Báo cáo tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ tư diễn ra tại Hòa Bình ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng tổng sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc ước đạt 9,1%, cao nhất cả nước.
Trong đó, một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,8%), Phú Thọ (9,5%), Tuyên Quang (9,04%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 76 triệu đồng/người.
Cơ cấu GRDP chuyển dịch khá tích cực, cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 80,9% GRDP của vùng. Đóng góp của 2 ngành trên chiếm 8,7% điểm tăng trưởng GRDP của vùng trong năm 2024.
Đến năm 2024, toàn vùng đã có 37 khu công nghiệp được thành lập, 26 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 67% diện tích. Số doanh nghiệp hoạt động, kê khai thuế toàn vùng vào khoảng trên 44.000 doanh nghiệp, tăng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm 2023; thu hút 90 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ USD (tập trung vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ).
Môi trường kinh doanh của vùng được cải thiện rõ rệt: năm 2023 toàn Vùng có 5/14 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất (Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai).
Thu ngân sách nhà nước toàn vùng năm 2024 đạt 89.200 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), trong đó 10/14 địa phương có số thu vượt dự toán. Tỉnh Thái Nguyên đã cân đối được thu chi ngân sách, đạt mục tiêu của nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, 18 dự án trọng điểm của vùng đã và đang triển khai thực hiện, một số dự án quy mô lớn đã khởi công, triển khai như: cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Hòa Lạc – Hòa Bình – Mộc Châu; đang triển khai thủ tục đầu tư các dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cảng hàng không Sa Pa; Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai, cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến…
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung, giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc như sau:
Thứ nhất, cần xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ.
Thứ hai, triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch Vùng, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện 4 nhiệm vụ trong tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch; Chủ động xây dựng các nhiệm vụ, đề án trọng tâm đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2026 – 2030 để tổ chức thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển và điều phối vùng; lựa chọn vấn đề đề xuất Hội đồng điều phối Vùng cho ý kiến; đồng thời nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng.
Thứ tư, các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 – 2030.
Thứ năm, các Bộ, địa phương tập trung giải ngân số vốn đầu tư công đã được giao trong năm 2024 và năm 2025, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt và chuẩn bị triển khai 33 dự án quan trọng, liên kết vùng đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết về phát triển vùng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đề xuất tháo gỡ ngay các khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ.
Gia Thành