Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 32,25 tỷ USD (tăng 5,1% so với tháng 9/2023). Trong tháng 10 có 8 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Như vậy, sau nửa đầu năm ảm đạm, những kết quả tích cực gần đây giúp hoạt động xuất khẩu đang thu hẹp dần sự sụt giảm so với năm 2022.
Nếu như hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt hơn 165 tỷ USD, (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái), thì đến hết tháng 10 kim ngạch đã lên 291,46 tỷ USD (chỉ giảm 7% so với cùng kỳ 2022).
Như đề cập ở trên, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng và 4 tháng gần đây đạt tổng kim ngạch 125,76 tỷ USD, tương đương mức bình quân 31,44 tỷ USD/tháng.
Con số bình quân đạt được trong 4 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 27,61 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.
Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, những tín hiệu khởi sắc gần đây giúp Việt Nam kỳ vọng hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan nhận định: “Kết quả trên dù chưa bằng mức kỷ lục hơn 371 tỷ USD của năm 2022, nhưng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh suốt nhiều tháng khởi đầu của năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đối mặt nhiều thách thức và sụt giảm sâu.
Hy vọng xuất khẩu tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng cuối năm là có nhiều cơ sở, bởi ngoài sự bứt phá liên tiếp gần đây, dịp cuối năm là thời điểm có nhu cầu mua sắm lớn của người tiêu dùng trên toàn thế giới để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch”.
Mặt khác, trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang tiếp tục có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Những tín hiệu tích cực có thể nhìn thấy ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ngoài những nhóm hàng “chục tỷ đô” như nhắc đến ở trên, các ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao và có đóng góp quan trọng vào kim ngạch chung của cả nước.
Một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm được Bộ Công Thương chỉ rõ là từ Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu.
Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo hiệp định EVFTA… sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Gia Thành