Xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Mỹ đã tăng 2,90%, đạt mức 1,87 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018 do các nhà xuất khẩu Bangladesh được hưởng lợi từ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trước khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP, rất nhiều các nhà bán lẻ dệt may của Mỹ đã đặt các đơn hàng sản xuất trị giá hàng tỷ USD tại thị trường Việt Nam – đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Bangladesh trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may với hy vọng hưởng lợi từ chính sách miễn thuế quan. Theo ông Siddiqur Rahman, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều nhà bán lẻ của Mỹ đã dần dần quay lại Bangladesh. Theo số liệu của Cơ quan Dệt may Mỹ, từ tháng 1 đến tháng 4/2018, Bangladesh đứng ở vị trí thứ 6 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất vào Mỹ. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Bangladesh; 90% hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh vào Mỹ là dệt may.
Lý do khác khiến hàng dệt may của Bangladesh vào Mỹ tăng trở lại là do Bangladesh đã gần như đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Accord and Alliance về an toàn lao động tại các cơ sở sản xuất hàng dệt may. Sau vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra năm 2013 khi Tòa nhà Rana Plaza bị đổ sập khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, Tổ chức Accord and Alliance đã siết chặt các quy định về an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất dệt may của Bangladesh. Kể từ đó đến nay, Bangladesh đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhằm khôi phục hình ảnh của nước này trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc một số thị trường xuất khẩu dệt may lớn như Campuchia và Ethiopia chậm trễ trong việc giao hàng cho các nhà bán lẻ tại Mỹ cũng khiến các đơn hàng quay trở lại Bangladesh.
(ĐSQVN tại Bangladesh – Theo The Daily Star, The Financial Express)