Vượt qua rào cản Zero COVID, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc vẫn khả quan

0
167
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai khẳng định dư địa xuất khẩu thủy sản của Việt Nam còn rất lớn.
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ 1,03 triệu tấn năm 1992 lên 5,9 triệu tấn năm 2018, với giá trị tăng vọt từ 1,02 tỷ USD lên 12 tỷ USD. Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc trị giá 14,15 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 12,7 tỷ USD vào năm 2020. Sản lượng thủy sản của Trung Quốc sẽ lên tới 69 triệu tấn vào năm 2025, theo Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tính chung quý I, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 326 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Không phải tất cả thủy sản Trung Quốc nhập khẩu đều được tiêu thụ, mà một phần đáng kể sau đó được chế biến để tái xuất khẩu. Tuy nhiên, trong số thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc, sản phẩm giá trị cao phục vụ cho tiêu dùng nội địa là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021. Việc giá thủy sản trung bình tăng hoặc giá thịt lợn giảm không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trên.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc tạm đình chỉ nhập khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên bao bì sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp này xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cho biết, để phòng chống rủi ro dịch bệnh COVID-19 thâm nhập từ bên ngoài vào trong nước, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu/cảng biển đối với con người, hàng hóa nhập cảnh, đặc biệt là tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Trường hợp kiểm tra, phát hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa dương tính với virus SARS-CoV-2, cơ quan Hải quan sở tại sẽ tạm dừng thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài trong một thời gian nhất định theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo ông Nông Đức Lai, thời gian vừa qua nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 trên bao bì và cả trên sản phẩm.

Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh luôn duy trì liên lạc với đầu mối của bộ phận chức năng Hải quan Trung Quốc nhằm nắm bắt, trao đổi thông tin và thông báo một cách sớm nhất tới cơ quan phụ trách ở trong nước để kịp thời thông báo tới doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp.

Đến nay, ngoài việc bị áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu, doanh nghiệp vi phạm còn phải tự điều tra làm rõ nguyên nhân lây nhiễm và áp dụng biện pháp khắc phục, sau đó phía Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.

Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cũng dẫn số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết, trong thời gian từ tháng 1-4/2022, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản (Mã HS 03) sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 9% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các nền kinh tế bên ngoài.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 182 triệu USD, tăng 2,2 lần so với tháng 2. Tính chung quý I, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 326 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, dù Trung Quốc vừa trải qua làn sóng COVID-19 với số ca nhiễm mới tăng đột biến, phong tỏa nhiều thủ phủ thủy sản như Quảng Đông, Thượng Hải, siết chặt quy trình nhập khẩu thực phẩm… nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt.

Ông Nông Đức Lai nhận định, đến nay có thể nhận thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng rất khả quan, vì những lý do sau:

Trước hết, dư địa xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh khi quy định hạn chế các hoạt động công cộng, dịch vụ giải trí, du lịch tại nhiều nơi được nới lỏng sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Mặc khác, các doanh nghiệp thủy sản ngày càng nhanh nhạy với thông tin, nhu cầu của thị trường, nắm vững các quy định, tiêu chuẩn và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian vừa qua cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp mã cho nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép tham gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trong nước cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ những quy định, hướng dẫn của chính phủ, bộ ngành chức năng về công tác phòng chống dịch COVID-19; tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc/Tổ chức Y tế Thế giới (FAO/WHO) và của Trung Quốc về phòng chống virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình sản xuất thực phẩm và chuỗi đông lạnh; đồng thời tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… để đảm bảo hàng thủy sản của Việt Nam không còn bị cảnh báo nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Nông Đức Lai nhấn mạnh thêm rằng, do các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng khắt khe và trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nên các doanh nghiệp thủy sản cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu./.

Tiến Trung 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here