
Các lô hàng khoai tây xuất khẩu đã tăng trở lại khi doanh thu từ ngành này tăng gần gấp đôi trong năm tài chính vừa kết thúc (FY20) nhờ nỗ lực của các nhà xuất khẩu đã tận dụng cơ hội trên thị trường quốc tế khi nguồn cung từ Trung Quốc và Pakistan giảm do sản lượng thấp hơn trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19. Xuất khẩu khoai tây tăng 29% so với cùng kỳ, lên đến 45.000 tấn trong năm tài khóa FY20. Về giá trị, Bangladesh đã thu về 23,30 triệu USD từ xuất khẩu khoai tây, cao hơn 86% so với năm trước đó. Chính phủ đã cấp một khoản hỗ trợ tiền mặt 20% để đẩy nhanh xuất khẩu khoai tây và bảo vệ nông dân khỏi nguy cơ thua lỗ.
Bangladesh là nước sản xuất khoai tây lớn thứ 6 trên thế giới và trong nhiều năm qua, nông dân đã sản xuất số lượng nhiều hơn so với yêu cầu hàng năm. Trong năm tài khóa FY19, Bangladesh đã được trồng 9,66 triệu tấn khoai tây, cao hơn so với nhu cầu trong nước chỉ là gần 8 triệu tấn.
Theo Kazi Morshed, thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu khoai tây Bangladesh (BPEA), nhu cầu ở một số thị trường quốc tế vẫn cao, đặc biệt là Malaysia, Singapore và Sri Lanka, những điểm đến chính cho cây trồng củ của Bangladesh. Ông cũng cho biết nhu cầu khoai tây của nước ngoài rất cao nhưng Bangladesh không thể đáp ứng vì giá ở thị trường trong nước tăng và các vấn đề về đóng gói và vận chuyển trong thời gian đóng cửa của Chính phủ hồi cuối tháng 3. Morshed nhận được hợp đồng bán 12.000 tấn khoai tây. Tuy nhiên, ông chỉ có thể giao 4.000 tấn do không sắp xếp đủ nhân lực để chuẩn bị vận chuyển đúng thời hạn trong bối cảnh đóng cửa toàn quốc.
Md Azahar Ali, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật của Cục Khuyến nông cho biết, việc tăng giá khoai tây trong nước đã ảnh hưởng đến xuất khẩu khoai tây. Ngoài ra, khoai tây đã được phân phối thực phẩm để hỗ trợ người nghèo trong thời gian đóng cửa cả nước. Dữ liệu từ Tập đoàn Thương mại Bangladesh cho thấy khoai tây được bán ở mức 30-35 Tk/kg tại thành phố Dhaka vào ngày 18/7, cao hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch BPEA Shaikh Abdul Quader cho biết nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm vì giá khoai tây ở nước ngoài cao. “Chúng tôi không nên hài lòng. Chúng tôi vẫn chưa quay trở lại mức xuất khẩu năm 2014”. Các nhà xuất khẩu đã xuất hơn 100.000 tấn khoai tây tươi trong năm tài chính 2013-2014, do nhu cầu cao ở Nga, một trong những nước nhập khẩu rau củ lớn nhất. Tuy nhiên, Nga đã áp dụng các hạn chế đối với việc nhập hàng khoai tây của Bangladesh do rủi ro về an toàn thực phẩm và bệnh tật vào hồi tháng 5/2015. Xuất khẩu sau đó đã giảm và dao động khoảng 40.000-50.000 tấn kể từ năm tài chính 2015-2016.
Quader cũng nói rằng việc không có loại khoai tây chất lượng để có thể xuất khẩu là một trở ngại lớn. Vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã gỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng giống khoai tây mới trong ba năm nhằm thúc đẩy canh tác cho xuất khẩu và chế biến. Nông dân chủ yếu trồng một số giống khoai tây sử dụng trong gia đình, chưa có các giống dùng trong chế biến nông sản. Quader cho biết công ty của ông đã nhập khẩu 14 giống khoai tây để trồng và cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tăng xuất khẩu.
Các nhà xuất khẩu cũng đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp thích hợp để các nước như Nga và Indonesia loại bỏ các hạn chế đối với việc nhập khoai tây Bangladesh.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)