Xét về lĩnh vực chất bán dẫn và máy móc, dựa trên phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong quý 2/2024 đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo trang nikkei.com ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ trong quý 2/2024 tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN sau Philippines với mức tăng 35%.
Xét về lĩnh vực chất bán dẫn và máy móc, dựa trên phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong quý 2/2024 đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo là Philippines, với lượng hàng xuất khẩu tăng 36%, xuất khẩu của Thái Lan tăng 16% và Malaysia tăng 9%.
Những biện pháp hạn chế mà Washington áp dụng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là với chất bán dẫn tiên tiến (từ tháng 10/2022), đã làm thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo trang nikkei.com, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt, nhiều nhà sản xuất bán dẫn và các công ty công nghệ khác đã đặt nhà máy ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, gần biên giới Trung Quốc.
Với vị trí này, các công ty vẫn có thể tận dụng chuỗi cung ứng của Trung Quốc và vẫn xuất khẩu dễ dàng từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (mở cửa từ năm 2018).
Samsung Electronics cũng có các nhà máy lớn tại các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên ở miền Bắc Việt Nam.
Ông Barry Weisblatt, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại VNDIRECT Securities, khẳng định chỉ riêng yếu tố kinh tế Mỹ vận hành tốt chưa đủ để lý giải cho sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Thị phần của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đang tăng rõ rệt. Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhờ quan hệ ngoại giao với Mỹ liên tục cải thiện và có lực lượng lao động giá rẻ với tay nghề cao.
Bên cạnh đó, khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, ngành sản xuất của Việt Nam cũng trở nên cạnh tranh hơn nữa. Những xu hướng này dự kiến tiếp tục bất kể ai đắc cử tổng thống Mỹ.