Sau khi về đích với 371,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, ngành Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, nhập khẩu 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 9 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Năm 2023, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư.
Mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới được xác định sẽ gặp nhiều thách thức bởi từ quý 4/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…lạm phát tăng cao đã giảm sức mua, đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỹ đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, 11 tháng 2022, riêng Mỹ đã nhập hơn 101 tỷ USD bao gồm: điện thoại, máy tính, hàng dệt may, nông thủy sản Việt Nam.
Để có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm tới với bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khó khăn, sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định, tiếp cận thị trường và vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn…nhiều giải pháp đã được Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành mới đây.
Giải pháp trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.
Bộ sẽ tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Mục tiêu là phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp chủ động nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu lân cận, lưu ý các quy tiêu chuẩn khi hầu hết các thị trường chủ đạo cho xuất khẩu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các tiêu chí nhập khẩu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
(Thế Hoàng/baodautu)