Xuất khẩu da giày tăng: Chỉ là bề nổi

0
250
(à Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam)
(à Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam)

Hết quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tăng khoảng 10% so với cùng kỳ nhưng con số này chưa phản ánh đúng tình trạng “sức khoẻ” của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Đó là chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam với phóng viên Báo Công Thương.

Thưa bà, xuất khẩu của ngành da giày quý I/2021 đã có sự tăng trưởng, đây có phải là dấu hiệu khởi sắc của ngành?

Quý I/2021, xuất khẩu của ngành da giày tăng khoảng 10%. Đây là con số tăng trưởng khá tốt bởi trong tháng 2, do mất thời gian dài công nhân nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất phải tạm dừng. Việt Nam vẫn được ghi nhận là thị trường tốt, được các nhãn hàng tin tưởng.
Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng có thể thấy, xuất khẩu của da giày Việt Nam không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi, chưa phản ánh đúng tình trạng “sức khoẻ” doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với các doanh nghiệp có thực lực, gia công giày thể thao cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas lượng đơn hàng ổn định. Còn những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có công nghệ sản xuất tốt, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thời trang… đang cực kỳ khó khăn, đơn hàng nhỏ giọt, thậm chí không có.
Từ đầu năm tới nay, giá nguyên liệu tăng chóng mặt, tới 15%; giá vận tải tăng do ách tắc trong khâu vận chuyển trong khi giá đầu ra không thay đổi, doanh nghiệp buộc phải giảm tối đa lợi nhuận. Cùng đó, năm 2020, doanh nghiệp ngành da giày bao gồm cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp nội địa phải bù lỗ rất lớn. Tất cả những điều đó khiến doanh nghiệp trong nước cần nhiều thời gian để phục hồi.
Bà đánh giá như thế nào về khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực trong xuất khẩu của doanh nghiệp ngành da giày?
Ngành da giày đang tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, đạt khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Do mặt hàng chủ lực của chúng ta là giày thể thao – một trong những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan sớm. Chúng ta cũng không bị vướng về quy tắc xuất xứ. Thêm vào đó, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Anh – đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.
Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Canada và Mexico tăng nhanh, nhất là Canada do thị trường này cho giày dép Việt Nam hưởng ngay mức thuế 0%. Còn các thị trường khác như Australia tỷ lệ tận dụng chưa cao do lộ trình giảm thuế còn rất dài.
Dù vậy, số doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ các FTA vẫn chủ yếu nằm trong khối FDI. Doanh nghiệp nội địa tận dụng được ưu đãi vẫn chưa nhiều. Chúng ta vẫn rất thiếu nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Cho dù có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng một là chính sách chưa cụ thể, hai là các địa phương không muốn nhận các dự án da thuộc, khiến khâu thượng nguồn của ngành vẫn chưa phát triển được.
Bà dự đoán ra sao về tình hình xuất khẩu của ngành da giày trong quý II/2021, thưa bà?
Trong quý II/2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng, thu hút được đơn hàng từ các nhãn hàng lớn và khả năng tăng trưởng xuất khẩu là có. Tuy vậy, khối FDI vẫn chiếm tới 80% tỷ trọng xuất khẩu và doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể gia tăng được thị phần, vẫn chỉ loanh quanh mức 20% tỷ trọng.
Con số này vẫn chưa đáng ngại, quan trọng là nội lực của doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù các FTA mang lại cơ hội khôi phục xuất khẩu là có thật nhưng nếu nội lực của doanh nghiệp Việt Nam không được cải thiện sẽ mất dần thị trường vào tay khối doanh nghiệp FDI. Cụ thể ở đây là vấn đề vốn, nếu không có vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất, nhà xưởng đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ không nhận được đơn hàng và miếng bánh cứ mất dần ra khỏi khối doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, xu hướng dịch chuyển sản xuất hiện đang diễn ra mạnh mẽ. Các nhãn hàng lớn trên thế giới đã nhận thức được nguy cơ từ việc “bỏ trứng vào một giỏ”. Hơn nữa, do không thể lường trước được thiên tai, dịch bệnh, các nhãn hàng sẽ xé nhỏ và phân tán sản xuất ra nhiều quốc gia để phòng tránh thiệt hại. Đây là chiến lược phòng chống rủi ro đang được các nhãn hàng áp dụng.
Đối phó với chiến lược này, chúng ta chấp nhận chia sẻ lợi thế như năng lực sản xuất nhưng cũng cần tận dụng cơ hội để hút các nguồn lực cho phát triển nguyên phụ liệu. Vấn đề là các nhà quản lý phải hiểu câu chuyện đó để xây dựng chính sách hợp lý, đủ lực hấp dẫn kéo nhà đầu tư thuộc lĩnh vực cần thiết đến Việt Nam.
(Việt Nga/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here