WTO: Mỹ được phép áp thuế trả đũa đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hoá EU

0
71
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 2/10/2019, Tòa trọng tài của WTO đã ra phán quyết cho phép Mỹ được áp thuế đối với khoảng 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu để trả đũa cho việc châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus. Đây là phán quyết với giá trị lớn nhất trong lịch sử WTO, gần gấp đôi phán quyết kỷ lục 4,04 tỷ USD được đưa ra vào năm 2002.

Phán quyết này là động thái mới nhất trong vụ kiện về trợ cấp cho ngành máy bay giữa Mỹ và EU nhưng sẽ không phải là động thái cuối cùng. Trước khi áp thuế trả đũa đối với EU, Mỹ cần phải hỏi ý kiến Ủy ban Giải quyết tranh chấp WTO (DSB). Cuộc họp sắp tới của DSB d kiến là ngày 28/10/2019, tuy nhiên, Mỹ có thể yêu cầu triệu tập họp sớm và cuộc họp có thể được diễn ra sau 10 ngày kể từ khi Mỹ có yêu cầu.

Nếu Hội đồng tuân thủ có bằng chứng cho rằng EU đã tuân thủ các phán quyết trước đây của DSB, gỡ bỏ trợ cấp trái phép đối với Airbus, Mỹ sẽ phải dừng các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, Mỹ cũng có thể kháng nghị kết quả điều tra của Hội đồng tuân thủ, và qua đó trì hoãn việc chấm dứt các biện pháp trả đũa.

Phán quyết về 7,5 tỷ USD được Tòa Trọng tài đưa ra trên cơ sở xác định 5 hợp đồng mà Airbus giành được trong giai đoạn 2011-2013 là nhờ được trợ cấp trái phép. Hãng Boeing của Mỹ lẽ ra đã giành được những hợp đồng đó. Mỹ đã kiện và đòi được trả đũa đối với trên 10,5 tỷ USD giá trị thương mại và đã công bố danh mục khoảng 25 triệu USD hàng hóa của EU có thể sẽ phải chịu thuế.

EU cũng đang đòi quyền được trả đũa lại phía Mỹ do các khoản trợ cấp trái phép mà một số bang đã dành cho Boeing. Các quan chức của EU cho rằng Mỹ và EU nên ngồi lại để đàm phán một thỏa thuận thay vì áp thuế trả đũa lẫn nhau. Cao ủy thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom và người kế nhiệm Phil Hogan nói rằng phía Mỹ không muốn đi theo hướng đó. Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết về trường hợp của Boeing trong vài tháng tới.

Phát biểu sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, bà Malmstrom cho rằng ngay cả khi Mỹ được DSB chấp thuận, việc áp dụng các biện pháp trả đũa sẽ là thiển cận và không hiệu quả. Việc trả đũa lẫn nhau sẽ gây tổn hại cho các bên hai bờ Đại Tây Dương và cho thương mại toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực. Trước đó, vào tháng 7, EU đã đề nghị với phía Mỹ một đề xuất cụ thể về quy định trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay cũng như cách thức tuân thủ các quy định hiện hành. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn quyết định tìm kiếm hướng giải quyết từ WTO.Trong một tuyên bố vào ngày tngày 2/10, hãng Airbus cũng kêu gọi Mỹ và EU cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm tránh những tác động tiêu cực của các biện pháp thuế.

Phía Mỹ sau đó đã ngay lập tức công bố danh sách cuối cùng các sản phẩm của EU sẽ phải chịu thuế sau phán quyết của Tòa trọng tài WTO về việc EU trợ cấp trái phép cho Airbus. Mỹ dự kiến sẽ áp 10% thuế đối với các máy bay dân dụng của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh; áp 25% thuế đối với một loạt các sản phẩm khác bao gồm rượu wisky của Ai-len và Scot-len; rượu vang, ô liu, pho mát, một số sản phẩm từ thịt lợn, bơ, sữa chua của một số nước châu Âu. Mỹ đã loại các sản phẩm da , trong đó có các nhãn hàng nổi tiếng như Givenchy hay LV, ra khỏi danh sách dự kiến ban đầu. Washington cũng đề nghị DSB của WTO triệu tập họp vào ngày 14/10 để ra quyết định cho phép áp dụng thuế.

Theo một số nhà bình luận, mục tiêu của chính quyền Trump là  dùng việc áp thuế để buộc EU đi đến một thỏa thuận.  Phán quyết của WTO vào ngày Thứ Tư là một dấu mốc trong vụ tranh chấp kéo dài nhất trong lịch sử WTO  và sẽ là một thử thách đối với quan hệ giữa hai bờ ĐTD, vốn đã bị  sứt mẻ bởi cách tiếp cận “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here