Báo Phnom Penh Post dẫn số liệu mới nhất của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia cho biết, xuất khẩu gạo của nước này vẫn tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2020, bất chấp những lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan nhanh trên thế giới.
Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhorn ghi nhận trong hai tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu 136.499 tấn gạo, tăng 21,34% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm phần nhiều nhất với 37,43% (tương đương 51.092 tấn), tiếp đến là thị trường châu Âu 30,31% (41.373 tấn), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 18,48% (25.231 tấn) và các thị trường khác 3,78% (18.803 tấn).
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, xuất khẩu gạo của nước này sang các thị trường đối tác đều tăng. Tại châu Âu, thuế nhập khẩu gạo Campuchia đã giảm từ 175 euro/tấn năm 2019 xuống 150 euro/tấn năm 2020 và điều này giúp gạo Campuchia rộng cửa hơn vào thị trường châu Âu.
Ông Lun Yeng cũng tin tưởng gạo Campuchia sẽ trở nên phổ biến tại Trung Quốc nhờ nhu cầu cao của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nhờ chất lượng gạo được đối tác đánh giá tốt và quan hệ quốc tế của nước này ngày càng được cải thiện, dịch bệnh COVID-19 được cho là không tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của nước này.
Theo báo cáo của CRF, trong năm 2019, Campuchia đã xuất khẩu 620.106 tấn gạo, giảm 0,97% so với mức 626.225 tấn năm 2018.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan mới đây đã tổ chức một cuộc họp với các cơ quan liên quan và các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm những biện pháp giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới mà quốc gia Đông Nam Á này để mất từ ba năm qua.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với trên 25% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothamatas gần đây nhận định, Thái Lan có nguy cơ để mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào tay Việt Nam trong năm 2020.
Ông Charoen lý giải nguy cơ Thái Lan tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là do cạnh tranh khắc nghiệt, chi phí sản xuất tương đối cao hơn so với các đối thủ, thị trường ngoại hối biến động và hạn hán trên diện rộng. Ngoài ra, những giống lúa mà Thái Lan xuất khẩu trong 30 năm qua không có sự thay đổi dù trên thực tế nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng đang thay đổi.
Trong khi đó, giá gạo được dự báo sẽ tăng cho tới giữa năm nay do người tiêu dùng toàn cầu đang đẩy mạnh tích trữ, trong khi Trung Quốc sẽ không tăng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chủ tịch danh dự TREA Chookiat Ophaswongse cho biết, nhu cầu về gạo toàn cầu đã mạnh lên kể từ khi bùng nổ dịch COVID-19, khiến giá gạo tăng từ 30-50 USD/tấn kể từ đầu năm nay. Ông Chookiat cho hay Trung Quốc, quốc gia kiểm soát lượng tồn kho gạo khổng lồ lên tới 120 triệu tấn, đã ngừng xuất khẩu, sau khi chỉ xuất 3 triệu tấn với giá thấp hơn giá gạo của Thái Lan khoảng 100 USD/tấn trong năm 2019. Trước khi bùng nổ dịch COVID-19, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng xuất khẩu gạo lên mức 3,5-4 triệu tấn trong năm 2020.
Theo ông Chookiat, khách hàng từ một số nước hiện đang quan tâm hơn tới gạo Thái Lan và một số nhà nhập khẩu sẵn sàng mua với số lượng không hạn chế để tăng lượng hàng trong kho. Giá gạo trắng 5% tấm giao lên tàu (FOB) đã tăng từ 400 USD/tấn lên 440-450 USD/tấn vào đầu năm nay.
Trong vài năm qua, các thương nhân đã gặp khó khăn khi bán gạo Thái Lan do giá tương đối cao so với gạo của các nước khác. Theo ông Chookiat, một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu gạo, đồng baht yếu đi và Indonesia nối lại hoạt động mua gạo, thì triển vọng sẽ sáng hơn. Ông Chookiat dự báo giá gạo sẽ dần tăng cho tới giữa năm nay hoặc lâu hơn nếu dịch COVID-19 còn kéo dài.
Năm 2019, Thái Lan đã xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ baht (hơn 4,15 tỷ USD), giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó. TREA đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2020, với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.
Ngọc Quang