Phát biểu kết luận Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài diễn ra sáng nay (16/10/2023) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư.
Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về định hướng lớn trong phát triển của Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Việt Nam tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng. Đặc biệt chú trọng tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là những ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thương mại điện tử, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Về định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng khẳng định, “Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam”. Trong đó, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu 6 yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Thứ ba, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Thứ tư, nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ sáu, tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cho biết, các quy hoạch này được xây dựng và ban hành với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Các quy hoạch này tạo tiền đề, tạo không gian phát triển cho các nhà đầu tư và chiến lược phù hợp của nhà đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các quy hoạch này.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.
Các hiệp hội cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, “luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình”.
Thủ tướng đề nghị các bên phát huy tinh thần “đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng chiến thắng, không có ai bị bỏ lại phía sau.
(Như Trung/baodautu)