Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.
Đồng thời, làm cơ sở pháp lý để triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế.
Khu kinh tế Thái Bình có diện tích hơn 30.000 ha |
Theo Quy hoạch, Khu kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha.
Đến năm 2040, đất xây dựng các khu chức năng Khu kinh tế khoảng 21.000 ha. Trong đó, đất khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp khoảng 8.020 ha; đất khu dân dụng đô thị khoảng 3.000 ha; đất khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 3.110 ha. Dân số đến năm 2040 là 300.000 người, trong đó đô thị là 210.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Theo định hướng, Trung tâm điện lực Thái Bình, gồm: Trung tâm nhiệt điện Thái Bình, diện tích 253 ha; Khu điện gió, quy hoạch khoảng 600 ha.
Các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình có tổng diện tích 8.020 ha. Khu cảng biển Thái Bình với các khu bến, khoảng 500 ha. Các khu du lịch và dịch vụ tập trung có diện tích 3.110 ha.
Các ngành chủ đạo
Hệ thống hạ tầng kinh tế khu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường. Các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp công nghệ cao; cơ khí chế tạo động cơ, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, các phương tiện vận tải, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; ngành thời trang, dệt nhuộm, vải cao cấp, may mặc xuất khẩu và nguyên phụ liệu; công nghiệp khai thác và chế biến khí, sản phẩm sau khí, điện; công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp hàng không; chế biến nông thủy hải sản, thực phẩm, đồ uống; thiết bị y tế, dược phẩm; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng khác.
Khu kinh tế tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino); kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế; kết nối du lịch Khu kinh tế với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không (thủy phi cơ); hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại khu vực Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch.
Khu kinh tế sẽ quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có năng suất chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của khu kinh tế; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá./.
(baodautu.vn)