đặng Phúc Nguyên nhận định, trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu sầu riêng tươi, đến nay đã có thêm sầu riêng đông lạnh thì xuất khẩu sầu riêng sẽ vững chắc; hỗ trợ qua lại những lúc sầu riêng rộ mùa không tiêu thụ kịp, có thể đưa qua chế biến. Điều này sẽ làm tăng giá trị cho sầu riêng và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đặt nền móng trong tương lai cho ngành sầu riêng phát triển theo hướng chế biến, bởi xu hướng thế giới và Trung Quốc có thể chuyển sang sầu riêng đông lạnh nhiều để tiết kiệm vận chuyển, tiện lợi hơn.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, đây là một năm bội thu cho ngành sầu riêng, khi giá cả liên tục tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Ông Nguyên nhấn mạnh, việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực thu hoạch theo mùa mà còn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, nhất là với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã. Hiện tại, giá một container sầu riêng đông lạnh vào khoảng 5-6 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt 3-3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành hàng rau quả Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của trái sầu riêng trong các tháng còn lại năm nay.

Vừa qua, tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những vấn đề được các đại biểu đặt ra là phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân. Theo các đại biểu, việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam hiện chưa đạt hiệu quả mong muốn. Với ngành sầu riêng, việc thu mua sầu riêng có mã vùng trồng và sầu riêng không có mã vùng trồng cũng không có sự khác biệt rõ ràng. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nông dân và sự phát triển bền vững của vùng trồng; đe dọa khả năng cạnh tranh lâu dài của sầu riêng Việt trên thị trường quốc tế.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đã được ký kết, điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt nhiều vấn đề, trong đó là mục tiêu phải đưa sầu riêng trở thành một sản phẩm quốc gia.

Bộ trưởng thừa nhận rằng, Việt Nam đi sau so với Thái Lan và Malaysia trong lĩnh vực xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc; dù chúng ta có nhiều khía cạnh bứt phá nhưng cũng còn nhiều vấn đề ngay nội tại. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng thương hiệu cho nông sản. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là biến sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, thông qua việc xây dựng và thiết kế các chính sách chung cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, và cơ sở hạ tầng.

Theo các chuyên gia, để nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, đầu tiên cần tuyên truyền, tập huấn quản lý, nâng cao chất lượng sầu riêng cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần làm tốt khâu liên kết sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đầu tư vào giải pháp kỹ thuật cấp đông; tập trung hỗ trợ nhiều vào các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here