Xu hướng tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế ngành Halal

0
135
thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD. (Nguồn: halalvietnam)

Indonesia tăng cường hợp tác Halal với Trung Quốc. Vừa qua, Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin kêu gọi các doanh nghiệp Halal thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Thiên Tân và Thượng Hải của Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là thủy sản đầu tư khai thác vào ngành công nghiệp Halal Indonesia. Trong trao đổi với Thị trưởng Thượng Hải Gong Zheng, Phó Tổng thống Ma’ruf Amin cho biết ngành công nghiệp Halal của Indonesia trị giá 135 tỷ USD và chuỗi giá trị Halal được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% – 5,3%/năm trong thời gian tới. Việc tận dụng tiềm năng thị trường Halal của Indonesia sẽ là một phần trong quan hệ đối tác kinh doanh Indonesia – Trung Quốc.

Indonesia hiện có ba Khu công nghiệp Halal, gồm Thung lũng hiện đại Halal ở Serang, Khu công nghiệp Halal ở Sidoarjo và Trung tâm Bintan Inti Halal ở Bintan. Chính phủ Indonesia cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực Halal tại dự án “Công viên đôi hai quốc gia” (Two Countries Twin Parks). Theo đó, Chứng nhận Halal cho các sản phẩm Trung Quốc có thể được thực hiện thông qua Văn phòng đại diện của Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm của Hội đồng Ulema Indonesia tại Thượng Hải. Indonesia cũng đang có kế hoạch thành lập một trung tâm chứng nhận Halal tại Khu đầu tư Yuanhong của Trung Quốc…

​​Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được kỳ vọng trở thành trung tâm xuất khẩu và phân phối các sản phẩm Halal của Indonesia sang các nước Trung Đông và Châu Phi, trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia – UAE (CEPA). Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Quốc gia thuộc Bộ Thương mại Indonesia, nước này đã nỗ lực tăng cường xuất khẩu các sản phẩm Halal, bao gồm việc tham gia các triển lãm thương mại ở nước ngoài, mở cửa tiếp cận thị trường, ươm tạo doanh nghiệp, cung cấp vốn và hỗ trợ các nhà xuất khẩu.

Malaysia đẩy mạnh tận dụng tiềm năng chứng nhận Halal với việc thành lập Ủy ban trực thuộc Chính phủ  do Phó Thủ tướng Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi làm Trưởng ban điều phối hoạt động của các cơ quan, ban ngành về phát triển hơn nữa ngành công nghiệp Halal, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng chứng nhận Halal của Malaysia trong quảng bá ngành công nghiệp Halal quốc gia.

Bộ trưởng Tôn giáo Malaysia, Tiến sỹ Mohd Na’im Mokhtar, cho biết cơ quan này đang triển khai Sáng kiến ​​Chứng nhận Halal 2.0, theo đó chứng chỉ Halal Malaysia sẽ được cấp trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn xin chứng nhận trong nước; và 03 tháng đối với đơn đăng ký ở nước ngoài (so với tiêu chuẩn trước đó là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khoản thanh toán phí chứng nhận). Việc nâng cấp quy trình chứng nhận Halal sẽ giúp Malaysia đào tạo thêm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Halal và nâng cao vị thế quốc tế của ngành Halal Malaysia.

Hiện các cơ quan chức năng Malaysia đang nỗ lực hướng tới đồng bộ tiêu chuẩn Halal của Malaysia và các nước đối tác và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, như sử dụng các nền tảng số, công nghệ blockchain để giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng và thông báo cho khách hàng về tình trạng Halal của hàng hóa; hoặc ứng dụng công nghệ để cải thiện quy trình chứng nhận gửi đơn đăng ký, giám sát và liên lạc với các tổ chức chứng nhận. Việc nâng cấp các công cụ tài chính Hồi giáo cũng sẽ giúp ngành công nghiệp Halal của Malaysia hòa nhập tốt hơn vào cấu trúc kinh tế quốc tế, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ngành Halal tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here