Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nêu bật những nguyên nhân cũng như cách thức Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Phân tích chi tiết về những tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đến nền kinh tế của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, WB chỉ rõ, những tác động của RCEP từ kinh tế vĩ mô đến các ngành công nghiệp.
Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2035, mức thuế trung bình do Việt Nam áp dụng giảm từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi mức thuế mà Việt Nam phải đối mặt giảm từ 0,6% xuống 0,1%.
Theo kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong tất cả các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với mức cơ bản, cao hơn các nước khác, nơi mức thu nhập tăng 2,5 %. Tất cả các nước thành viên RCEP đều sẽ chứng kiến xuất khẩu và nhập khẩu tăng. Việt Nam dự kiến có mức tăng xuất khẩu cao nhất, ở mức 11,4%. Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể, ở mức 9,2% so với 7,2% của Philippines. Đối với Việt Nam, xe có động cơ sẽ là lĩnh vực mở rộng nhiều nhất với 18,6%, tiếp theo là dệt may với 16,2% và may mặc với 14,9%, chủ yếu do cắt giảm các biện pháp phi thuế quan.
Trong kịch bản chỉ thực hiện cắt giảm thuế quan, tác động đến nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể, với mức tăng thu nhập gần bằng 0. Thương mại cũng giảm nhẹ, với xuất khẩu và nhập khẩu giảm 0,3%. Nguyên nhân là do Việt Nam được hưởng mức thuế tương đối thấp nhờ các hiệp định thương mại tự do khác.
RCEP tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19. Theo WB, Việt Nam và Malaysia là những quốc gia được dự đoán sẽ thu lợi nhiều nhất. RCEP cũng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn gấp đôi quy mô của các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vì RCEP bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, RCEP cũng đặt ra một số thách thức không thể tránh khỏi do Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu cao hơn và sự cạnh tranh gay gắt hơn.
Mức lương cao hơn cho phụ nữ: Điều này phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tăng trưởng bền vững trong khu vực RCEP, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc, tình trạng nghèo cùng cực theo kịch bản sẽ giảm từ 0,98% năm 2020 xuống 0,12% vào năm 2035. Do đó, RCEP cũng sẽ mang lại sự bình đẳng hơn trong thị trường việc làm. Bằng cách tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế sử dụng nhiều phụ nữ hơn, như dệt, may, điện tử và một số lĩnh vực dịch vụ. Lương của phụ nữ sẽ tăng nhanh hơn so với lương của lao động nam, đặc biệt là ở Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng: Một nửa dân số trong RCEP, hay 1,1 tỷ người, đóng góp tương đương 10 USD/ngày hoặc hơn tính theo sức mua. Nếu hiệu quả, RCEP có thể giúp mở rộng tầng lớp trung lưu thêm 27 triệu người cho tất cả các nước thành viên vào năm 2035. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng mức tăng lớn nhất khi có thêm 1,7 triệu người bước vào tầng lớp trung lưu.
Lợi ích của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN): Việc đơn giản hóa các thủ tục như hải quan và quy tắc xuất xứ sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu, cho phép nhiều DNVVN tham gia. Các doanh nghiệp này chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp 40% GDP. Do đó, RCEP mang lại cơ hội đáng kể cho các DNVVN của Việt Nam trong việc nâng cao chuỗi giá trị.
Quy tắc xuất xứ: Lợi ích của RCEP đối với Việt Nam có thể khá khiêm tốn so với CPTPP hoặc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Tuy nhiên, lợi ích có thể sẽ tăng lên đáng kể nếu Việt Nam giảm thuế quan, rào cản phi thuế quan thành công và tận dụng các quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, các quy tắc xuất xứ có thể làm cho hàng hóa xuất khẩu ít phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu hơn, đồng thời khuyến khích các nước thành viên hoạt động nhiều hơn trong chuỗi cung ứng khu vực.
Khi các nước thành viên hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, các thành viên RCEP cũng có thể hưởng lợi từ hàng hóa nhập khẩu ít tốn kém hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, một khi RCEP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cả trong nước và thị trường xuất khẩu.
Hơn nữa, chính phủ cũng phải nhấn mạnh cần thận trọng về các chi phí liên quan đến RCEP, có thể bao gồm chi phí hạ thấp hàng rào phi thuế quan và chi phí chuyển tiếp do thay đổi cơ cấu liên quan đến thương mại như thay đổi việc làm.
Việc xem xét các yếu tố này sẽ giúp tạo ra môi trường mà các nhà xuất khẩu có thể tận dụng tối đa các quy tắc xuất xứ chung mà không phải trả chi phí cao.
Hiện tại, thương mại giữa các quốc gia RCEP chỉ chiếm 20% tổng thương mại của các quốc gia thành viên RCEP, do đó, có nhiều cơ hội tăng dòng chảy thương mại trong khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư muốn tận dụng lợi thế sản xuất ở châu Á nên nghiên cứu kỹ văn bản FTA để tìm hiểu các lợi thế. Các nhà sản xuất ở các nước tiên tiến hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể xem xét giảm thiểu chi phí bằng cách thuê các khâu gia công cuối cùng cho các nước ASEAN kém phát triển hơn để được hưởng lợi.
Đối với Việt Nam, vì đã tham gia các FTA khác trong khu vực, nên phần lớn lợi ích không đến từ việc cắt giảm các mức thuế quan vốn đã thấp. Thay vào đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đến từ cam kết sâu sắc hơn và toàn diện hơn thông qua thương mại nội khối RCEP, các quy tắc xuất xứ chung và sự cởi mở hơn đối với hàng hóa và dịch vụ thông qua các thị trường, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Thu Hằng