Ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng. Vì vậy, việc tạm ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực có thể đánh mất cơ hội cho người sản xuất lúa gạo và các nhà xuất khẩu.
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, thông quan đối với các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3. Mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cũng đang thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm, đạt 930.000 tấn (tăng khoảng 32%). Giá gạo theo đó cũng biến động, tăng 20-25% tuỳ từng loại thóc. Dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới, khiến nhu cầu thực phẩm thiết yếu như gạo tăng cao. Chính vì thế, một số quốc gia đã tăng mua, dự trữ gạo.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc hơn 66.000 tấn gạo, trị giá hơn 37 triệu USD, tăng 723,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng tốt nhất của gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, một số thị trường khác cũng có sự tăng trưởng rất cao như: Pháp, Đài Loan, Nga, Philippines, Malaysia.
Ngày 25/4, một ngày sau khi đề xuất dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã xin Thủ tướng kiến nghị tiếp tục việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn thực kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Trả lời báo chí về lý do thay đổi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, nhất là sản lượng lúa vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long trong doanh nghiệp nên Bộ Công Thương cần thời gian tính toán lại. Theo Nghị định 107/2019, khi Việt Nam đã tự do hoá thị trường xuất khẩu gạo thì độ vênh về số liệu là hoàn toàn dễ hiểu. Do đó, các doanh nghiệp không còn phải đăng ký số lượng gạo sản xuất, tồn kho, hợp đồng xuất khẩu… như trước.
“Trước đó, Bộ Công Thương đưa ra phương án tạm lùi, giãn tiến độ xuất khẩu vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong nước chứ không phải kiến nghị cho dừng ngay hay tiếp tục xuất khẩu gạo”, Thứ trưởng Quốc Khánh khẳng định.
Đưa ra ý kiến về việc Việt Nam dừng xuất khẩu gạo, thành viên Liên Minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, quyết định này có phần “vội vã”. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại về việc thiếu lương thực trong đại dịch Covid-19, tâm lý người dân muốn đầu cơ tích trữ hoặc có thể do hoạt động kinh tế suy giảm, dẫn tới sản lượng giảm, nhiều nước bắt đầu thu gom gạo quy mô lớn. Ví dụ điển hình là Trung Quốc 2 tháng đầu năm đã tăng mua gấp 7 lần cùng kỳ.
TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định, ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng. Vì vậy, việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) và cả các nhà xuất khẩu (doanh nghiệp).
“Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nên tranh thủ đón đợt sóng tăng giá đầu tiên, bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, Việt Nam vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó”, TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định.
Còn chuyên gia pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Minh Đức thì cho rằng, việc cấm xuất khẩu gạo có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong ngắn hạn, nhưng sẽ mang lại 3 tác động xấu. Thứ nhất, việc cấm xuất khẩu gạo sẽ làm giảm giá lúa gạo trong nước, khiến nông dân chịu thiệt hại. Thứ hai, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo khi không bán được hàng, mất hợp đồng với đối tác nước ngoài. Thứ ba, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế với các nước mua gạo và có thể sẽ bị “trả đũa” bằng cách khác.
Gia Thành